Nguyên Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng, những nội dung trong kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ là một phần sự thật.
Thanh tra Chính phủ (TTCP) kết luận thanh tra về các nội dung liên quan tới tố cáo của ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị (QLĐSĐT) tại dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. (Ảnh: Thế Anh)
Kết luận thanh tra nêu rõ, đã có lỗi của cả 2 bên nhưng phần lớn thuộc cơ quan chức năng. Cụ thể, BQL chưa có đội ngũ chuyên gia với chuyên môn tầm quốc tế, có đủ năng lực để xem xét và phê duyệt, thường xuyên phải tham khảo, lấy ý kiến các cấp, ngành, thậm chí phải thuê các đơn vị nước ngoài thẩm định trước khi ký duyệt... dẫn đến làm chậm tiến độ dự án, tăng chi phí do kéo dài thời gian.
Liên quan tới kết luận của TTCP, chiều ngày 13/7, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lương Xuân Bình (người gửi đơn tố cáo) cho rằng: “Những nội dung trong kết luận của TTCP chỉ là một phần sự thật và chỉ nêu chung chung chưa được đầy đủ”.
“Trong đó, gói thầu số 6 (đầu máy toa xe, thông tin tín hiệu,...) là một gói thầu lớn, giá gói thầu khoảng trên 6.000 tỷ đồng, thời gian đấu thầu kéo dài (khoảng 2 năm), tổ chức đầu thầu với một nhà thầu duy nhất. Quá trình đấu thầu vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật đấu thầu, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, nhưng kết quả thanh tra thể hiện thiếu thông tin”, ông Bình chia sẻ.
Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội thi công chậm khiến giao thông thường xuyên bị ùn tắc. (Ảnh: Thế Anh).
Phân tích về kết luận của TTCP, ông Bình cho hay: “Người gửi đơn tố cáo đã làm gửi đầy đủ hồ sơ, thông tin liên quan tới dự án. Tuy nhiên, những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong đấu thầu gói thầu số 6 đã bị bỏ qua dẫn tới kết luận không đúng với hồ sơ quản lý dự án và quy định của pháp luật.
Trong đó, ông Nguyễn Cao Minh là Trưởng ban QLĐSĐT đã báo cáo không đúng sự thật tình hình lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu số 6 với các cơ quan có thẩm quyền, dẫn tới UBND TP.Hà Nội quan niệm gói thầu số 6 được đấu thầu theo hình thức “đấu thầu rộng rãi” dẫn tới việc áp dụng sai quy định của pháp luật trong xử lý tình huống đấu thầu. Chủ đầu tư cho phép nhà thầu đề xuất tài chính tới 6 lần vượt khuôn khổ quy định của pháp luật”.
Ông Bình cho biết thêm, kết luận cũng không chỉ ra nguyên nhân cốt lõi làm tăng giá trị của hợp đồng trọn gói với TV Systra, gói thầu số 1, số 3 và hợp đồng rà phá bom mìn, vật liệu nổ đoạn tuyến cầu cạn và khu vực depo.
Cụ thể, kết luận không chỉ ra nguyên nhân làm tăng 6,5 triệu Euro trong hợp đồng là việc ban QLĐSĐT đã cố tình tăng thêm 6,6 triệu Euro (từ 3,3 triệu Euro tăng lên 9,9 triệu Euro – tăng 300%) cho TV Syrtra trong nhiệm vụ thiết kế kỹ thuật. Không chỉ ra việc lập thẩm định và phê duyệt dự toán điều chỉnh cho hợp đồng trọn gói là không đúng quy định của pháp luật. Một điều nữa là chưa chỉ rõ việc huy động nhân sự thực hiện nhiệm vụ “đấu thầu” là không đúng với yêu cầu về nhân sự đã ký trong hợp đồng trọn gói là trái với quy định của pháp luật.
Đề cập tới gói thầu số 3 – hầm và ga hầm, ông Bình cho rằng, TTCP chưa làm rõ, nguy cơ thiệt hại về ngân sách Nhà nước do bị phạt hợp đồng và ai là người phải chịu trách nhiệm? Việc ký hợp đồng từ năm 2015, sau gần 3 năm đến nay vẫn chưa thi công được, cần làm rõ số tiền tạm ứng cho nhà thầu là bao nhiêu, được sử dụng như thế nào?.
Về gói thầu rà phá bom mìn, vật liệu nổ đoạn tuyến trên cao, vẫn chưa làm rõ những hiện tượng sai khối lượng thi công, hồ sơ hoàn công không đúng quy định, không đúng với phương án kỹ thuật được duyệt. Như vậy, không thể nghiệm thu được, đến nay không có khả năng được thực hiện hợp đồng đảm bảo phương án kỹ thuật được duyệt... Ngoài ra, vẫn còn một số nội dung khác nữa cần phải làm rõ.
Tại kết luận thanh tra nêu rõ, đã có lỗi của cả 2 bên nhưng phần lớn thuộc cơ quan chức năng. Cụ thể BQL chưa có đội ngũ chuyên gia với chuyên môn tầm quốc tế, có đủ năng lực để xem xét và phê duyệt, thường xuyên phải tham khảo, lấy ý kiến các cấp, ngành, thậm chí phải thuê các đơn vị nước ngoài thẩm định trước khi ký duyệt... dẫn đến làm chậm tiến độ dự án, tăng chi phí do kéo dài thời gian. Đối với nhà tư vấn Systra, đây là lần đầu tiên thực hiện dự án tuyến tàu điện ngầm ở VN nên còn nhiều lúng túng, chưa hiểu hết các quy định của luật pháp VN, dẫn đến mất nhiều thời gian để hai bên đi đến thống nhất cho từng nội dung, từng hạng mục. Đáng chú ý, kiểm tra thực hiện gói thầu về rà phá bom mìn, vật liệu nổ đoạn cầu cạn và nhà ga, do nhà thầu tổng công ty xây dựng Lũng Lô thực hiện cho thấy chủ đầu tư thiếu chặt chẽ trong việc giám sát, nghiệm thu. Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư dự án rà soát lại trách nhiệm của tư vấn Systra trong việc thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng trọn gói trước khi điều chỉnh, để xác định chi phí thuộc trách nhiệm phần lỗi của tư vấn và thực hiện giảm trừ khi quyết toán. Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét trách nhiệm trong việc thực hiện các công việc của dự án gây chậm trễ, dẫn đến tăng chi phí... |
Thế Anh
Theo Người Đưa Tin