+Aa-
    Zalo

    9X bỏ du học, làm bồi bàn kiếm tiền mở công ty

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đi du học tại một trường danh tiếng ở Hàn Quốc nhưng chỉ được 1 năm thì Nguyễn Hoàng Trung (23 tuổi) xin nghỉ để đi làm bồi bàn lấy vốn mở công ty về chia sẻ ẩm thực, nơi

    Đi du học tại một trường danh tiếng ở Hàn Quốc nhưng chỉ được 1 năm thì Nguyễn Hoàng Trung (23 tuổi) xin nghỉ để đi làm bồi bàn lấy vốn mở công ty về chia sẻ ẩm thực, nơi ăn uống.

    Không thích cuộc sống an nhàn

    Nguyễn Hoàng Trung (quê Quảng Ngãi) đang làm giám đốc điều hành của trang Lozi.vn, một website làm nhiệm vụ chia sẻ ẩm thực, địa điểm ăn uống. Sự ra đời của Lozi đến từ quyết định bỏ du học ở Học viện KAIST (Hàn Quốc), một trong những ngôi trường nổi tiếng của châu Á và thế giới.

    Thời cấp 3, khi còn học ở trường chuyên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, nhờ thành tích học tập tốt nên Trung nhân được học bổng toàn phần của Học viện KAIST. Trung chọn học ngành Công nghệ thông tin vì nhận thấy sức hút, tiềm năng của ngành này sau khi ra trường. Tuy nhiên chỉ sau 1 năm học, Trung lại có suy nghĩ khác

    Nguyễn Hoàng Trung, giám đốc website Lozi, chuyên về tìm kiếm ẩm thực, địa điểm ăn uống.
    Nguyễn Hoàng Trung, giám đốc  điều hành Lozi.

    “Môi trường sống và học tập ở KAIST rất tốt nhưng mình cảm thấy nơi này không thích hợp với bản thân. Mình thích việc học tập có sự giao tiếp nhiều hơn là việc dành thời gian chỉ để giải quyết các bài tập về nhà và cố gắng để có điểm số cao", Trung nói.

    Quan niệm cuộc sống của Trung là không thích một sống an nhàn. Cậu chia sẻ rằng việc học tập ở KAIST nặng nề, không nhàn hạ nhưng chính định hướng sau khi ra trường lại khá nhẹ nhàng. Theo định hướng, sinh viên học ở đây đều có cơ hội được làm việc ở doanh nghiệp lớn như Samsung hay là Google, Microsoft. “Nhưng dù làm ở công ty nào đi chăng nữa thì mình vẫn phải đứng dưới bầu trời của người khác. Mình thì thích tự xây dựng khoảng trời của riêng mình. Việc làm cho người khác có nghĩa là bạn đã có một sự an toàn cho cuộc sống và đấy chính là an nhàn”, chàng trai 9x bày tỏ quan điểm.

    Học được 1 năm Trung nghỉ học, đi làm bồi bàn và đi du lịch.
    Học được 1 năm Trung (đeo kính) nghỉ học, đi làm bồi bàn và đi du lịch.

    Vì vậy, khi thấy việc học chưa thực sự như mong đợi, Trung nhanh chóng xin nghỉ học. Quyết định này dễ dàng vấp phải sự phản đối của gia đình, bạn bè. Họ cho rằng suy nghĩ của Trung giống trẻ con. Gạt sang một bên, cậu vẫn tiếp tục ở lại xứ sở kim chi để học tiếng Hàn, làm bồi bàn và đi du lịch. Trong thời gian đó, Trung nảy ra ý định mở công ty chuyên về dịch vụ tìm kiếm, chia sẻ ẩm thực. Và khi đủ số vốn, cậu quay về nước khởi nghiệp cùng với 3 người bạn chung định hướng.

    Tháng 6/2012 Trung về nước thì tháng đến tháng 7 công ty Lozi ra đời với số vốn  khởi nghiệp 4.000 USD. Đó là số tiền túi của Trung và cũng như đi vay mượn thêm. Giải thích về cái tên Lozi, Trung cho biết: “Mình muốn một cái tên nào đó gợi lên sự không lo lắng nên mới nghĩ đến logi (tức lo gì), và sau đó mới thay chữ “g” bằng chữ “z” để nghe trẻ trung hơn”.

    Không lợi nhuận

    Sau hơn môt năm chuẩn bị và tìm kiếm nhân sự, đến đầu năm 2014 website Lozi.vn chính thức ra đời. Về cơ bản, mục đích của Trung là nhằm giải quyết vấn đề của người dùng trong việc ăn uống và tìm kiếm các địa điểm trở nên dễ dàng hơn. Chỉ sau nửa năm, trang Lozi.vn đã trở thành trang web thân thuộc với những cá nhân có nhu cầu tìm kiếm thông tin về ẩm thực tại Việt Nam. Trang Facebook cũng có trên 120.000 thành viên. Trước đó, năm 2013, Lozi đoạt giải nhì cuộc thi Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp (do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức).

    Thành lập Lozi là một cách để Trung sống không an nhàn.
    Thành lập Lozi là một cách để Trung sống không an nhàn.

    Sau gần nửa năm hoạt động, dù vẫn không có lợi nhuận nhưng ông chủ của Lozi vẫn hài lòng vì điều ấy. Theo Trung, sự thành công ban đầu của mô hình này chưa phải là tiền mà là có bao nhiêu thành viên, người dùng Lozi. Cậu giải thích: “Ví dụ như trang Facebook trong những năm đầu tiên vẫn chưa kiếm ra được lợi nhuận nhưng số lượng thành viên của họ lại rất nhiều. Khi đó, họ mới bắt đầu khai thác để kiếm tiền từ số người dùng đấy. Mô hình của mình cũng tương tự như vậy. Thời gian đầu công việc không mang lại doanh thu, đó một thử thách để mình có động lực vượt qua. Đây là một cuộc sống thú vị, không an nhàn mà mình thích”.

    Hiện tại, công ty đã có cả văn phòng ở Hà Nội và TP.HCM với 20 nhân viên. Và Trung cũng một vài cộng sự khác vẫn đang tiếp tục làm việc không lương nhưng đều cảm thấy hài hòng với những gì đã và đang làm.

    Hiện tai, Trung và các cộng sự vẫn đang làm việc không lương.
    Hiện tai, Trung và các cộng sự vẫn đang làm việc không lương.

    Trung không giấu tham vọng cho biết “Dự án có thể đã thành công bước đầu. Hiện bên mình đã nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các nhà đầu tư để phát triển nhiều tính năng hơn nữa. Và khi ấy, Lozi sẽ có đủ tiềm lực để có thể tìm kiếm lợi nhuận từ những nhà hàng muốn tiếp cận với người dùng. Chúng mình mong muốn sẽ trở thành cộng đồng mạng xã hội về chia sẻ, tìm kiếm ẩm thực lớn nhất Việt Nam”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/9x-bo-du-hoc-lam-boi-ban-kiem-tien-mo-cong-ty-a32584.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan