Bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn có nguyện vọng được tiếp tục làm việc ở nơi mình đã công tác những năm qua. Tuy nhiên, đó là nguyện vọng, còn tất cả bác sĩ Lương vẫn đang chờ vào phán xét cuối cùng của tòa án.
Trước thông tin về việc một số bệnh viện tư nhân có liên hệ với một người trung gian để kết nối với bác sĩ Hoàng Công Lương với nhã ý sẽ mời bác sĩ Lương về công tác ngay sau khi toà án ra phán quyết cuối cùng, PV đã có cuộc trao đổi ngắn với bác sĩ Hoàng Công Lương.
Theo đó, tới thời điểm hiện tại, bác sĩ Lương vẫn đang tập trung cho những diễn biến trước mắt là phiên tòa xét xử các bị cáo liên quan tới vụ án chạy thận xảy ra cách đây đúng 1 năm tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình làm 9 người tử vong, những vấn đề khác bác sĩ Lương sẽ suy nghĩ sau khi phiên tòa kết thúc và bản án cuối cùng dành cho các bị cáo được tòa tuyên.
Hơn nữa, tới thời điểm này, bản thân bác sĩ Lương cũng chưa chính thức nhận được bất cứ lời đề nghị nào để về làm việc tại các bệnh viện tư.
“Tôi vẫn muốn làm việc tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nếu ban Lãnh đạo bệnh viện cho phép, tạo điều kiện”, bác sĩ Hoàng Công Lương nói.
Ông Lê Xuân Hoàng – Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng trao đổi, nếu các quy định của pháp luật cho phép, phía bệnh viện sẽ tạo điều kiện hết mức để bác sĩ Hoàng Công Lương có thể tiếp tục công tác tại bệnh viện. Bởi lẽ, đây là một bác sĩ trẻ, tận tình với công việc, được đồng nghiệp và bệnh nhân tin tưởng.
“Chúng tôi cũng phải rà soát lại các quy định của pháp luật trong trường hợp này như thế nào. Nếu pháp luật cho phép thì chúng tôi vẫn sẽ tạo điều kiện cho bác sĩ Lương. Quan điểm của bệnh viện, chúng tôi tôn trọng các quyết định của pháp luật nhưng sẽ tạo mọi điều kiện để bác sĩ Lương được làm việc, còn pháp luật không cho phép thì chúng tôi cũng không thể làm trái”, ông Lê Xuân Hoàng nói.
Luật sư Lâm Văn Quang (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, VKSND tỉnh Hòa Bình đưa ra mức án đề nghị với bị cáo Hoàng Công Lương từ 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Về bản chất, án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện được áp dụng đối với người vi phạm luật khi bị xử phạt tù không quá 3 năm, có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, và tòa án xét thấy không cần bắt phải chấp hành hình phạt tù. Người được hưởng án treo sẽ được ấn định thời gian thử thách.
Điều 36, Bộ luật Hình sự quy định về cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định như sau: “Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó, thì có thể gây nguy hại cho xã hội.
Thời hạn cấm là từ một năm đến năm năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo”.
Theo phân tích của luật sư Quang, theo quy định của pháp luật, người được hưởng án treo sẽ luôn luôn phải đối mặt với thời gian thử thách và sẽ bị hạn chế những quyền nhất định. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm người được hưởng án treo không được đi làm. Cho nên sau khi có bản án của tòa tuyên, bị cáo Hoàng Công Lương nếu bị 30 – 36 tháng tù treo mà tòa án không áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo Điều 30 và Điều 36, Bộ luật Hình sự thì, về nguyên tắc người được hưởng án treo vẫn có quyền đảm nhiệm chức vụ hoặc làm bất cứ nghề gì phù hợp với khả năng của mình.
Một lưu ý nữa, khi đang trong thời gian thử thách, người chịu hình phạt phải thực hiện được các nghĩa vụ của người được hưởng án treo được quy định tại Điều 64, Luật thi hành án hình sự 2010. Cụ thể như sau:
1. Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
2. Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục.
3. Trường hợp người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên thì phải khai tạm vắng.
4. Ba tháng một lần trong thời gian thử thách người được hưởng án treo phải nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật cho người trực tiếp giám sát, giáo dục; trường hợp đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng, thì phải có nhận xét của Công an cấp xã nơi người đó đến lưu trú hoặc tạm trú để trình với Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người đó.
“Bất kể công dân Việt Nam nào đều có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm”, luật sư Quang trao đổi.
Nguyễn Huệ/Nguoiduatin