(ĐSPL) - Cuộc đời của người anh hùng cách mạng Nguyễn Văn Trỗi, anh dũng hy sinh đã để lại bao sự tiếc nuối trong lòng mỗi người dân Việt. Nhưng không ai biết rằng, không chỉ là người chiến sỹ cách mạng, anh còn được biết đến là một người thông minh và có những dự cảm trước cái chết một cách kỳ lạ. Dưới đây là những thông tin ít biết về Nguyễn Văn Trỗi qua lời kể của thầy dạy vỡ lòng của anh.
Những kỷ niệm khó quên
Trong những ngày cuối năm, khi không khí Tết đang tràn về khắp mọi miền đất nước, cũng là thời gian khắp nơi vừa tổ chức kỷ niệm ngày người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi bị quân thù xử tử, chúng tôi lặn lội tìm về mảnh đất quê hương anh tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung (huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Người đón tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cũ chính là cụ Nguyễn Văn Nhung (85 tuổi), thầy dạy đầu tiên của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.
Tuy tuổi đã ngoài thất thập cổ lai hy, nhưng khi nghe nhắc đến học trò Nguyễn Văn Trỗi, thì ông vẫn nhớ rõ ràng từng chi tiết. Cụ Nhung được biết đến là người thầy nhiệt tình và năng nổ của bao thế hệ học trò vùng quê nghèo mà anh dũng trong chiến tranh. Nhấp ngụm trà, ánh mắt xa xăm, cụ đưa chúng tôi về với những kỷ niệm trong quá khứ: "Hồi ấy, tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, cha mẹ chỉ có điều kiện cho học bậc sơ học. Nhưng vì tôi ham học lại nhớ bài rất giỏi nên nắm được khá nhiều kiến thức".
Cụ Nhung nhớ tới người học trò, người anh em Nguyễn Văn Trỗi. |
"Đất nước đang loạn lạc, lớn lên tôi cũng tham gia cách mạng, rồi quay về làm thư ký cho bên xã đội, được một thời gian, nghỉ việc, lại về nhà. Tôi mới nghĩ ra cách có thể đem con chữ của mình đi dạy cho nhiều học trò, những người đang mù chữ", cụ kể. Nghĩ là làm, vì không có lớp học đàng hoàng, mà nhiều người đang cần biết chữ, nên cụ liều mượn tạm ngôi miếu Bà để làm trường. Học sinh rất đông, trong đó có anh Nguyễn Văn Trỗi.
Dạy học trong thời chiến không hề dễ dàng. Quân địch nghi ngờ những bài giảng của cụ. Nhiều lúc bị triệu tập lên xuống, nhưng cụ Nhung chỉ khẳng khái với quan điểm: "Tôi chỉ muốn dạy tất cả những ai chưa biết chữ và dạy cách làm người". Lời khẳng định của cụ khiến lớp học được an toàn. Nhờ vậy, nhiều năm liền cụ đào tạo rất nhiều thế hệ học trò. Cụ còn bảo, mỗi người Việt khi đất nước loạn lạc, ai cũng muốn đứng lên để làm gì có ích cho Tổ quốc. Riêng cụ, tình yêu thương dành cho đất nước mà cụ có, chính là trở thành người thầy đem con chữ đến cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ.
Vì thế mà từ đầu làng đến cuối xóm, cụ Nhung được biết đến như một người thầy mẫu mực, cho bao thế hệ noi theo. Đôi mắt sáng và giọng nói ấm áp, rõ ràng, cụ kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm của những học trò mình từng dạy. Trong đó, điều chúng tôi tò mò chính là người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Nhắc đến anh, cụ lại rưng rưng nước mắt: "Mới đó mà đã 50 năm qua từ ngày em Trỗi mất". Thấy cụ gọi thân mật, hỏi ra mới biết, anh Trỗi chính là người anh em con chú con bác của cụ.
Tập thơ cụ sáng tác về quê hương. |
Theo cụ Nhung, anh Trỗi sinh ngày 1/2/1940, là con thứ ba (nên còn được gọi là Tư Trỗi) trong một gia đình nghèo. Làng Thanh Quýt ngày ấy, đất chật người đông, xóm làng, gia đình ly tán, người dân bần hàn cơ cực, bố anh Trỗi ở lại Sài Gòn. Mẹ anh Trỗi vừa lo chạy giặc vừa lo cái ăn, lại thêm bệnh tật không còn sức chịu đựng, nên đã ra đi khi anh chỉ mới 3 tuổi. Vì gia đình ly tán, anh Trỗi ở cùng với người bác tại Thanh Quýt.
Dự cảm trước về cái chết?
