(ĐSPL) - Chánh văn phòng nội các Nhật Bản đề nghị Trung Quốc giải thích cơ sở pháp lý của việc thu giữ tàu lặn không người lái (UUV) của Mỹ ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế.
[poll3]219[/poll3]
"Chúng tôi hy vọng rằng vấn đề này sẽ sớm được giải quyết, đồng thời cho rằng Trung Quốc cần phải giải thích rõ ràng về căn cứ thu giữ thiết bị lặn Mỹ theo luật pháp quốc tế", ông Suga nói trong một cuộc họp báo.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. - Ảnh: Japan times |
Thiết bị lặn Seaglide chuyên nghiên cứu hải dương thuộc biên chế hải quân Mỹ bị một tàu chiến Trung Quốc thu giữ ở vùng biển cách vịnh Subic, Philippines, khoảng 92 km về phía tây bắc, theo thông báo từ Lầu Năm Góc.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định động thái trên như một tín hiệu thách thức mà Bắc Kinh muốn gửi tới Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, trong bối cảnh ông này vừa có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, phá vỡ các nguyên tắc ngoại giao.
Theo TTXVN, truyền thông Trung Quốc và giới chuyên gia ngày 19/12 cho rằng tàu lặn không người lái (UUV) mà một tàu hải quân Trung Quốc thu giữ ở Biển Đông tuần trước là một phần trong nỗ lực giám sát của Mỹ tại vùng biển tranh chấp này, song Bắc Kinh dường như sẽ không làm to chuyện về việc trao trả Washington thiết bị này.
Tờ “People's Daily”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 19/12 đăng tải một bài bình luận cho rằng tàu nghiên cứu hải dương USNS Bowditch của Mỹ, vốn điều hành thiết bị lặn trên, đã “liên tiếp vi phạm” khi tiến hành các hoạt động gián điệp đối với Trung Quốc. Bài viết có đoạn: “Việc (Mỹ) hạ giọng khi nói về những hoạt động của thiết bị lặn này không thể che giấu những mục đích thực sự đằng sau. Thiết bị lặn này, từng nổi lên mặt nước ở Biển Đông, là đỉnh của tảng băng chiến lược quân sự của Mỹ, bao gồm cả chiến lược đối với Trung Quốc”.
Giáo sư Mã Cương tại Đại học Quốc phòng thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói với tờ “China Daily” rằng tàu USNS Bowditch là một tàu do thám quân sự “khét tiếng”, đã theo dõi vùng bờ biển Trung Quốc từ năm 2002. Theo cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc, chính con tàu này liên quan đến các vụ việc hồi năm 2001 và 2002 khi nó bám theo các tàu của Hải quân Trung Quốc đang hoạt động tại Hoàng Hải.
Báo chí Trung Quốc còn cho biết con tàu này cũng đã hoạt động tại Eo biển Đài Loan. Giáo sư Ma nói: “Do đó, việc Hải quân Trung Quốc nghi ngờ các hoạt động của tàu Bowditch là chuyện bình thường”. Giám đốc trung tâm nghiên cứu an ninh thuộc Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia Trương Hoàng nói với “People's Daily” rằng Mỹ lâu nay vẫn viện những lý do dân sự để thu thập thông tin vốn có thể liên quan đến lĩnh vực quân sự.
ĐIỀU 27. Khoản 1, Khoản 2 Quyền tài phán hình sự ở trên một tàu nước ngoài (Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, năm 1982 1. Quốc gia ven biển không được thực hiện quyền tài phán hình sự của mình ở trên một tàu nước ngoài đi qua lãnh hải để tiến hành việc bắt giữ hay tiến hành việc dự thẩm sau một vụ vi phạm hình sự xảy ra trên con tàu trong khi nó đi qua lãnh hải, trừ các trường hợp sau đây: a) Nếu hậu quả của vụ vi phạm đó mở rộng đến quốc gia ven biển; b) Nếu vị vi phạm có tính chất phá hoại hòa bình của đất nước hay trậttự trong lãnh hải; c) Nếu thuyền trưởng hay một viên chức ngoại giao hoặc một viên chức lãnh sự của quốc gia mà tàu mang cờ yêu cầu sự giúp đỡ của các nhà đương cục địa phương hoặc d) Nếu các biện pháp này là cần thiết để trấn áp việc buôn lậu chất ma túy hay các chất kích thích. 2. Khoản 1 không đụng chạm gì đến quyền của quốc gia ven biển áp dụng mọi luật pháp mà luật trong nước mình qui định nhằm tiến hành các việc bắt giữ hay tiến hành việc dự thẩm ở trên con tàu nước ngoài đi qua lãnh hải, sau khi rời khỏi nội thủy. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. Link nguồn:http://thuvienphapluat.vn |
(Tổng hợp)