(ĐSPL) - Như đã phản ánh ở kỳ trước, khi nhóm PV báo ĐS&PL vào vai một cặp vợ chồng đang trong tình cảnh rất túng tiền và muốn bán thận, cuối cùng thì cũng “dụ” được “cò” T. ra mặt. Thật không ngờ, sau những chiêu cảnh giác ban đầu, “cò” T. hoàn toàn tin tưởng vào “vai diễn” của chúng tôi. Gã đã chia sẻ những “mánh trong nghề” cũng như giãi bày những câu chuyện “trong nhà” mà chỉ “nội bộ” đám “cò” tạng mới có thể biết được…
Những cú “hớ” trong “nghề”
Theo ghi nhận của PV, lúc đầu, “cò” T. tỏ ra rất cáo già, gã luôn giữ thái độ dò xét và cảnh giác với chúng tôi. Tuy nhiên, càng về sau, có thể do PV diễn khá đạt khiến gã tin tưởng và chuyển sang thái độ thân mật, sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện “nội bộ” của đám “cò” tạng.
Do bản thân T. từng làm phẫu thuật “hiến tạng” nên gã nắm rất rõ các quy định về thủ tục giấy tờ cũng như quy trình của một “giao dịch hiến, ghép tạng”. Thấy PV tỏ ra ngơ ngác, T. mách nước: “Nếu anh muốn làm phẫu thuật mà bị bố mẹ phản đối hoặc không muốn nhiều người trong gia đình biết thì chỉ cần sự đồng ý của vợ là được. Đấy là tôi đang nói thủ tục ở bệnh viện V.Đ.. Ngoài ra, cần có thêm bản sao chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, nếu có con rồi thì phải có bản sao giấy khai sinh của con nữa, giấy xác nhận của địa phương không tiền án, tiền sự. Ở bệnh viện V.Đ., thủ tục xác nhận về sự đồng ý của người thân thì đơn giản hơn, còn nếu ở bệnh viện 103 thì khó hơn, nhất thiết phải được sự đồng ý của các cụ song thân”.
Liên quan đến điều này, “cò” T. không ngần ngại chia sẻ một câu chuyện: “Trước đây, tôi từng môi giới cho một trường hợp, anh ta làm xét nghiệm xong hết rồi, đến khi lên bàn mổ thì bà chị gái đến bệnh viện làm um lên, không đồng ý cho cậu em “hiến” tạng, thế là các bác sỹ đành chịu đấy, không dám mổ nữa. Vụ đấy, tôi mất toi bao nhiêu công sức, điện thoại thuyết phục, gặp gỡ để thỏa thuận giá cả mua bán thận, tưởng là mọi chuyện xong xuôi hết rồi, ai ngờ cuối cùng lại không thực hiện được “hợp đồng”. Bên gia đình mua thận cũng mất mấy chục triệu đồng cho anh ta làm xét nghiệm, cuối cùng thì mất không. Phi vụ đó, tôi cũng ngại với người ta lắm. Lại có trường hợp khác, tôi gửi tiền vào để đi máy bay ra làm xét nghiệm nhưng nó cũng mất hút, thế là mình mất toi mấy triệu bạc. Thế nên những lần sau mình càng phải lưu ý những trường hợp nào “chắc ăn” thì mới “tiến” tiếp. Nói thật, làm cái nghề này lắm lúc cũng may rủi, chả làm mãi được đâu. Xong đợt này giới thiệu cho anh chị, tôi cũng định giải nghệ, vào Nam làm ăn”.
Thấy vậy, PV lấy lý do không muốn bố mẹ biết chuyện vì sợ bị phản đối, nhờ T. mách cách để có được một bộ hồ sơ hợp lệ. T. bảo rằng, ở bệnh viện V.Đ. thì hồ sơ đơn giản hơn nhưng xét nghiệm thì làm rất kỹ, ngược lại, ở một bệnh viện khác mà T. vẫn môi giới cho các bên thực hiện “hiến, ghép” tạng thì thủ tục bắt buộc phải có bố mẹ đẻ đồng ý, nhưng xét nghiệm thì lại không phức tạp bằng bên V.Đ..
Như “cò” T. tư vấn thì khi lên xã xin giấy xác nhận chưa có tiền án, tiền sự, người muốn bán thận cứ nói rằng để làm hồ sơ xin việc là được, vì trong đó không ghi rõ xác nhận để làm việc gì.
Quá trình tiếp xúc, thấy PV có vẻ băn khoăn về mức độ an toàn sau khi mổ lấy tạng, “cò” T. cũng cho biết: “Nói chung, làm ở bệnh viện V.Đ. thì ok (tốt) lắm! Vì bên đó chi phí cho một ca phẫu thuật lấy, ghép tạng rất cao, chủ yếu làm dịch vụ, các bác sỹ rất nhiệt tình. Còn ở một số bệnh viện khác thì chủ yếu làm kiểu bảo hiểm, họ làm theo trách nhiệm, không thể bằng V.Đ.”.
Theo lời T., sau khi người bán được mổ lấy tạng, bên gia đình người mua sẽ phải thanh toán tất cả các chi phí điều trị, chăm sóc hậu phẫu.
