+Aa-
    Zalo

    Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2022

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Quy định mới về kinh doanh xăng dầu, giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài… là những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2022.

    Sửa đổi, bổ sung quy định giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt

    Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 19/2021/TT-NHNN ngày 24/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá.

    nhung chinh sach kinh te co hieu luc tu 1 1 2022 dspl
    Loạt chính sách kinh tế có hiệu lực từ tháng 1/2022. Ảnh minh họa

    Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 8/1/2022.

    Mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online

    NHNN đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; trong đó, bổ sung quy định: Tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.

    Tổ chức phát hành thẻ được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu quy định.

    Bên cạnh đó, tổ chức phát hành thẻ căn cứ điều kiện công nghệ áp dụng khi nhận biết và xác minh khách hàng để đánh giá rủi ro, quyết định áp dụng hạn mức giao dịch của khách hàng mở bằng phương thức điện tử nhưng phải bảo đảm tổng hạn mức giao dịch (bao gồm rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán) của thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước định danh hoặc thẻ tín dụng của một khách hàng không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam trong một tháng và không thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế.

    Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

    Bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài

    Bộ Tài chính ban hành Thông tư 110/TT-BTC ngày 10/12/2021 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

    Thông tư quy định các nội dung chi không hoàn lại gồm: Chi phí cho cán bộ của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đi công tác phục vụ nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; đi thăm lãnh sự để tìm hiểu tình hình đối với các trường hợp công dân bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ, bị xét xử, tù đày. Mức chi các khoản tiền vé máy bay, tàu xe đi lại, tiền xăng dầu, tiền công tác phí theo chế độ quy định.

    Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/1/2022.

    Quy định mới về kinh doanh xăng dầu

    Bộ Công Thương vừa bổ sung một số quy định mới trong kinh doanh xăng dầu như quy định về điều hành giá xăng dầu; về thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ và đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hàng năm.

    Đây là các quy định mới tại Thông tư 17/2021/TT-BCT ban hành ngày 15/11/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

    Theo Thông tư 17, tại quy định về "Điều hành giá xăng dầu", các mặt hàng xăng dầu nhà nước công bố giá cơ sở là những mặt hàng xăng, dầu được tiêu dùng phổ biến trên thị trường gồm xăng sinh học, xăng khoáng, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.

    Bộ Công Thương xác định từng mặt hàng xăng, dầu tiêu dùng nhiều nhất thuộc các nhóm mặt hàng xăng sinh học, xăng khoáng, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut để thực hiện công bố giá cơ sở.

    Định kỳ, trước ngày 29 của tháng cuối Quý, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu báo cáo sản lượng bán xăng dầu trong nước theo từng chủng loại trong kỳ từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của Quý đến ngày 20 tháng cuối Quý về bộ Công Thương để tổng hợp tính toán, xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu trong công thức giá cơ sở.

    Thông tư 17/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 2/1/2022.

    Thủ tục kiểm dịch thực vật xuất, nhập khẩu

    Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư15/2021/TT-BNNPTNT ngày 6/12/2021sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2014/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2021 quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

    Thông tư sửa đổi, bổ sung Khoản 3 (kiểm tra vật thể) Điều 7trình tự thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu.

    Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/1/2022.

    Vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội

    Thông tư 20/2021/TT-NHNN của NHNN ban hành ngày 30/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN của Thống đốc NHNN hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

    Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 6 Thông tư số 25/2015/TT-NHNN về mức cho vay như sau: Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

    Ngoài ra, Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 7 về thời hạn cho vay: Đối với đối tượng khách hàng quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này là đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Thời hạn cho vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

    Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 10 về lãi suất cho vay như sau: Lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở do Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố trong từng thời kỳ.

    Lãi suất cho vay ưu đãi quy định đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do NHNN xác định và công bố trong từng thời kỳ và lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của NHNN trong từng thời kỳ đảm bảo nguyên tắc: Không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ.

    Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/1/2022.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-chinh-sach-kinh-te-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-1-2022-a524317.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chính sách và giải pháp liên thông các hệ thống chứng thực chữ ký số 

    Chính sách và giải pháp liên thông các hệ thống chứng thực chữ ký số 

    Chữ ký số là một trong các giải pháp xác thực điện tử an toàn cho các giao dịch chính phủ điện tử cũng như các giao dịch điện tử nói chung trong bối cảnh ngày càng có nhiều yếu tố, nguy cơ gây mất an toàn thông tin. Tuy nhiên trên thực tế, việc ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó có vấn đề về liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số.