(ĐSPL)- Với riêng tôi, "Anh Hai Nghĩa" là tên gọi mà tự nó đã có cái gì rất dễ gần, thân ái, dù sau này ông đảm đương ở cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ thì cũng vẫn không khác gì trước đó.
Nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. |
Vào khoảng đầu năm 2001, ông Trương Vĩnh Trọng được Đại hội Đảng toàn quốc Khoá 9 tín nhiệm bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng và sau đó ra Hà Nội nhận trọng trách Trưởng Ban Nội chính Trung ương, tôi vẫn chưa biết nhiều về ông ngoài chức danh Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp.
Thế rồi bỗng nhiên, vào một hôm tôi nhận được cú điện thoại, giọng đặc Nam bộ: "Anh Hai Nghĩa đây, em có ở toà soạn không? Anh định tới thăm em...". Tôi hơi lúng túng vì cũng không biết "Hai Nghĩa" là người nào.
Song do linh cảm của mình, tôi đoán cách xưng hô cởi mở cộng với giọng nói dễ nghe và ấm áp như có vẻ là ông đã biết tôi khá rõ khiến tôi cũng "dạ, vâng" nhỏ nhẹ và vui vẻ nhận lời đón ông - thuần tuý theo phép xã giao - một vị khách mà mình chưa gặp bao giờ.
Và không hiểu sao, tức thì, tôi bốc máy gọi cho anh Nguyễn Công Khế, khi đó là Tổng biên tập báo Thanh niên, "cầu cứu" thử xem "Anh Hai Nghĩa" là ai để lát nữa nếu gặp thì còn biết mà nói chuyện. Anh Công Khế cười phá lên và la tôi quá trời khiến tôi phát ngượng. Anh nói: "Hai Nghĩa là anh Trương Vĩnh Trọng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đó, cậu không biết thật à? Ảnh vừa ra Trung ương nhận công tác mới mà!"
Thật hú vía cho cái thân tôi, "may mà mình lại không hỏi lại ông, đại loại: "Thưa, Hai Nghĩa nào ạ?", hoặc cáo bận, hoặc từ chối tiếp thì thật ngượng và lôi thôi to" - tôi nghĩ trong đầu.
Rồi cũng từ bữa đó, báo Thanh niên chúng tôi có điều kiện được gần gũi ông nhiều hơn. Ông chính là người thay mặt Ban Nội chính chỉ đạo trực tiếp vụ điều tra băng nhóm xã hội đen Năm Cam ở Thành phố Hồ chí Minh, khi vụ việc ngày càng trở nên phức tạp bởi đã cho thấy nó dính dáng tới nhiều quan chức cao cấp cần phải xử lý thận trọng.
Cứ thi thoảng, ông lại hỏi thăm tình hình, nếu có thông tin gì thì ông cho biết hoặc cho gọi đến cơ quan, hoặc đến nhà công vụ nơi ông ở để hỏi xem phía báo có tin gì mới không?
Trong chiến dịch đánh án đó, ông luôn tỏ rõ là một lãnh đạo có bản lĩnh, tận tâm và mạnh mẽ trong chỉ đạo, không dung tha tội ác và cái xấu đang có nguy cơ len lỏi vào bộ máy công quyền.
Cho tới khi vụ án Năm Cam và đồng bọn bị lôi ra ánh sáng rồi kết thúc thắng lợi, báo Thanh niên có tập hợp các bài viết về vụ án trên thành một cuốn sách gần 700 trang với tựa đề "Phá đường dây tội ác lớn nhất Việt Nam", tôi có đến thăm ông và tặng ông cuốn sách đó.
Ông Hai Nghĩa tươi cười nói vói tôi rất tình cảm: "Mày tặng sách anh thì phải ghi mấy dòng vào để còn lưu giữ kỷ niệm hợp tác chứ?". Tôi thưa với ông rằng, đó không phải là sách của cá nhân tôi mà là tập hợp hàng trăm các bài viết của một số tác giả vì vậy tôi không dám đề tặng.
Ông nói: "Không sao, thành công của vụ án này có nhiều lực lượng tham gia, báo Thanh niên có công trong đó, cậu trong Ban biên tập, thay mặt báo ký cũng được chứ sao?" Tôi hơi lúng túng thì ông đã rút nắp bút đưa cho tôi, xem như đương nhiên tôi phải viết mấy chữ tặng ông.
Đại thể tôi viết rằng, trong chiến công chung này, nhờ có sự chỉ đạo của anh mà dẫn tới thành công và báo xin bày tỏ sự biết ơn tới anh. Ông tỏ ra rất vui, nở nụ cười đôn hậu và ra phía chiếc tủ lấy chai rượu vang rót ra như muốn để hai thầy trò cùng chia vui trước thắng lợi đó.