“Tóm lại là họ lo cho từ A đến Z. Khi ra viện mình phải lấy giấy ra viện, vì đây là quyền lợi của người bán. Ví dụ sau này mình bị tai nạn hoặc mắc trọng bệnh thì khi vào viện điều trị sẽ được ưu tiên một số vấn đề. Bảo hiểm họ sẽ cấp cho mình cái giấy xác nhận từng hiến tạng. Cái này là theo quy định của pháp luật, bên bảo hiểm bắt buộc phải làm, họ không dám hoạnh họe gì đâu”, T. nói như thuyết phục chúng tôi.
Cò T. chia sẻ những câu chuyện “hớ” trong nghề. |
Nâng giá theo mức độ... băn khoăn
Khi PV đặt vấn đề, nếu bán được thận xong thì có phải cảm ơn T. hay không thì gã “cò” dứt khoát: “Tất cả nhà kia (tức người mua thận-PV) phải trả hết. Họ cho tôi được bao nhiêu thì cho. Chứ tôi với anh chị, ai lại làm thế! Anh chị không phải trả cho tôi đồng nào cả. Anh chỉ việc làm các thủ tục giấy tờ và lên bàn mổ, nhận khoản tiền bán thận như đã thỏa thuận từ trước”.
Trước khi gặp mặt chúng tôi, T. trả giá một quả thận là 230 triệu đồng. Tuy nhiên, trong buổi tiếp xúc trực tiếp, T. lại nâng giá lên theo mức độ... băn khoăn của PV.
T. không ngần ngại cho biết thêm: “Tôi nói thật với anh chị, như chỗ tôi giới thiệu ở đây là được giá, cặp vợ chồng mà tôi muốn giới thiệu để mua thận của anh, họ trả giá 240 triệu đồng/quả thận. Chứ bình thường như ở chỗ khác, họ chỉ trả khoảng 220 triệu thôi. Ngay trường hợp của tôi đây này, tôi bán một quả thận cũng được có 200 triệu đồng. Sau này mới biết, nhà kia (người mua thận-PV) trả cho “cò” 240 triệu, vậy là nó “ăn” mất của tôi bốn chục”.
Nghe vậy, PV lấy lý do có mối khác trả 260 triệu đồng/quả thận nên tỏ ra băn khoăn, T. nói luôn: “Ôi giời, anh mà nghe trên mạng họ trả giá thì nhiều khi ảo lắm. Có khối đứa “cò” cứ bảo trả giá này, giá kia nhưng đến khi làm xét nghiệm họ lại bắt mình tự ứng trước tiền, rồi khi các chỉ số phù hợp với người được ghép thận thì mới thanh toán tiền cho người bán. Thế nhỡ chỉ số không hợp thì mình mất tiền oan à? Tôi rất hiểu tình cảnh của anh chị vì bản thân tôi cũng từng ở cảnh túng tiền phải bán thận nên tôi ngấm lắm! Nói để anh chị biết, như cặp vợ chồng định mua thận của anh chị, họ là người làm ở cơ quan Nhà nước nên cũng thật thà, tử tế lắm. Vì ông chồng bị bệnh nên cần được ghép thận. Họ sẵn sàng trả chi phí trước để anh làm các xét nghiệm, thậm chí lúc làm xét nghiệm xong thấy các chỉ số y khoa của hai người hợp nhau, anh chị có thể nói khéo, xin ứng trước một khoản tiền thì họ cũng sẵn sàng mà. Nói chung là anh chị cứ yên tâm, nay tôi gặp anh chị, có người thật ở đây, nói với nhau là thật lòng, không phải lăn tăn nhiều về giá cả bán thận hay các khoản chi phí trong quá trình lấy, ghép tạng”.
Thấy PV vẫn tỏ ra chưa thuận lắm với mức giá 240 triệu đồng mà T. đưa ra, T. bắt đầu nâng giá theo mức độ... băn khoăn của PV. Cuối cùng, T. chốt: “Giá cả chỉ dao động như thế thôi, nếu có lên thì chỉ hai trăm rưỡi đến hai trăm sáu (tức 250- 260 triệu đồng-PV) là cao rồi, còn hơn là không có đâu. Chỗ tôi là anh chị làm trực tiếp với người ta, chứ tôi không như “cò” khác, họ đứng giữa ăn chặn hết tiền”.
Theo lời T., cho đến lúc lên bàn mổ, riêng tiền làm xét nghiệm cho cả hai người bán và mua tạng là hết khoảng 70- 100 triệu đồng. “Khám xét toàn bộ mất khoảng từ 10-12 ngày, nằm viện sau mổ mất khoảng tuần nữa, như vậy là một ca mổ lấy, ghép tạng, mình phải ở viện khoảng 20-25 ngày, căng quá thì khoảng 1 tháng, sức khỏe của mình sẽ ổn định”, gã “cò” 9X tung chiêu thuyết phục.
Chiêu “hốt tiền” của những “cò” rành ngoại ngữ Quá trình tiếp xúc với PV, T. không ngần ngại chia sẻ: “Trước đây, tôi định hợp tác với một thằng tên C., chuyên môi giới mua bán tạng, chủ yếu là lấy, ghép ở bệnh viện trong khu Time City (Hà Nội). Nhưng sau tôi thấy thằng đó cũng lằng nhằng nên thôi. Thằng C. được cái hơn mình là biết nói tiếng nước ngoài. Bọn nước ngoài toàn trả cho nó khoảng 1 tỉ đến 1,2 tỉ đồng, nhưng nó chỉ trả cho mình 2-3 trăm triệu thì đáng gì. Mình làm môi giới mà lại để nó “hớt” hết “lộc” thì làm làm gì?”. |
NHÓM PV