Từng có nhiều tử từ bày tỏ mong muốn hiến xác cho y học để phần nào chuộc lại lỗi lầm nhưng chưa có trường hợp nào được chấp nhận.
Tử tù xin hiến xác
Mới đây, tại phiên tòa ngày 9/10, khi được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Thanh (55 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) - người bị tuyên án tử hình vì hành vi vận chuyển 3kg heroin đề đạt nguyện vọng: "Nếu không được giảm án, bị cáo xin được thi hành án sớm để hiến xác cho khoa học...".
Trước đó, là trường hợp Nguyễn Văn Kỳ (Thạch Thất, Hà Nội) - kẻ đâm cả nhà gia chủ trong lúc lẻn vào ăn trộm khiến hai người tử vong, hai người bị thương ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất và bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án tử hình với hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản” vào tháng 3/2017 vừa qua. Tại tòa, bị cáo mong nếu có cơ hội được sống sẽ xin hiến xác cho y học.
Nguyện vọng xin hiến xác của bị cáo Nguyễn Văn Kỳ khó thành hiện thực - Ảnh: Báo Giao thông |
Một vụ khác, tháng 8/2008, Nguyễn Văn Hải (30 tuổi, trú tại Quảng Ninh) thuê một tàu ra đảo chở hàng và ra tay giết chủ tàu, sau đó mang tàu về Nghệ An bán được 7 triệu đồng. Hải sau đó bị tuyên án tử hình về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Tử tù này sau đó cũng viết đơn xin được hiến xác cho y học.
Sẽ gặp một số khó khăn?
Liên quan đến vấn đề này, Chuyên viên pháp lý Mai Quốc Việt cho biết, theo quy định pháp luật dân sự, việc hiến xác là một quyền của công dân cụ thể tại Điều 35 Bộ luật dân sự 2015 về Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như sau:
1. Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
2. Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
3. Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.
Cũng theo chuyên viên pháp lý Mai Quốc Việt, ngoài ra, quyền hiến xác, hiến nội tạng còn được quy định cụ thể ở một số quy định của luật chuyên ngành như luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 cụ thể tại Điều 5 của luật này quy định về Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác như sau: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.
Chuyên viên pháp lý Mai Quốc Việt phân tích, việc hiến xác của từ tù hiện nay chưa có quy định cấm, tuy nhiên sẽ gặp một số khó khăn cụ thể như sau: Theo quy định tại Điều 59 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 thì Thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Việc tiến hành tiêm thuốc độc vào cơ thể của tử tù sẽ khiến cho các bộ phận, cơ quan chức năng trong cơ thể tử tù bị nhiễm độc và không có chuyên gia xác định các mô, bộ phận cơ thể còn đáp ứng được nhu cầu của y học hay không và pháp luật cũng chưa có quy định về điều này.
“Nếu đồng ý để tử tù hiến xác cho y học, vậy việc lấy mô, nội tạng sẽ diễn ra trước hay sau khi thi hành án phạt tử hình? Nếu diễn ra sau khi thi hành án phạt tử hình thì cần phải thay một phương pháp tử hình khác ngoài tiêm thuốc độc? Theo một số thông tin, số tiền để xử bắn là 15 triệu/vụ, còn số tiền để tiến hành tiêm thuốc độc là 200 – 300 triệu đồng. Do đó, việc đưa thêm phương pháp tử hình mới cũng sẽ tốn thêm một số kinh phí lớn” – chuyên viên pháp lý Mai Quốc Việt nói.
Chuyên viên pháp lý Mai Quốc Việt cho biết thêm, trên thực tế ở các quốc gia khác cho thấy, việc đồng ý cho tử tù hiến xác còn đặt ra một bài toán quan trọng cho các cơ quan chức năng trong vấn đề quản lý việc hiến xác, cơ chế xác định ai là người được nhận hiến tạng,… tránh những trường hợp các cá nhân tiến hành trục lợi cho bản thân khi quản lý việc hiến xác tử tù, buôn bán nội tạng,…
“Việc tử tù muốn hiến xác là một hành vi mong muốn chuộc lỗi, muốn đóng góp một phần nào đó của người tử tù, là quyền con người, là nguyện vọng chính đáng, nhân văn. Nhiều tử tù cũng có nguyện vọng này nhưng không được đáp ứng vì chưa có hành lang pháp lý cụ thể. Việc đồng ý để tử tù hiến xác cần có những cơ chế chặt chẽ, những quy định của văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn để tránh những hệ lụy không mong muốn” - ông Việt nhấn mạnh.
Tiểu Phương (ghi)