(ĐSPL) - Bitcoin luôn được biết đến là đồng tiền ảo có tính bảo mật rất cao, nhưng đó là khi người sở hữu thực sự biết cách để thực hiện các chính sách bảo mật. Dưới đây là những biện pháp lưu trữ mà những người chơi Bitcoin khôn ngoan thường áp dụng.
Lưu trữ “lạnh”
|
Bitcoin đang trở thành mục tiêu hàng đẩu của tin tặc. |
Giống như những loại tiền tệ thông thường, bạn có thể cầm tiền mặt, bỏ két sắt, hay gửi ngân hàng, đồng tiền ảo Bitcoin cũng được lưu trữ cả trên ổ cứng, điện thoại di động và ví điện tử trực truyến. Do nhu cầu mua bán hàng hóa trực tuyến, nên rất nhiều người dùng đã gửi tiền của mình tại những ví điện tử trực tuyến. Nhưng một loạt các vụ tấn công quy mô lớn nhằm vào những “kho chứa” trực tuyến thời gian gần đây đang khiến cho lưu trữ online trở thành giải pháp nhiều rủi ro nhất với người sở hữu Bitcoin.
Giải pháp lưu trữ trên máy tính và điện thoại di động có vẻ an toàn hơn. Tuy nhiên, các công ty bảo mật đã phát hiện ra hàng trăm loại trojan đánh cắp Bitcoin đã được hacker phát tán trên mạng. Hầu hết mọi người đều không có đủ kiến thức về bảo mật và an ninh mạng để tự bảo vệ mình khỏi những mối đe dọa này. Nên nguy cơ bị “mất cắp” là rất cao.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho khối tài sản của mình, những người chơi Bitcoin chuyên nghiệp đã sử dụng phương pháp “cất vào két sắt” hay còn được gọi là “trữ lạnh”. Đây là cách cất giữ Bitcoin trong những ổ cứng rời riêng biệt, và cất giữ chúng ở những nơi an toàn. Chỉ khi cần thực hiện giao dịch thì người sở hữu mới kết nối “két sắt” của mình với máy tính. Đến nay, đây vẫn được cho là phương pháp cất giữ Bitcoin an toàn nhất.
|
Áp dụng các biện pháp mã hóa và bảo mật cần thiết giúp bạn bảo vệ tải sản của mình |
Mã hóa dữ liệu
Trữ lạnh là một biện pháp an toàn, nhưng trong trường hợp “két sắt” của bạn bị thất lạc hay bị đánh cắp thì sao? Người lấy được nó sẽ có được tài sản của bạn. Vì vậy để đảm bảo an toàn cho tài sản của mình trong trường hợp bị thất lạc, bạn nên mã hóa “két sắt” mình. Sử dụng các chương trình mã hóa cao cấp với những mật khẩu dài và phúc tạp sẽ giảm thiểu tối đa tình huống người khác “vô tình nhặt được” tài sản của bạn.
Tạo bản sao dữ liệu
Nếu bạn chỉ có một chiếc chìa khóa nhà, mà bạn lại làm mất nó, thì đấy sẽ là một thảm họa. Mọi chuyện sẽ bớt rắc rối hơn rất nhiều nếu bạn có thểm một số chìa khóa dự phòng. Với dữ liệu ví Bitcoin cũng vậy. Bạn đã lưu trữ lạnh tài sản của mình, bạn đã mã hóa nó, nhưng khi bạn bị thất lạc “két sắt” của mình mà không có bản sao dự phòng, bạn sẽ không bao giờ còn gặp lại số tài sản đó nữa. Vì vậy hãy tạo ra một số bản sao dữ liệu và cất giữ ở những nơi an toàn.
“Đừng bao giờ để tất cả trứng vào cùng một giỏ”
Đó là 1 trong 10 nguyên tắc vàng của tỷ phú đầu tư Warrent Buffett mà dân chơi Bitcoin khôn ngoan thường áp dụng. Bạn nên chia số Bitcoin vào nhiều ví khác nhau, và lưu trữ các bản sao dữ liệu ở nhiều nơi khác nhau.
Không gì có thể đảm bảo rằng các thuật toán mã hóa mà bạn sử dụng không bị hacker bẻ khóa, vì có nhiều hacker là các chuyên gia bảo mật, và họ hiểu rất rõ các thuật toán mã hóa. Thế nên việc chia nhỏ tài sản của bạn sẽ đảm bảo rằng, nếu có mất bạn cũng chỉ mất một phần tài sản của mình chứ không phải tất cả.
Còn việc lưu trữ các bản sao dữ liệu ở những nơi khác nhau là một điều hiển nhiên, vì nếu bạn tạo ra 2 chiếc chìa khóa giống nhau rồi móc chúng vào cùng một chùm chìa khóa thì điều đó chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc khiến bạn tốn thêm một khoản tiền để tạo ra thêm một chiếc chìa khóa.
|
Bạn vẫn có thể bị theo dõi nếu không biết cách xóa dấu vết. |
“Ẩn danh” không phải là “vô danh”
Bitcoin là một mạng trao đổi “ẩn danh”, nhưng nhiều người nhầm tưởng ẩn danh là “không ai biết bạn là ai”. Thực ra, sẽ không ai biết bạn là ai cho đến khi bạn thực hiện các giao dịch với người khác. Khi họ đã biết bạn là ai, biết mã số định danh ví bitcoin của bạn, họ có thể dễ dàng theo dõi các hoạt động giao dịch của bạn, bởi vì tất cả giao dịch giữa các ví điện tử đều được công khai trên hệ thống “blockchain”. Khi đó bạn sẽ chẳng còn “ẩn danh” được nữa.
Vì vậy, để thực sự “ẩn danh” và đảm bảo không bị “theo dấu” bởi những người không mong muốn, mỗi địa chỉ định danh chỉ nên được sử dụng để giao dịch một lần.
Thế giới không có điều gì là hoàn hảo. Điều này luôn đúng. Vì vậy không tồn tại biện pháp biện pháp bảo mật nào là tuyệt đối an toàn. Tuy nhiên nếu áp dụng đầy đủ những nguyên tắc bảo mật trên, bạn sẽ giảm thiểu được tối đa nguy cơ sảy ra “chuyện không may” với tài sản của bạn, trong thời buổi mà Bitcoin đang trở thành một loại tài sản cực kì có giá trị.
Trong trường hợp bạn đã áp dụng tất cả các biện pháp bảo mật cần thiết mà tài sản của bạn vẫn “không cánh mà bay” thì bạn nên dành một lời khen cho những kẻ đã lấy tiền của bạn. Vì thực sự là chúng quá giỏi.
Đức Thọ
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-bien-phap-giup-ban-tu-cat-giu-bitcoin-an-toan-a24594.html