+Aa-
    Zalo

    Những điểm mới trong phương án tuyển sinh 2025 của các trường đại học top đầu

    (ĐS&PL) - Năm 2025, tuyển sinh đại học thay đổi, nhiều trường tăng xét tuyển và chỉ tiêu, trong khi các trường top đầu giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

    Báo Lao động cho biết, là một trong những trường đầu tiên công bố đề án tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giữ ổn định 3 phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

    Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp của trường gồm 3 đối tượng:

    - Nhóm 1: Thí sinh có chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế SAT/ACT;

    - Nhóm 2: Thí sinh xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM; điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

    - Nhóm 3: Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của môn Toán và 1 môn khác không phải tiếng Anh.

    Đáng chú ý, năm 2025, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ dành 15% chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, giảm 3% so với năm 2024. Trong khi đó, phương thức xét tuyển kết hợp tăng 3% chỉ tiêu so với năm ngoái.

    Đồng thời, nhà trường thông báo thêm, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường chỉ sử dụng 4 tổ hợp xét tuyển là A00 (Toán, Lí, Hóa), A01 (Toán, Lí, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh) thay vì 9 tổ hợp như năm 2024.

    Những điểm mới trong phương án tuyển sinh 2025 của các trường đại học top đầu. Ảnh minh họa: Vietnamnet.

    Những điểm mới trong phương án tuyển sinh 2025 của các trường đại học top đầu. Ảnh minh họa: Vietnamnet.

    Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành như Y học cổ truyền, tăng 20 %; Điều dưỡng, tăng 10%; Dược học, tăng 30% so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024. Nhà trường thực hiện 6 phương thức xét tuyển bao gồm: Kết quả thi tốt nghiệp THPT; Tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Sử dụng phương thức khác.

    Trường này cũng cho hay sẽ không áp dụng môn ngoại ngữ trong tiêu chí phụ khi xét đồng điểm như 2024 trở về trước. 

    Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2025, chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT dự kiến cũng được nhà trường giảm từ 50% của năm 2024 xuống còn 40%, tăng chỉ tiêu xét tuyển các phương thức còn lại.

    Trường Đại học Bách khoa TP.HCM thông tin, năm 2025, phương án tuyển sinh kết hợp của trường gồm một số tiêu chí. Trong đó, tiêu chí học lực bao gồm 3 thành phần là: điểm học tập ở bậc THPT (gồm 6 học kỳ ứng với tổ hợp đăng ký xét tuyển); điểm thi tốt nghiệp THPT (gồm các môn trong tổ hợp xét tuyển); điểm thi đánh giá năng lực. Thành phần học lực của thí sinh được tính dựa vào điểm học tập 3 năm THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực.

     Tiêu chí thành tích cá nhân là học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải thi khoa học kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế, thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, tỉnh/thành phố, và các giải thưởng học thuật khác cũng được đưa vào. Ngoài ra còn có tiêu chí hoạt động xã hội, văn thể mỹ.

    Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, ba phương thức tuyển sinh của năm tới gồm Xét tuyển thẳng; Xét điểm thi đánh giá năng lực do đại học này tổ chức; Xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các trường thành viên được khuyến khích xét tuyển kết hợp.

    PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền giảm bớt phương thức tuyển sinh và chỉ công bố kết quả xét tuyển đại học sau khi có điểm thi tốt nghiệp, kể từ năm 2025. Đại học này cũng dự kiến đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) chung. Lĩnh vực đào tạo và tuyển sinh then chốt là Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học, Trí tuệ nhân tạo và các chương trình đào tạo liên ngành, liên trường, theo báo Sức khỏe và Đời sống.

    6 trường đại học lớn ở TP.HCM gồm Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Tài chính - Marketing, Trường Đại học Mở TP.HCM, Trường Đại học Luật TP.HCM và Trường Đại học Văn Lang cùng 4 đại học/trường khác gồm Đại học Thái Nguyên, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính (V-SAT) để xét tuyển. Kỳ thi có 8 môn thi độc lập, gồm: Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn. Nội dung thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12 (khoảng 90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12 và 10% thuộc chương trình lớp 10, 11). Ngoài ra, các trường cũng sẽ dùng thêm các phương thức tuyển sinh khác. 

    Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng đã ban hành thông báo các phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2025. Theo đó, trường đưa ra 6 phương thức xét, trong đó có phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

    Với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, chia sẻ về định hướng năm tới, TS. Phạm Tấn Hạ cho biết, nhà trường sẽ cân nhắc việc xây dựng các tổ hợp xét tuyển phù hợp với lựa chọn môn học của học sinh năm học tới. "Nhà trường sẽ cố gắng giữ các tổ hợp môn truyền thống để không xáo trộn nhiều tới lựa chọn môn học của thí sinh từ cách đó 3 năm trước, ví dụ như: C00; D01; D14. Ba tổ hợp này được sử dụng để xét tuyển nhiều nhất vào các ngành của trường, dự kiến sẽ có trong tổ hợp môn xét tuyển năm 2025".

    Trường Đại học Việt Đức cũng dự kiến cho phép thí sinh tự do lựa chọn các môn học trong các nhóm ngành để đăng ký xét tuyển. thí sinh không bị giới hạn trong việc chọn lựa các môn học, mà có thể linh hoạt tùy theo định hướng và sở thích của bản thân. Ví dụ, phương thức xét điểm học tập THPT, trường xét tuyển dựa trên điểm trung bình của 6 môn theo kết quả 3 năm THPT.

    Trường Đại học Nha Trang xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập đại học. Với kết quả học tập, mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo của trường, thí sinh phải học ở THPT một số môn nhất định theo quy định. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cần tối thiểu do trường công bố hàng năm. Kết quả đánh giá năng lực học tập đại học, với mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo của trường, thí sinh còn phải tham gia đánh giá năng lực học tập đại học. 

    Kể từ năm 2025, các trường, học viện quân đội cũng sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, thi trên máy tính. Bài thi sẽ bao gồm kiến thức tổng hợp các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Thí sinh sẽ sử dụng kết quả bài thi xét tuyển vào các trường, học viện quân đội với số chỉ tiêu khoảng 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-iem-moi-trong-phuong-an-tuyen-sinh-2025-cua-cac-truong-ai-hoc-top-au-a474760.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan