(ĐSPL) – Nhờ nghề tái chế chì mà làng Đông Mai (Hưng Yên) đã có không ít hộ gia đình thành tỷ phú nhưng cùng với đó việc tái chế chì ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, đặc biệt là với trẻ em.
Rác thải độc hại từ việc tái chế chì được chất đầy bên đường. |
Với tuổi nghề hơn 30 năm, làng Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã gần như trở thành một làng nghề tái chế chì, cung cấp chì cho các tỉnh phía bắc. Tuy nhiên việc tái chế chì đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Năm 2012 Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) đã công bố kết quả xét nghiệm máu của 109 cháu ở thôn Đông Mai. Kết quả cả 109 cháu đều có nồng độ chì trong máu cao.
Ngươi lớn tái chế, trẻ nhỏ bị nhiễm chì
Con đường dẫn vào làng tái chế chì Đông Mai chất đầy phế liệu hai bên đường với đủ các loại phế liệu từ túi ni lông, bao bố, xốp…đến những thùng săt đựng hóa chất, nhiều nhất vẫn là pin và ắc quy phục vụ cho việc tái chế chì.Nhiều người dân bao lâu nay ăn, ngủ, làm việc trong những ngôi nhà đen sì bụi chì, chất đầy pin, ắc quy cũ hỏng.
Làng Đông Mai làm nghề tái chế chì từ pin, ắc quy đã hơn 30 năm nay, lúc cao điểm có tới 200 hộ làm nghề này. Nhờ nghề tái chế chì mà Đông Mai từ một làng kinh tế thuần nông, nay đã có không ít hộ gia đình thành tỷ phú.
Video tham khảo:
60 tấn “bom” cyanua đe dọa người dân
Tuy kinh tế có phần khấm khá, xong vấn đề về sức khỏe đang là một vấn đề rất nghiêm trọng khi kết quả khảo sát năm 2012 của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) cho thấy, trong 109 đứa trẻ dưới 10 tuổi được xét nghiệm ở Đông Mai thì tất cả đều có hàm lượng chì cháu máu vượt ngưỡng giới hạn cho phép là 10Mg/dl.
Tìm đến trạm y tế xã Chỉ Đạo, bà Đặng Thị Lý (Trạm trưởng trạm y tế xã Chỉ Đạo) cho biết, năm 2012 Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) đã về thôn Đông Mai xét nghiệm máu cho 109 cháu thì tất cả các cháu đều bị nhiễm trì, trong đó có 24 cháu có nông độ chì trong máu ở mức báo động. Tuy nhiên, nếu không xét nghiệm thì sẽ không biết được các cháu bị nhiễm chì vì nhìn bề ngoài các cháu thì không phân biệt được vì chúng vẫn hoạt động bình thường, không có biểu hiện gì của bệnh.
Thực tế có những em được xét nghiệm bị phơi nhiễm chì khá nặng, tuy nhiên vẫn đi học, chơi đùa bình thường nên cha mẹ các cháu thường chủ quan, không đưa đi sàng lọc. Một điều đáng nói nữa là chi phí cho việc chữa trị người nhiễm độc chì không nhỏ, một trường hợp nhiễm độc chì ở mức độ cao tiền điều trị mỗi năm lên đến hàng chục triệu đồng.Mỗi lần đi tẩy chì trong máu chi phí mất khoảng ba đến năm triệu đồng. Nhiều người dân có con em bị nhiễm độc chì ở Đông Mai cũng rất lo lắng cho sức khỏe con em mình, nhưng vì điều kiện gia đình nên có bệnh thì cũng đành chịu.
Không chỉ hầu hết số trẻ bị ảnh hưởng đến sức khỏe mà theo thống kê của trạm y tế xã Chỉ Đạo, những năm gần đây, số người chết ở thôn Đông Mai có xu hướng trẻ hóa, nhiều người mắc bệnh ung thư. Như năm 2010, cả xã có 9 người thiệt mạng vì ung thư thì Đông Mai có 5 người; con số này của năm 2010 là 2/5 người; năm 2014 là 5/8 người. Các bệnh ung thư mà người dân nơi đây mắc phải chủ yếu là phổi, gan, vòm họng, dạ dày. Đặc biệt, trong số các bệnh nhân tử vong do ung thư ở Đông Mai, chỉ có 4/16 người trên 70 tuổi, còn lại chủ yếu tử vong khi còn khá trẻ.
Cần có biện pháp khắc phục kịp thời
Hiện nay, theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên, những hộ tái chế chì ở làng Đông Mai đã dần dần chuyển ra khu công nghiệp tập trung. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Lệ - Phó Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo, hiện tại thôn Đông Mai có tất cả 60 hộ gia đình tái chế chì. Trong đó, mới chỉ có hai công ty tái chế chì được thành lập, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn.Các hộ khác cũng đã ra khu công nghiệp tập trung nhưng vẫn còn 11 hộ đang tái chế chì ngay trong làng. Nhiều hộ dân làm nghề ở Đông Mai vẫn còn rất lúng túng vì không đủ lực để tự bỏ tiền mua đất, san ủi mặt bằng, xây dựng nhà xưởng.
Ông Lê Văn Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo trao đổi với PV. |
“Năm 2007 chúng tôi đã cấm tất cả các hộ gia đình tái chế chì trong làng, tuy nhiên vì điều kiện khó khan nên họ chỉ có thể đưa chì ra nơi khác nấu, còn việc tháo pin, ắc quy ra để lấy chì thì vẫn được thực hiện ngay tại nhà”, ông Lệ cho biết.
Theo quan sát của PV, các hộ sản xuất còn lại hiện vẫn đang sản xuất ngay trong khuôn viên của gia đình và không có bất kỳ biện pháp thu gom, xử lý nước thải, khí thải phát sinh. Công nhân làm việc trong các lò nấu chì chỉ trang bị khẩu trang, găng tay hết sức sơ sài. Làm việc, áo quần của họ dính đầy bụi chì và hóa chất vô tình trở thành nguồn nhiễm độc cho chính bản thân và những người trong gia đình.
Ông Lệ cho biết thêm: “Năm ngoái, Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng cũng đã về địa phương thực hiện Dự án khắc phục ô nhiễm chì trong đất tại thôn. Dự án đã tiến hành lấy hàng nghìn mẫu đất để phân tích, đánh giá hàm lượng chì. Sau khi có kết quả phân tích mẫu, dự án đã lựa chọn 37 hộ có hàm lượng chì cao nhất trong đất để thực hiện xử lý ô nhiễm chì, tình trạng ô nhiễm cũng đã phần nào được cải thiện. Dù hoạt động tái chế chì trong thôn đã cải thiện nhưng lượng chì tồn lưu trong đất vẫn rất lớn".