Nhồi máu cơ tim có thể gây hoại tử cơ tim nếu thiếu máu cục bộ vành cấp và thiếu oxy. Xơ vữa động mạch vành là nguyên nhân phổ biến nhất của nhồi máu cơ tim, ngoài ra, béo phì, tăng lipid máu, hút thuốc lá, cao huyết áp, tiểu đường, thay đổi thời tiết, dễ xúc động cũng có thể gây nhồi máu cơ tim.
Những người bị nhồi máu cơ tim may mắn sống sót cũng khó tránh khỏi các di chứng nặng nề sau biến cố như rối loạn nhịp tim dai dẳng, suy tim, huyết khối trong tim, phình động mạch, tổn thương gan thận,…
Chỉ những người cấp cứu trong vòng 4 giờ đầu mới có nhiều cơ hội phục hồi tốt. Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo sớm về nguy cơ nhồi máu cơ tim đang đến gần sẽ làm tăng cơ hội sống sót cho người bệnh tim mạch vành.
Nếu khi ngủ, bạn phát hiện những loại bất thường sau, hãy đi gặp bác sĩ bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nhồi máu cơ tim.
Đổ mồ hôi trộm
Nếu bạn vẫn thường xuyên đổ mồ hôi ban đêm, thấy quần lót ướt đẫm mồ hôi lạnh khi thức dậy vào ban đêm dù nhiệt độ trong phòng không nóng, bạn nên chú ý đến sức khỏe tim mạch.
Về mặt bệnh lý, nhồi máu cơ tim chủ yếu là do mảng bám tim mạch gia tăng, máu lưu thông kém, khi ngủ vào ban đêm, độ nhớt của máu tăng cao khiến tình trạng này trầm trọng hơn. Lúc này, lượng máu lưu thông sẽ giảm đi, các dây thần kinh giao cảm ở các bộ phận khác nhau trong cơ thể không được cung cấp đủ máu nên sẽ xảy ra trạng thái hưng phấn bất thường, làm giảm khả năng kiểm soát tuyến mồ hôi của cơ thể, và sau đó xuất hiện các triệu chứng như đổ mồ hôi không ngừng. Hơn nữa, hiện tượng này thường xảy ra ở lòng bàn tay, cổ, trán... Bạn nên quan sát thật kỹ.
Răng đau và sưng tấy
Những người có chức năng tim bất thường cũng có thể bị đau răng, đặc biệt khi đi ngủ vào ban đêm. Điều này chủ yếu do vùng tim có nhiều mô thần kinh hơn. Khi hệ thống tim mạch bị tổn thương, các dây thần kinh này có thể bị kích thích rồi truyền tín hiệu đau, do đó, một số người bị đau răng, làm giảm đáng kể chất lượng giấc ngủ.
Nói chung, đau răng do bệnh tim thường khó giảm bằng thuốc và kéo dài tương đối lâu hơn. Lúc này, bạn cần đi khám.
Đau bụng trên dai dẳng
Một số bệnh nhân có thể bị đau vùng thượng vị dai dẳng vài ngày trước khi bắt đầu nhồi máu cơ tim, dễ bị coi là đau dạ dày.
Khó chịu ở cổ họng
Khó chịu ở họng và cổ, cảm giác tắc nghẽn hoặc kèm theo triệu chứng đổ mồ hôi, cũng là những triệu chứng thường gặp trước khi bị nhồi máu cơ tim.
Tức ngực khi ngủ
Tim và phổi nằm trong lồng ngực, có chức năng liên kết và phối hợp với nhau nên khi tim bị tổn thương, hệ hô hấp cũng sẽ ảnh hưởng.
Khi ngủ vào ban đêm, khí quản bị thu hẹp tự nhiên do trọng lực, nếu ban đầu tuần hoàn tim phổi không trơn tru, cộng với lượng khí nạp vào giảm đột ngột, bệnh nhân sẽ có cảm giác tức ngực rõ ràng. Nếu tình trạng nặng hơn, người bệnh có thể cảm thấy đau tức ngực mỗi khi hít vào, có khi lan xuống vai và lưng.
Thức dậy vào ban đêm
Một số người mắc bệnh tim thường xuyên bị thức giấc vào ban đêm, cảm thấy khó chịu như bị ai đó véo vào tim. Tình trạng này cũng cho thấy sức khỏe cơ tim của bệnh nhân có vấn đề, có thể xảy ra những tình huống nguy hiểm như ngừng tim tạm thời.
Đau chi trên và vai trái
Sau khi thiếu máu cục bộ cơ tim có thể lan sang vai trái và các bộ phận khác, gây đau vai trái hoặc chi trên.
Phụ nữ thường có nhiều dấu hiệu không điển hình này hơn là phái mạnh. Trong một nghiên cứu với 515 phụ nữ bị nhồi máu cơ tim cấp tính, triệu chứng thường được báo cáo nhất là mệt mỏi bất thường, rối loạn giấc ngủ, khó thở, khó tiêu và lo lắng. 78% số họ gặp ít nhất 1 dấu hiệu kể trên trước khi cơn nhồi máu xảy ra khoảng một tháng.
Thực hiện những điều này nếu không muốn bị nhồi máu cơ tim
Tỷ lệ nhồi máu cơ tim rất cao. Nếu không muốn trở thành mục tiêu của bệnh nhồi máu cơ tim, bạn phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa hàng ngày.
Không thức quá khuya
Zhu Ying, bác sĩ trưởng khoa tim mạch của bệnh viện trực thuộc thứ hai của trường đại học y khoa Chiết Giang chỉ ra rằng, thức khuya và chịu quá nhiều áp lực sẽ thúc đẩy tắc nghẽn động mạch và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Thực hiện hoạt động thể chất thường xuyên
Mỗi ngày, bạn nên dành tối thiểu 30 phút hoạt động thể chất. Bạn không cần phải tập các bài tập quá nặng, thay vào đó có thể tập các bài tập nhẹ như đạp xe, đi bộ, aerobic… sẽ là những bộ môn không chỉ giúp duy trì thể lực tim mạch mà còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe tổng quát.
Ngừng hút thuốc và hạn chế rượu bia
Hút thuốc và uống rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, rượu bia sẽ làm tăng nhịp tim và huyết áp, có thể gây rối loạn nhịp tim.
Như Quỳnh (T/h)