+Aa-
    Zalo

    Xây ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm: Người dân, chuyên gia nói gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Xung quanh kế hoạch xây dựng ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm, có rất nhiều ý kiến của người dân và các chuyên gia về vấn đề này.

    Xung quanh kế hoạch xây dựng ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm, có rất nhiều ý kiến của người dân và các chuyên gia về vấn đề này.

    Với những lợi thế ưu việt về khối lượng chuyên chở và tốc độ lưu thông, đường sắt đô thị được cho là giải pháp phù hợp với mạng lưới vận tải công cộng.

    Hiện, Hà Nội đang đẩy nhanh tốc độ các tuyến đường sắt đô thị, trong đó có tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Toàn tuyến số 2 này có 7 ga ngầm, chiều dài toàn tuyến khoảng 11,5km. Theo quy hoạch, nhà ga 3 tầng ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Hồ Gươm dài 150m, rộng khoảng 21m, sâu gần 18m, khoảng cách ngắn nhất tới Hồ Gươm là khoảng 10m.

    Vị trí và kiến trúc cửa lên xuống số 3 của ga ngầm C9 nằm sát hồ Gươm. Ảnh phối cảnh của MRB.

    Sáng 9/3, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã tổ chức trưng bày, lấy ý kiến nhân dân về Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Song, bên cạnh những ý kiến đồng tình ủng hộ, nhiều người dẫn cũng bày tỏ sự băn khoăn về kế hoạch trên.

    Bản thiết kế chưa hợp lý?

    Theo ý kiến một người dân sống gần Hồ Gươm, triển khai dự án là điều bất hợp lý bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích.

    "Nói riêng về mặt bảo tồn di tích, đó đã là điều bất hợp lý, hơn nữa, tôi đã sống ở thành phố này bao nhiêu năm, đã từng tận hưởng sự tĩnh lặng của Hà Nội. Còn bây giờ, Thủ đô của chúng ta đã nhốn nháo hơn rất nhiều, mà bây giờ lại xây nhà ga vào ngay giữa trung tâm thành phố như vậy, tôi cho là bất hợp lý", một người dân có ý kiến.

    Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội giới thiệu sơ đồ dự án với các cơ quan báo chí. (Ảnh: VOV)

    Không chỉ người dân, kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam đồng thời cũng là một người dân Thủ đô) cũng cho rằng phương án thiết kế này chưa phải tối ưu nhất và ông không đồng tình với việc đặt vị trí như trong bản thiết kế.

    Trong triển khai dự án này việc đầu tiên Hà Nội cần phải lưu ý đến là vấn đề đầu tư mà theo ông khi làm ga ngầm như trên chắc chắn chi phí giá vé sẽ không đủ bù cho chi phí vận hành. Bởi theo ông Ánh, đối tượng được phục vụ chính là những người dân có mức thu nhập trung bình và quan trọng là giá vé phải rẻ. Do đó, gánh nặng đầu tư phải phụ thuộc vào trợ giá.

    Cũng theo ông Ánh, vị trí lắp đặt ga còn nhiều bất cập. Ông cho rằng Hồ Gươm bình thường vốn đã là nơi đông đúc người qua lại áp lực giao thông vốn đã lớn do đó nếu làm ga tàu điện ngầm tại đây thì sẽ gây ra xung đột giao thông và như vậy là trái với mục đích giải quyết giảm bớt áp lực giao thông mà dự án này đề ra.

    Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh (bên trái) việc đặt ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm là bất hợp lý

    Đồng tình với ý kiến trên, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, ga C9 rơi vào một vị trí cực kỳ nhạy cảm, nằm cạnh nhiều công trình văn hóa lịch sử nổi tiếng như Hồ Gươm, Tháp Bút, tượng đài Cảm tử,... "là nơi linh thiêng lắng hồn núi sông ngàn năm nên nhận được sự quan tâm của nhiều giới, nhiều người".

    Nhà sử học cho biết, vị trí ga ngầm lúc đầu định đặt hoàn toàn trên đường Đinh Tiên Hoàng. Trong khi đường Đinh Tiên Hoàng do Pháp mở, có một số công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng.

    "Tôi đã phản đối phương án này và đề xuất nhích ga ngầm về phía đền Ngọc Sơn, đồng thời tổ chức các lối lên xuống ở xa ga ngầm" ông Lê Văn Lan cho biết.

    Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch chưa quyết định

    Trao đổi với báo giới, bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho biết: "Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được văn bản của UBND TP.Hà Nội về việc xây ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm. Việc này cũng phải làm đúng quy trình như: Lấy ý kiến của các nhà khoa học, các kiến trúc sư và nhân dân rồi làm hồ sơ hoàn thiện mới được gửi lên Bộ.

    Hồ Gươm là di tích đặc biệt của Quốc gia, vì thế, việc xây tàu điện ngầm như thế nào cũng phải cụ thể ở vị trí nào, địa điểm nào, không thể nói bâng quơ là khu vực Hồ Gươm. Phải xem việc xây dựng này cách xa di tích bao nhiêu, có đảm bảo an toàn cho di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Gươm không?

    Nếu việc xây dựng này mà ảnh hưởng tới vùng 1 của di tích Hồ Gươm là không được. Chúng tôi phải xem hồ sơ, thì mới có những quyết định cụ thể được".

    Theo khảo sát sơ bộ chưa chính thức, nhiều ý kiến cho rằng cần giữ cho Hồ Gươm một không gian yên tĩnh. Có nghĩa, khoảng cách xây dựng nhà cần lùi ra xa thay vì như trong bản thiết kế, bởi theo chuyên môn quy hoạch thì thường sẽ không bao giờ cho đi thẳng vào điểm vốn dĩ nhạy cảm.

    Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng cần có sự đồng bộ hơn, tức là có sự phối hợp giữa giao thông và sử dụng đất hiện nay. Giao thông có thể trình lên 1 dự án độc lập, không thông qua ý kiến của các chuyên gia về quy hoạch. Cũng như việc có một con đường mới, sẽ tạo ra giá trị mới ở xung quanh 2 con đường.

    Tuy nhiên, khi có một đề xuất mới về giao thông đi qua một đô thị thì việc rất quan trọng là nghiên cứu tác động xã hội, sau đó có chiến lược để đồng tiền nhà nước được đầu tư hiệu quả.

    Hoàng Giang (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xay-ga-tau-dien-ngam-canh-ho-guom-nguoi-dan-chuyen-gia-noi-gi-a222081.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan