+Aa-
    Zalo

    Những bí mật về "chợ thận" online: Thủ thuật ép giá của “cò” thận

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đối với những người thiếu giấy tờ hay những người bán thận mà không muốn gia đình biết, “cò” thận dùng đủ các chiêu để… ép giá.

    (ĐSPL) - Những người có giấy tờ do song thân phụ mẫu ký (có xác nhận của chính quyền địa phương) được các “cò” thận chào đón như “thượng đế”. Tuy nhiên, số lượng người như vậy không nhiều. Đối với những người thiếu giấy tờ hay những người bán thận mà không muốn gia đình biết, “cò” thận dùng đủ các chiêu để… ép giá. Thị trường nội tạng online lúc này ngẫu nhiên tồn tại theo kiểu khoản tiền “bán mạng” hoàn toàn phụ thuộc vào số giấy tờ mà người bán có…

    Tiết lộ bất ngờ của một người bán tạng “chuyên nghiệp”

    Sau những “giao dịch” đã được bản báo đăng tải trên các kỳ trước, PV nhận thấy nhu cầu về cấy, ghép nội tạng người ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, người hiến tặng phải cùng huyết thống, có sức khỏe đảm bảo và được bác sỹ công nhận mới được thực hiện nên tỉ lệ ghép tạng trên thực tế chỉ chiếm con số rất khiêm tốn. Ít ai biết, thực tế vẫn có những cuộc lách luật rất tài tình mà chỉ có người thâm nhập vào thị trường này mới tỏ tường.

    Trong quá trình tìm “khách hàng” hiến tạng, chúng tôi khá bất ngờ với một người bán “chuyên nghiệp”. Nói là “chuyên nghiệp” bởi anh này cho biết, trước đây anh đã tự bán một quả thận và hiện tại anh muốn bán thêm... gan. Trong vai người nhà cần mua mặt hàng này, chúng tôi đã liên hệ với anh ta qua số điện thoại 0965183xxx. Anh này cho biết, là người Khánh Hòa và đây là số điện thoại chỉ chuyên sử dụng cho việc “giao dịch” nội tạng. Từ lúc công khai số điện thoại này lên mạng, một ngày người đàn ông nói trên nhận khoảng 30 cuộc gọi khác nhau hỏi về việc mua gan của anh. Anh ta cũng cho biết thêm, cách đây 2 năm, mình đã bán 1 quả thận tại bệnh viện Trung ương Huế với giá 200 triệu đồng.

    Khi chúng tôi hỏi giấy tờ về việc mua bán thận, người đàn ông này tiết lộ, anh ta hoàn toàn không có giấy tờ gì. Mọi giấy tờ dùng cho việc “hiến” thận đã được một “ông anh” ở Huế lo hộ. Giấy tờ anh này cần có chỉ gồm chứng minh nhân dân bản gốc và sổ hộ khẩu là có thể lên được bàn mổ. Những việc còn lại, ngay cả việc chứng minh người thân, “ông anh” ở Huế cũng lo hết.

    Sau khi trao đổi, thấy PV nói không lo được giấy tờ nên người đàn ông trên cũng không “nhiệt tình” lắm trong việc bán gan. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi tăng số tiền thù lao lên 500 triệu đồng cho 2/3 lá gan, ngay lập tức anh này tỏ thái độ “quyết tâm” chạy ra Huế để tìm lại “ông anh” ngày nào. Cũng theo người đàn ông này thì “ông anh” ở Huế có nhiều mối quen biết trong bệnh viện, do đó việc ghép sẽ an toàn hơn trong vấn đề pháp lý.

