+Aa-
    Zalo

    Chính sách và giải pháp liên thông các hệ thống chứng thực chữ ký số 

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chữ ký số là một trong các giải pháp xác thực điện tử an toàn cho các giao dịch chính phủ điện tử cũng như các giao dịch điện tử nói chung trong bối cảnh ngày càng có nhiều yếu tố, nguy cơ gây mất an toàn thông tin. Tuy nhiên trên thực tế, việc ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó có vấn đề về liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số.

    Liên thông giữa dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và chữ ký số chuyên  dùng Chính phủ

    Trên thế giới, vấn đề về liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số đang được giải quyết theo những cách khác nhau, phụ thuộc vào mô hình quản lý Nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số, mô hình tổ chức/cấu trúc của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp, thực tế sử dụng chữ ký số của người dân và các giải pháp cụ thể được sử dụng.

    Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số từng bước giải quyết vấn đề liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số và đã đạt được những kết quả bước đầu. Theo đại diện Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia, những vấn đề đặt ra về liên thông, bao gồm: Sử dụng chứng thư số công cộng do các CA khác nhau cung cấp; Sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ trong các giao dịch với người dân, doanh nghiệp; Sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ khi kê khai thuế; Tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng chữ ký số: có thể sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho mọi giao dịch; Hỗ trợ quá trình chuyển đổi chuẩn SHA-2.

    Việc liên thông chứng thực chữ ký số đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho các giao dịch, góp phần thúc đẩy triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam. Theo Thông tư số 04/2019/TT-BTTTT quy định về việc liên thông giữa tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng chính phủ, ứng dụng chữ ký số phải cho phép người ký là thuê bao của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và thuê bao của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thực hiện ký số. Còn đối với chức năng kiểm tra hiệu lực chứng thư số, chữ ký số: Ứng dụng phải cho phép người ký, người nhận kiểm tra hiệu lực chứng thư số công cộng, chữ ký số công cộng và hiệu lực chứng thư số chuyên dùng Chính phủ, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ theo quy định tại các Điều 78 và 79 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

    Theo đó, mô hình liên thông giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là mô hình công nhận chéo. Đây là mô hình liên thông giữa hai tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, trong đó, các cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số này tin cậy các chứng thư số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số kia và ngược lại.

    Hiện tại, nước ta có 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đang hoạt động để phục vụ việc kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội điện tử. Việc liên thông các hệ thống chứng thực chữ ký số có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai chữ ký số, từ đó góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chinh-sach-va-giai-phap-lien-thong-cac-he-thong-chung-thuc-chu-ky-so-a522399.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.