Mới đây, theo tờ Sankei Shimbun, liên minh AUKUS của Anh, Úc, Mỹ muốn hợp tác với Nhật Bản chủ yếu vì muốn Tokyo tham gia phát triển tên lửa siêu thanh.
Hai năm trước, Nhật Bản công bố kế hoạch chế tạo 2 loại vũ khí siêu thanh là tên lửa hành trình siêu thanh (HCM) và thiết bị lượn siêu thanh (HVGP). Tokyo tuyên bố những vũ khí này có thể được đưa vào sử dụng trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến 2028.
Ngoài ra, Nhật Bản còn đang nghiên cứu chế tạo một loại súng ngắn đặc biệt mà họ tin rằng có thể bắn hạ tên lửa siêu thanh đang bay tới bằng cách sử dụng lực điện từ phóng đạn pháo ở tốc độ cực cao.
Sankei cho biết Canberra, London và Washington cũng quan tâm đến khả năng của Nhật Bản trong chiến tranh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ lượng tử.
Cũng theo Sankei, Tokyo có phản hồi “tích cực” về đề nghị trên, nhưng cho biết Nhật Bản có kế hoạch đánh giá cẩn trọng những tác động, hệ quả từ việc tham gia vào liên minh.
Tuy nhiên, thông tin này đã bị Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno phủ nhận. Ông nói rằng bài báo của tờ Sankei Shimbun là sai sự thật. “Tokyo không được mời tham gia AUKUS”, ông Matsuno khẳng định.
AUKUS chính thức ra đời ngày 16/9/2021. Vào thời điểm đó, lãnh đạo ba nước Mỹ, Anh, Australia tuyên bố sẽ tập hợp nguồn lực trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và khả năng tấn công tầm xa. Mỹ và Anh cũng đồng ý chia sẻ công nghệ để đóng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Hải quân Hoàng gia Australia.
Ngày 14/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng tuyên bố, Mỹ, Anh và Australia đang thúc đẩy quan hệ đối tác ba bên về một loạt năng lực quân sự tiên tiến.
Thư ký báo chí Nhà Trắng nêu rõ: "Trọng tâm của chúng tôi là hoàn thiện chương trình làm việc ba bên về một loạt ăng lực quân sự tiên tiến nhằm điều chỉnh các ưu tiên, tăng cường sức mạnh tập thể, đẩy nhanh sự phát triển và đạt được các khả năng quốc phòng hàng đầu".
Nhật Bản bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định này. “Nhật Bản ủng hộ hành động của AUKUS nhằm đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực như an ninh và quốc phòng và coi đây là việc làm có ý nghĩa. Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác dưới nhiều hình thức với các đối tác quan trọng, bao gồm Mỹ, Australia và Anh để hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở”, ông Matsuno nói.
Mộc Miên (Theo SCMP)