    Thấy việc hiến ghép tạng ở Huế quá xa so với địa chỉ “bệnh nhân cần ghép”, chúng tôi ngỏ ý muốn đón người đàn ông bán tạng “chuyên nghiệp” trên ra Hà Nội để làm HLA (hệ thống kháng nguyên bạch cầu người) xem có tương thích hay không. Tuy nhiên, lời đề nghị của chúng tôi lập tức bị bác bỏ. Liền sau đó, anh ta cũng không quên cảnh báo rằng, “làm” ở Hà Nội rất khó, vào Huế “làm” dễ hơn, độ tin tưởng cao hơn ở Hà Nội, rất nhiều người đã “làm” trong đó, nên anh này chỉ đồng ý tiến hành phẫu thuật ở Huế.

    Khi tìm hiểu sâu hơn, PV nhận thấy, với những tài khoản rao bán nội tạng khác, đa phần đều không có giấy tờ. Trong vai người cần ghép nội tạng, PV yêu cầu người bán lo giấy tờ để lên bàn mổ, thậm chí chúng tôi sẵn sàng trả thêm tiền. Đa phần những người này cho biết, nếu tự lo được giấy tờ thì họ đã bán nội tạng từ lâu rồi!?

    Sau đó, PV tìm cách liên lạc ngược lại với những người cần mua thận và biết được vì vướng mắc về giấy tờ nên nhiều người cần ghép thận cũng đành bó tay. Một số người cho biết họ đã liên hệ với bác sỹ để được ghép thận.


    Ép giá theo... giấy tờ

    Sau nhiều ngày theo dõi các “chợ thận” online, PV nhận thấy có một số account (tài khoản) rất “hảo tâm”, đâu đâu cũng xuất hiện và cực kỳ nhiệt tình “giúp đỡ” những người muốn hiến nội tạng nhưng không có giấy tờ đầy đủ hoặc muốn giấu gia đình.

    Nhận thấy sự lạ, chúng tôi sử dụng một tài khoản khác “tiếp tục” rao bán mình. Bên cạnh những chỉ số cơ thể, nhóm máu, chúng tôi tự “tiếp thị” bằng những lời thống thiết về tình trạng khó khăn của bản thân. Tuy nhiên, có vẻ như “bài” cha, mẹ, con cái ốm đau, bản thân trả nợ... đang trở nên quá phổ biến với những kẻ sẵn sàng bán nội tạng nên sau nhiều ngày thông tin, vẫn không thấy ai đoái hoài gì đến lời rao bán của chúng tôi.

    PV quyết định chuyển sang năn nỉ bằng việc cần tiền bán nội tạng để sang Thái Lan phẫu thuật vì muốn “trở lại với con người thực”. Ngay lập tức chiêu tiếp thị mới đã có hiệu quả khi một số “mạnh thường quân” sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi.

    Tài khoản facebook đầu tiên liên hệ với PV có tên Trần Ngọc Lan... Biết chúng tôi không lo được giấy tờ nên chủ tài khoản này sử dụng chiêu ép giá ngay từ đầu. Theo đó, giá quả thận mà chúng tôi muốn bán sẽ chỉ còn từ 130 – 150 triệu đồng, theo Lan, giá này cũng đã là quá hời. Tuy nhiên, Lan cho biết giá cả có thể dao động tùy vào... lượng giấy tờ chúng tôi có thể lo được.

    Ban đầu, Lan hỏi về chứng minh nhân dân và hộ khẩu gốc, khi chúng tôi nói sẽ đáp ứng được loại giấy này, Lan tiếp tục hỏi về giấy khai sinh, giấy chứng nhận độc thân, giấy xác nhận không tiền án, tiền sự... cứ sau mỗi loại giấy được đồng ý, Lan sẽ nâng số tiền bán thận lên giá cao hơn, mỗi lần vài triệu đồng.

    Khi các loại giấy tờ được hứa hẹn đáp ứng đầy đủ, Lan bắt đầu chuyển sang yêu cầu chụp ảnh bố mẹ (góc độ nào cũng được) sau đó rửa ra làm ảnh 3x4 lưu vào hồ sơ. Nếu đáp ứng đủ số giấy tờ trên, Lan sẽ trả cho chúng tôi 150 triệu đồng, số tiền thấp hơp nhiều so với giá “thị trường” trên facebook. Nếu thiếu loại giấy nào thì tất nhiên số tiền sẽ bị giảm đi.