Một lần khác vào tháng 4/2006, hàng chục tờ báo đã bị kỷ luật tả tơi vì làm lộ bí mật an ninh tiền tệ trong vụ Ngân hàng Nhà nước in tiền polymer chất lượng kém. Báo Thanh niên có tôi bị "dính" vì trách nhiệm của người trực tiếp duyệt bài, trong đó có tình tiết mà báo chúng tôi phát hiện và "giải mã" nguyên nhân tại sao tiền trên giấy polymer có loại nhanh bị nhoè.
Nghe nói, trong một cuộc họp liên ngành giữa Ban Tư tưởng Văn hoá - Bộ Văn hoá Thông tin, Hội Nhà báo Việt Nam với Bộ Công an, tại buổi họp đó, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (khi đó kiêm phụ trách khối nội chính), chủ trì và đã có ý kiến chỉ đạo hướng xử lý. Ông cũng có đưa chuyện của một vài cá nhân ra xem xét về mức độ sai phạm để kỷ luật. Và rồi sau đó, báo sai ít thì 1 người, báo sai nhiều thì 4-5 người, thậm chí có 2 tờ còn bị tạm thời đình bản.
Thế rồi khoảng hơn tháng sau đó, tôi có ngồi trên xe ô tô đi cùng anh Công Khế tới gặp ông Hai Nghĩa. Lúc mở cửa xe để vào tôi nói với anh Công Khế cho tôi ngồi ở ngoài vì tôi không muốn vào. (Tôi nghĩ, do mình vừa nhận kỷ luật, giờ mà vào ngộ ai thấy lại tưởng mình đến "kêu oan", "chạy tội", e không tiện).
Ngờ đâu lúc anh Công Khế ra về, ông Hai Nghĩa lại tiễn ra tận chỗ đỗ xe và do phải mở cửa xe nên đã khiến tôi không có cách nào trốn nữa, buộc phải ra khỏi xe để chào ông. Ông trách tôi, "đã tới đây mà sao lại ngồi ngoài?". Tôi nói đại ý rằng: em vừa bị anh kỷ luật, giờ vào nhà anh, ngộ có ai biết em, lại tưởng em đi "chạy tội ", lại phiền anh thêm ra .
Anh hồn hậu vỗ vai tôi chia sẻ: "Hôm trước khi xét kỷ luật vụ anh em báo chí đưa vụ chất lượng tiền polymer, anh có nói đỡ cho em và Lê Hoàng (Tổng biên tập báo Tuổi trẻ) rằng: người khác thì tôi không có ý kiến, riêng Lê Hoàng và Quốc Phong thì tôi có biết họ, cả hai đều hiền khô à, cũng do anh em quá đà, không kiểm soát chặt anh em cấp dưới thôi, nên đề nghị Hội nghị xem xét, giảm nhẹ mức kỷ luật. Và lần đó, nghe đâu lẽ ra chúng tôi phải bị ở mức cao hơn, nhờ thế mà cả hai đã "được ăn" kỷ luật nhẹ hơn dự kiến. (Thực ra, câu chuyện này, tôi cũng đã được một người có mặt trong buổi họp đó kể lại ngay rồi).
Tôi thật sự xúc động trước tấm lòng của ông trong câu chuyện này và đó cũng là cốt cách của một con người nhân hậu, bình dị, vị tha, xử sự có lý có tình trong công việc.
Điều đó càng thấy rõ ở ông khi vụ bắt 2 nhà báo liên quan tới việc làm lộ bí mật khi viết bài xung quanh vụ PMU 18 năm 2008, gây nên một không khí căng thẳng ở làng báo trong nước và xôn xao dư luận thế giới, ông đã chủ trì một cuộc họp thường niên về giải quyết đặc xá và ân xá, chính ông cũng chủ động gợi ý nên xem xét đặc xá ngoại lệ cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, cho rằng báo chí nước nhà bị bóp nghẹt, thiếu tự do ... Và sau đó, nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã được ân giảm đặc biệt (chỉ thụ án có 1/3 thời gian) và khi ra, cũng không có hình phạt kèm theo, được đi làm ngay sau 1 tuần nghỉ Tết Nguyên Đán...
Từ khi ông giữ trọng trách Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương cho tới khi là Uỷ viên Bộ Chính trị và làm Phó Thủ tướng (tức là đến trước lúc tôi gặp tai nạn nghề nghiệp năm 2008) cứ khoảng mùng 4, mùng 5 Tết, tôi lại cảm động khi nhận được lời chúc Tết của ông qua điện thoại trực tiếp hoặc tin nhắn, tuy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa : "Chúc nhà báo "Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà!" (ông mượn ý thơ của cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu- TG).
Thật là tình cảm nhưng cũng thật ý nghĩa! Nó như tiếp thêm nguồn sinh lực mới cho anh em làm báo chúng tôi vượt qua thử thách...
Anh Hai Nghĩa - Trương Vĩnh Trọng, xin phép được mãi gọi ông là Anh Hai Nghĩa như ngày nào. Ông là con người như thế! Rất bình dị, không quan cách, nhân nghĩa và thật gần gũi với anh em báo chí vậy đó!