Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Phòng ở thôn Đồng Trạng – xã Cổ Đông – Thị xã Sơn Tây khi nói về quyết định hiến thân thể của chồng cho y học.
Trước khi quyết định này được thực hiện, anh và chị đã bàn rất kỹ và thông báo tới những người thân. Giờ chị Phòng và gia đình mình thấy rất hạnh phúc và tự hào bởi gia đình mình đã làm được những điều thực sự có ý nghĩa.
Người nông dân và ước mong không hề mơ mộng
Chị phòng thay mặt gia đình nhận bằng khen danh dự của học Viện Quân Y. |
Chị Phòng là vợ của anh Nguyễn Xuân Trường – 57 tuổi, người mới qua đời cách đây ít hôm và tình nguyện hiến toàn bộ thân thể cho y học. Anh chị vốn đều làm nông nghiệp là chính, anh có thêm nghề phụ là lái xe.
Chị Phòng kể: “Cách đây vài tháng, anh nhà tôi nói với tôi là anh ấy muốn đăng ký hiến xác vì anh ấy nghe đài thấy người ta nói về chuyện hiến xác, hiến tạng sau khi chết sẽ cứu được những người khác. Anh ấy muốn làm việc có ý nghĩa ấy nếu chẳng may qua đời.
Thực lòng lúc mới nghe, tôi cũng hoang mang chẳng hiểu thế nào. Tôi đã bao giờ được nghe ai nói về chuyện như thế đâu nên không đồng tình. Nhưng anh ấy bảo là chết rồi thì còn gì nữa, giúp được ai thì giúp chứ. Nghe anh ấy nói nhiều lần thì tôi cũng thấy chồng nói có lý nên đồng ý để anh ấy đi đăng ký hiến”.
Còn chị Hạ Thị Lan – một người em gái của anh Trường cũng cho biết, có lần chị đang bán hàng thì anh Trường đi qua nói chuyện. Anh Trường bảo: “Cô này, sau anh chết anh sẽ không chôn đâu. Anh đi hiến tạng, hiến xác cho y học”.
Chị Lan nghe anh trai nói vậy thì ban đầu không hiểu đó là chuyện gì vì cả nhà bao đời làm nông đã bao giờ chị được nghe đến chuyện như thế đâu. Chị hỏi đi hỏi lại thì được anh Trường giải thích: “Là bao giờ anh mà chết thì anh cho người ta mang tim, mang gan, mang xương… của mình cấy ghép cho những người bị bệnh đang cần còn cơ thể anh thì để cho người ta nghiên cứu”.
Nghe anh giải thích xong, chị Lan hốt hoảng can ngăn nhưng thấy anh có phần quyết tâm nên chị cũng không phản đối mạnh mẽ và cũng nghĩ đó là chuyện còn rất xa xôi mà có thể chỉ là một ý tưởng nhất thời mơ mộng của anh trai.
Sau khi thông báo với cả gia đình, anh Trường cùng cô con gái út khăn gói xuống Hà Nội và đến Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia để đăng ký hiến tặng cơ thể sau khi chết/ chết não.
Thật không ngờ, đến đầu tháng 10 vừa qua, anh Trường đột ngột mệt và phải đến bệnh viện vì bị chẩn đoán mắc bệnh phổi. Nằm viện được 1 ngày, anh Trường thấy mình yếu hơn và liên tục nhắc lại tâm nguyện hiến xác của mình với vợ, con và người thân.
Rồi hôm sau anh ra đi thật…
Chị Phòng cho biết, mặc dù sự ra đi của anh quá bất ngờ với chị và gia đình nhưng việc hiến xác của anh đã được anh xác định trước và chuẩn bị nên khi anh bắt đầu có dấu hiệu xấu, chị đã nhấc điện thoại gọi về Trung tâm điều phối tạng quốc gia. Chị vấn nhớ, lúc ấy là 16h22 phút. 17h anh ra đi!
Lúc đầu, khi anh vừa từ giã cõi đời, một số thành viên của gia đình không đồng ý với việc hiến xác nhưng chị Phòng đã rất kiên quyết và từ tốn giải thích đó là nguyện vọng của anh Trường, anh ấy muốn cái chết của mình có ý nghĩa… Vậy là hơn 10h đêm hôm ấy, thi thể của anh Trường được chuyển về Học viện Quân y.
Cả mẹ và vợ đều được hỏi: Bán xác có được nhiều tiền không?
Ngay sau đó, 2 giác mạc của anh Trường đã được ngân hàng mắt Trung ương đến lấy để ghép cho 2 người bệnh đang khát khao ánh sáng. Còn nhiều phần thân thể khác của anh như xương, sụn, gân… cũng sẽ được sử dụng để ghép cho nhiều người trọng bệnh đang chờ đợi. Phần thân thể còn lại của anh Trường sẽ được dùng phục vụ giảng dạy cho các sinh viên y khoa.
Nói về sự ra đi và quyết định táo bạo của con trai mình, bà Nguyễn Thị Tỵ - 82 tuổi (mẹ nuôi của anh Trường) cho biết, trước đây anh Trường có bảo với bà: “Sau này con có chết thì cũng không phải chết hẳn đâu mẹ ạ. Con sẽ vẫn tiếp tục sống vì con sẽ hiến cả người con cho y học. Người ta sẽ lấy các bộ phận của cơ thể con để cấy ghép cho những người đang bị bệnh mẹ ạ”.
Nghe anh Trường nói thế, ban đầu bà Tỵ cũng ngạc nhiên nhưng khi thấy con trai rất nghiêm túc và nói về ý nghĩa của những điều đó thì bà hoàn toàn nhất trí.
Bà Tỵ kể, sau khi anh Trường mất và hiến xác cho y học như thế, nhiều người hỏi bà “bán có được nhiều tiền không”. Bà bảo, tôi nghe người ta hỏi vậy thì bảo đó là làm việc thiện chứ làm gì có tiền. Chị Nguyễn Thị Phòng cũng nghe nhiều người xì xào là mẹ con chị “bán” anh Trường có lẽ sẽ được nhiều tiền lắm.
Tuy nhiên, cả chị Phòng, bà Tỵ, các con trong gia đinh anh Trường đều cho biết họ thấy không buồn gì về những lời khiếm nhã đó. Họ tự biết việc làm của người thân mình, tự biết tấm lòng của gia đình mình. Chính vì vậy, trong những câu chuyện chia sẻ cùng chúng tôi xung quanh việc hiến tặng cơ thể của anh Nguyễn Xuân Trường, dù còn sự đau xót, tiếc nuối với người thân nhưng trong ánh mắt, trong tâm thế của những con người ấy đều ánh lên niềm tự hào.
Cả chị Phòng và chị Lan đều cho biết họ đều thấy rất hãnh diện bởi quyết định của anh Trường và sau khi lo việc cho anh Trường ổn thỏa thì họ cũng sẽ đi đăng ký hiến xác. Họ cùng đưa ra quyết tâm “Tôi sẽ làm như anh ấy!”.
Minh Minh