(ĐSPL)– “Thời điểm nhận lời Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả làm cố vấn dự án hầm Đèo Cả và Ủy viên HĐQT, thực sự tôi không lường trước được mọi chuyện lại như thế này”, nguyên Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng nói.
Đó là chia sẻ của ông Hồ Nghĩa Dũng – nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc dư luận đang xôn xao trước thông tin ông tham gia Hội đồng quản trị và là cố vấn cho Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả ngay sau khi nghỉ hưu có 8 tháng.
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao việc ông vừa ký quyết định phê duyệt hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, sau đó lại ký quyết định chỉ định chính Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả làm nhà đầu tư dự án này. Và bản thân ông lại là Ủy viên HĐQT, cố vấn cao cấp cho dự án. Ông có thể nói gì về thông tin này?
Nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng. |
Đúng là trong thời gian còn làm Bộ trưởng Bộ GTVT, tôi có ký quyết định phê duyệt hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả để kêu gọi đầu tư, còn việc chỉ định Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư dự án này, thì chúng tôi cũng phải thông qua Chính phủ duyệt, chứ bản thân tôi không thể quyết định được.
Sau khi về hưu, bên Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả có mời tôi về làm cố vấn cho dự án. Là người biết rõ dự án này từ đầu nên tôi cũng chỉ muốn giúp anh em, và việc tôi nhận lời thì mục đích cùng chỉ là về làm cố vấn cho dự án này mà thôi chứ không có mục đích kinh doanh hay nghĩ đến lợi ích.
Dư luận lại cho rằng, việc ông là Ủy viên Hội đồng quản trị của Công ty Đèo Cả chứng tỏ vị trí và vai trò của ông trong công ty này là không hề nhỏ. Vậy thực sự, công việc chính của ông trong Công ty này là như thế nào?
Phải nói chính xác, công việc chính mà tôi dành nhiều thời gian nhất hiện nay là công việc bên Hiệp hội thép, còn công việc cố vấn cho dự án hầm Đèo Cả thì chỉ khi nào bên phía công ty cần tôi mới tham gia.
Về việc là Ủy viên Hội đồng quản trị của công ty chứng tỏ vai trò của tôi không hề nhỏ, thì nó cũng không hoàn toàn chính xác. Nhiều người nghĩ tham gia HĐQT là có góp vốn, có đầu tư nhưng thực chất tôi không có đầu tư mà chỉ có các công ty lớn đầu tư và huy động thêm vốn ngân hàng. Thực sự tôi cũng không đủ sức để góp vốn hay đầu tư vào một dự án lớn như thế.
Khi sự việc diễn ra như thế này, tôi mới thấy có một sơ suất, đó là khi nhận lời làm cố vấn và Ủy viên Hội đồng quản trị của công ty Đèo Cả, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình hiểu về dự án này, thì có thể giúp được cho anh em, chứ không bao giờ nghĩ đến chuyện kinh doanh hay lợi ích ở đây.
Nếu nhằm mục đích kinh doanh thì chắc chắn tôi sẽ không bao giờ chọn một dự án như Đèo Cả.
Vậy từ khi tham gia vào công ty cổ phần Đèo Cả, ông thực sự chỉ tham gia việc tư vấn? Ông có tham gia vào quá trình điều hành, quản lý dự án hầm Đèo Cả không?
Tôi khẳng định rằng, từ khi nhận lời về Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, tôi hoàn toàn không tham gia quản lý hay điều hành bất cứ công việc gì.
Công việc của tôi chỉ tham gia với vai trò là cố vấn mà thôi, tức là tham gia tư vấn cho Hội đồng quản trị về tổ chức công việc, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các khó khăn về công việc…
Nhưng tại sao trên website chính thức của Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả lại công khai việc ông tham gia vào Hội đồng quản trị? Sau đó khi báo chí nhắc đến chuyện này thì họ lại gỡ ngay thông tin đó. Chính điều này cũng khiến cho dư luận thắc mắc?
Thực ra, tôi không hề biết chuyện họ (Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả - PV) công khai việc này lên website công ty. Thậm chí, với chức danh Ủy viên HĐQT thì tôi cũng không có giấy bổ nhiệm hay quyết định phê duyệt, mà tôi chỉ có hợp đồng làm cố vấn với công ty này mà thôi.
Khi báo chí nhắc đến, và dư luận xôn xao về việc này, lãnh đạo Công ty cũng nói chuyện với tôi rằng, họ cũng biết việc đăng thông tin trên website làm ảnh hưởng đến tôi, vì thế, họ đã cho gỡ những thông tin đó xuống.
Dự án hầm Đèo Cả được kỳ vọng sẽ góp phần giảm bớt tình trạng mất an toàn giao thông xảy ra trên cung đường vốn rất nguy hiểm. |
Vậy thời điểm năm 2009, tại sao ông lại quyết định giao cho Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả làm chủ dự án này?
Dự án hầm Đèo Cả là dự án BOT, tức là dự án tư nhân, tư nhân làm chủ đầu tư và kêu gọi vốn. Vào thời điểm trước, đây là một dự án lớn và hầu như không có nhà đầu tư nào quan tâm.
Khi Bộ GTVT nêu ra các đề xuất danh mục đầu tư thì chỉ có một vài doanh nghiệp đến xin làm đề xuất dự án, lúc đó đơn vị nào xin chúng tôi cũng đồng ý.
Đây chỉ là sự ngẫu nhiên. Khi Bộ thấy Công ty Đèo Cả xây dựng đề án và có khả năng làm được thì đồng ý cho làm.
Dự án này do Bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt báo cáo đầu tư, còn tôi chỉ ký quyết định đề xuất đề nghị Chính phủ giao cho công ty Đèo Cả làm chủ đầu tư dự án.
Nếu bây giờ Bộ Nội vụ vào cuộc xác minh thực hư ông có liên quan đến việc quản lý, điều hành ở Công ty Đèo Cả hay không thì ông thấy như thế nào?
Tôi rất sẵn sàng và hoan nghênh sự vào cuộc của Bộ Nội vụ.
Để chứng minh việc này cũng đâu có gì khó, họ kiểm tra là họ sẽ thấy ngay thôi.
Giờ chỉ cần điều tra xem tôi có ký chọn nhà thầu, có ký phê duyệt dự án hay có ký hợp đồng với nhà thầu hay không là sẽ biết ngay việc tôi có tham gia điều hành, quản lý không.
Bởi từ khi vào đây, tôi chưa ký bất cứ quyết định gì cả.
Chuyện tôi làm cố vấn hay ở trong ban quản trị của công ty Đèo Cả, tôi không nghĩ gì, tôi thành tâm muốn cùng anh em xây dựng một mô hình mới, có sự kết hợp giữa công và tư để xây dựng 1 công trình có lợi cho đất nước. Tôi cũng muốn góp sức cùng anh em nên đơn giản như thế mà tôi nhận lời thôi chứ không nghĩ đến chuyện làm ăn, chuyện kinh doanh hay lợi ích, và đặc biệt là tôi không thể lường trước được sự việc sẽ diễn ra như thế này.
Xin cảm ơn ông!