"Tôi là anh và cũng là thầy của Tư Trỗi. Trỗi rất chăm chỉ, thông minh, học mau hiểu, làm mau biết. Sáng đi học, chiều lại đi gánh nước, xay bột kiếm tiền. Anh em nương tựa, đùm bọc nhau từ bé", cụ Nhung nhớ lại. Cho đến năm 1954, anh Trỗi ra Đà Nẵng tìm kiếm việc làm. Tìm được một công việc nhưng anh cũng chỉ làm được một thời gian. Sau đó, Tư Trỗi xuống tàu vào Sài Gòn, với mong muốn tìm kiếm việc làm và học nghề.
Cụ Nhung còn nhớ như in ngày anh Tư Trỗi xuống tàu với hai bàn tay trắng, cả gia đình không hề hay biết. Khi mọi người hay tin thì tàu đã vào đến Bình Định - Phú Yên, không thể gọi Trỗi quay về. Vào Sài Gòn, lúc đầu anh xin được công việc đạp xích lô, được mấy tháng chuyển sang xin học nghề điện. Từ đó, anh rất ít về nhà, mỗi bận về chỉ được mấy hôm rồi lại đi. Khi đi học nghề điện, anh Tư học rất thông minh nên biết rất nhiều kiến thức. Ban ngày anh học điện những nơi trung tâm, tối lại học lý thuyết, nhờ vậy anh nắm rất rõ những kiến thức đã học. Nhờ thông minh, chăm chỉ, anh được nhận vào làm công nhân nhà máy Điện Chợ Quán.
Nhưng điều mà cụ Nhung và gia đình không ai hay biết, chính là anh Tư Trỗi hoạt động cách mạng từ bao giờ. Cho đến năm 1963, khi anh Trỗi về thăm gia đình. Trong những ngày ở lại quê hương, anh cùng cụ Nhung đêm nằm tâm sự, nói chuyện về những trắc trở băn khoăn cho tương lai, về những dự tính ngày mai. Anh em hàn huyên cho đến đêm khuya. Cụ Nhung còn nhớ, đêm đó, anh Tư Trỗi nói rất nhiều so với những lần về khác.
Đến sáng ngày 15/10/1963, anh Tư Trỗi ra trước sân nhà, nơi có những hàng cau xanh mát rồi dùng viên đá tỉ mỉ khắc lên thân cau hàng chữ về mốc ngày tháng mình về thăm quê. Thấy hành động của người em là lạ, cụ Nhung mới gặng hỏi "tại sao mấy lần chú không vẽ, nhưng lần này lại vẽ lên đó". Tư Trỗi chỉ cười và nói, "thì đó là ngày em về thăm quê". Rồi sau đó, anh Trỗi trở lại mảnh đất Sài Gòn.
Hai anh em lại xa cách, cụ Nhung tiếp tục con đường dạy học của mình. Cho đến một năm sau, đúng ngày 15/10/1964, cụ nghe trên đài nói về việc xử tử một anh hùng. Cụ và gia đình sửng sốt khi nghe đến tên anh Nguyễn Văn Trỗi. Nước mắt giàn giụa thương cho người em còn quá trẻ, nhưng chứng kiến sự kiên cường bất khuất của em mình, mặc dù vô cùng đau đớn nhưng cụ Nhung và gia đình hãnh diện vô cùng. Cụ tự hào vì dòng họ mình có được một người anh dũng như vậy. Sau cái chết của Tư Trỗi, cụ mới biết thì ra người anh em của mình đã gia nhập chiến sỹ biệt động Sài Gòn, từng hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao, cũng từng tiêu diệt được nhiều tên địch.
Khi biết tin phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Mắc Namara - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đến Sài Gòn thị sát chiến trường vào tháng 5/1964, lực lượng của ta liền vạch kế hoạch tiêu diệt Mắc Namara. Mặc dù, mới cưới vợ được 10 ngày, Nguyễn Văn Trỗi vẫn xung phong nhận nhiệm vụ, cùng đồng đội tiến hành cài mìn ở cầu Công Lý, nơi dự đoán Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ đi qua. Tuy nhiên, trong khi đang làm nhiệm vụ, anh Tư Trỗi bị bắt. Kẻ thù ra sức tra tấn đánh đập dã man, nhưng để đảm bảo cho hoạt động và tính mạng đồng đội, anh Tư Trỗi kiên quyết không khai mà còn nhận hết trách nhiệm về mình. Chính vì vậy anh bị kết án tử hình.
Kể đến đây, cụ Nhung bảo, mới đó mà đã 50 năm. Thời gian trôi thật nhanh, tất cả đã lùi vào quá khứ nhưng hình ảnh người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi vẫn sống mãi trong lòng dân tộc.
Người từng dạy nhiều thế hệ học trò trong vùng Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Công Phát, Trưởng thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết: Cụ Nhung là người thầy đã từng dạy cho nhiều thế hệ học trò trong vùng, là người sống gương mẫu. Cụ đã giúp cho nhiều người trong vùng biết đọc, biết viết, có kiến thức và hiểu biết thêm nhiều điều. |