    Những cuộc “ép giấy” của một “cò” thận.

    Khi chốt giấy tờ xong, chúng tôi ướm hỏi có thể gặp Lan ở đâu để tiến hành giao dịch. Lan cho biết, nếu chúng tôi đáp ứng đủ giấy tờ, chỉ cần nhắn tin qua facebook sẽ có người đón chúng tôi tại Hà Nội và đưa chúng tôi vào bệnh viện đại học Y xét nghiệm chỉ số HLA. Nếu chúng tôi đáp ứng đủ 3 chỉ số trở lên sẽ được chuyển vào Huế ngay để đợi ngày tiến hành ghép thận. Một ca mua bán thận như vậy theo Lan, thời gian sẽ kéo dài 1,5 tháng. Chúng tôi có thể nhận tiền bằng hai cách, một là chuyển khoản, hai là nhận trực tiếp. Lan khuyên chúng tôi nên chọn cách thứ nhất vì “an toàn hơn nhiều”. Về thời gian nhận tiền, Lan nói cứ “lên giường là tiền về đến tài khoản”!

    Khi chúng tôi nhùng nhằng về giấy tờ, về khả năng thiếu cái này, thiếu cái kia, Lan cho biết, không thể đợi được nữa vì người như chúng tôi... đầy rẫy. Lan và những “người quen” của Lan sẽ không có nhiều thời gian.

    Đúng hẹn, 5 ngày sau chúng tôi phải hoàn thiện giấy tờ. Nếu giấy tờ đáp ứng yêu cầu của Lan, sang ngày thứ 6 sẽ có người đón chúng tôi đi xét nghiệm các chỉ số, nếu “đỗ”, sẽ có người đưa chúng tôi vào Huế ngay trong ngày hôm sau. Mọi việc tiếp theo sẽ được diễn ra, đương nhiên đồng nghĩa với việc 1,5 tháng sau chúng tôi sẽ có 150 triệu đồng hoặc ít hơn, tùy theo số giấy tờ mà chúng tôi chuẩn bị.

    Nguồn thận cực hiếm đã hình thành “chợ đen”

    Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành y tế, hiện cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần ghép thận, 1.500 người cần ghép gan, 5.000 người cần ghép giác mạc, hàng nghìn người cần cấy ghép tế bào gốc... Tuy nhiên, số người được ghép hiện rất hạn chế do nguồn tạng thiếu trầm trọng, số người hiến tặng mô, tạng sau khi chết não mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì “cầu” quá lớn, trong khi nguồn “cung” hạn chế, nhiều người đành tìm đến thị trường “chợ đen” hy vọng được đáp ứng.

    NHÓM PV

    Đọc thêm nhiều bài khác tại chuyên mục : An NinhTin pháp luật
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-bi-mat-ve-cho-than-online-thu-thuat-ep-gia-cua-co-than-a146543.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bài toán di dời chợ

    Bài toán di dời chợ "thần chết" Kim Biên

    Nằm giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, chợ Kim Biên vốn được mệnh danh là chợ "thần chết" bởi đây là cửa ngõ buôn bán, kinh doanh các loại hoá chất lớn nhất khu vực phía Nam. Với những bất cập trong công tác quản lý các mặt hàng hoá chất cũng như vấn đề đảm bảo VSATTP, PCCC, môi trường ô nhiễm, độc hại cho khu dân cư, thành phố Hồ Chí Minh đang tính tới phương án quy hoạch lại chợ Kim Biên, đồng thời di dời chợ ra khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, những phương án này mới chỉ ở lý thuyết, chưa có hành động cụ thể, quỹ đất dành cho quy hoạch cũng đang gặp khó khăn, việc di dời cũng không được các tiểu thương đồng thuận. Vì vậy, thực trạng di dời chợ "thần chết" Kim Biên đến nay vẫn còn là bài toán khó. (Theo VTC 14)