+Aa-
    Zalo

    Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày lễ Halloween

    (ĐS&PL) - Cứ đến cuối tháng 10 hàng năm, nhiều bạn trẻ và các em nhỏ lại háo hức đón đợi lễ hội Halloween nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc, ý nghĩa của ngày này.

    Lễ hội Halloween được tổ chức vào ngày nào?

    Halloween (còn gọi là lễ hội hóa trang) là một lễ hội truyền thống của nhiều nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Lễ hội này thường bắt đầu từ buổi chiều tối tới 12h đêm ngày 31/10 hằng năm.

    Vào dịp lễ này, người dân thường trang trí nhà cửa theo phong cách rùng rợn. Sau đó, cả người lớn, thanh thiếu niên và trẻ nhỏ đều sẽ hóa trang thành những nhân vật đáng sợ hoặc nhân vật mà họ thích, rồi đi tới từng nhà gõ cửa để nhận kẹo và chúc mừng.

    Theo tục lệ, các em nhỏ thường cầm theo đèn lồng được làm bằng vỏ quả bí ngô, đục theo hình mặt người để ánh sáng xuyên ra ngoài.

    Những cuộc vui chơi trong ngày lễ Halloween thường xoay quanh các đề tài như chuyện may rủi trên đời, các chuyện kể về phù thủy…

    Nguồn gốc ngày lễ Halloween

    Halloween có tên gốc là All Hallows’Eve, nghĩa là đêm trước Ngày lễ các thánh. “Hallow” là một từ tiếng Anh cổ có nghĩa là “thánh”, cuối cùng đổi thành Halloween như ngày nay.

    nguon goc y nghia cua ngay le halloween
    Lễ hội Halloween ngày càng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ảnh minh họa

    Theo nhiều tài liệu, lễ hội Halloween ngày nay chịu ảnh hưởng nhiều từ lễ Samhain (gieo trồng) của dân tộc Celt sống cách đây hơn 2000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh Quốc, Ireland và miền Bắc nước Pháp.

    Lễ hội Samhain của người Celt được tổ chức vào ngày 1/11 hàng năm nhằm đánh dấu sự kết thúc của mùa hè và thời tiết chuyển sang đông. Ngày này cũng chính thức bắt đầu một năm mới của người Celt.

    Ngày lễ hội này báo hiệu sự bắt đầu của những ngày tối tăm thường được liên kết với sự tàn tạ và sự chết của loại người. Dân tộc Celt tin rằng Samhain cho phép những linh hồn người chết được trở về nhà trên trần gian vào đêm hôm đó.

    Sau một thời gian dài, lễ hội Halloween đã du nhập sang nhiều nước khác nhau, có nhiều sự biến tấu theo phong tục, văn hóa mỗi nơi. Đến nay, lễ hội này đã trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới.

    Biểu tượng chính của đêm lễ Halloween là chiếc đèn lồng của chàng Jack - "Jack-ó-lanterns." Các biểu tượng phụ là phù thủy, ma quỷ và mèo đen.

    Ý nghĩa của lễ hội Halloween

    Ý nghĩa của lễ hội Halloween gắn liền với truyền thuyết về chàng thiếu niên người Ireland tên Jack. Dù đã qua đời, linh hồn Jack không được phép vào Thiên Đàng do lúc còn sống cậu ta là người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt, không chia sẻ cho ai chút gì. Jack cũng không thể vào Địa Ngục vì lúc còn sống từng chơi đùa với ma quỷ nên quỷ không thể bắt anh ta.

    Chuyện kể rằng, có một con quỷ đến quấy phá vùng dân cư. Người dân cầu cứu các vị tu sĩ mang các vật thành đến để bắt con quỷ. Nhận ra đó là con quỷ thường vui đùa với mình, Jack đã tìm cách mở đường cho quỷ chạy thoát. Để đền ơn cứu mạng, quỷ hứa với Jack là sẽ không bắt hồn Jack về Địa Ngục.

    Vì vậy, khi Jack qua đời do gặp tai nạn, linh hồn bị Thiên Đàng từ chối, Jack liền tìm đến địa ngục nhưng quỷ không cho vào vì lời hứa lúc trước. Quỷ thấy Jack khổ sở nên đã lấy một ít than hồng ở Địa Ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô rồi đưa cho Jack để cậu ta sưởi ấm trên đường trở lại trần gian.

    Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack đục thủng quả bí ngô, ánh lửa từ trong chiếu ra soi sáng con đường lang thang của cậu.

    Hành động và cuộc đời của Jack trở thành bài học kinh nghiệm cho những người trẻ tuổi, sống trên đời không nên tham lam, bủn xỉn, phải có lòng từ bi, bác ái, biết giúp đỡ người gặp khó khăn.

    nguon goc y nghia cua ngay le halloween1
    Quả bí ngô với nhiều hình thù và cách trang trí độc đáo xuất hiện nhiều trong ngày lễ Halloween. Ảnh minh họa

    Bên cạnh đó, không nên chơi đùa với ma quỷ. Ma quỷ hiểu theo nghĩa bóng là những trò lừa lọc, đe dọa khiến người khác sợ hãi, những việc làm tinh quái do trí thông minh và tưởng tượng của tuổi trẻ sáng tạo ra có khi làm hại đến người, đến xã hội... Việc chơi đùa, giao du với ma quỷ sẽ dễ bị cám dỗ đi vào đường tối tăm và tội lỗi.

    Tuy nhiên, câu chuyện nói trên cũng ghi nhận một thái độ sống của quỷ, “ân đền, oán trả” và “giữ lời hứa”, dù việc tuân thủ lời hứa của quỷ đã khiến Jack rơi vào cảnh cô hồn lang thang vất vưởng.

    Đối với các nước Âu, Mỹ, Halloween trở thành lễ hội vui chơi hàng năm cho trẻ em và cả người lớn. Ngoài ý nghĩa giáo dục như trên, ngày lễ này còn có cả ý nghĩa nhân bản.

    Truyền thống lễ hội Âu Mỹ đã dành cho Jack một ngày được trở lại với cõi dương. Trong ngày này, chàng thiếu niên trẻ tuổi có thể sống vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Đây chính là ý nghĩa nhân bản của ngày lễ Halloween.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguon-goc-y-nghia-cua-ngay-le-halloween-a516981.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan