+Aa-
    Zalo

    Người thi hành công vụ gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Trong dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi) nêu rõ, việc phục hồi danh dự cho người bị oan sai phải tổ chức trực tiếp, công khai....

    (ĐSPL) – Trong dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi) nêu rõ, việc phục hồi danh dự cho người bị oan sai phải tổ chức trực tiếp, công khai và đăng báo xin lỗi một cách chi tiết. Đồng thời, trong mọi trường hợp, người thi hành công vụ gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường.

    Trên đây là những điểm mới trong dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi) được Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp, ông Đỗ Đức Hiển cho biết trong cuộc họp báo công tác tư pháp quý III năm 2016, tổ chức tại Hà Nội.

    Theo ông Đỗ Đức Hiển, dự thảo Luật TNBTCNN (sửa đổi) gồm 9 chương, 78 điều, có nhiều quy định được đề nghị thay đổi theo hướng có lợi cho người được bồi thường.

    Ông Đỗ Đức Hiển - Chánh văn phòng Bộ Tư pháp. Ảnh: Zing.vn

    Cụ thể, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho hay, dự thảo luật trên đã đã kế thừa và sửa đổi các quy định của Luật TNBTCNN năm 2009, bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự... nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của các bộ luật trong hệ thống luật pháp Việt Nam.

    Dự thảo Luật TNBTCNN cũng bổ sung, sửa chữa một số quy định về cơ quan giải quyết bồi thường theo hướng làm rõ hơn cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Bên cạnh đó, dự thảo Luật TNBTCNN quy định nguyên tắc chung xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án và quy định cụ thể cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.

    Các quy định này góp phần khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết bồi thường, hạn chế tình trạng không xác định được cơ quan giải quyết bồi thườn. Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động giải quyết bồi thường của các cơ quan nhà nước, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.

    Về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, dự thảo quy định theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc giải quyết bồi thường, khắc phục tình trạng việc giải quyết bồi thường kéo dài, chậm cấp phát kinh phí bồi thường. Theo đó, dự thảo Luật TNBTCNN (sửa đổi) quy định trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết bồi thường tại cơ quan giải quyết bồi thường (giảm từ 125 ngày xuống còn trên 50 ngày).

    Đặc biệt, đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường có yêu cầu tạm ứng kinh phí bồi thường thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm thực hiện việc tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền bồi thường có thể tính được ngay cho người bị thiệt hại. Theo Chánh văn phòng Bộ Tư pháp, đây là điểm rất mới, có lợi cho người được bồi thường.

    Dự thảo Luật TNBTCNN (sửa đổi) bổ sung quy định về việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại theo hướng quy định cụ thể hình thức tiến hành phục hồi danh dự, thủ tục, thời hạn thực hiện tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo xin lỗi. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng tổ chức xin lỗi, cải chính công khai qua loa, chiếu lệ, không thống nhất.

    Theo ông Đỗ Đức Hiển, về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả, dự thảo Luật TNBTCNN (sửa đổi) quy định Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để kịp thời chi trả, tạm ứng trước (nếu xác định được thiệt hại), khắc phục tình trạng quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật nhưng người bị thiệt hại phải đợi lâu mới nhận được tiền bồi thường, quy định cụ thể kinh phí bồi thường ở Trung ương và địa phương.

    Dự thảo đã sửa đổi quy định về nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại theo hướng trong mọi trường hợp đều phải hoàn trả. Quy định cụ thể việc xác định mức hoàn trả căn cứ vào lỗi, mức độ lỗi, số tiền Nhà nước đã bồi thường. Đặc biệt, Dự thảo đã quy định tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại.

    Hà Cường
    Nguồn: Người đưa tin

    Video đang được xem nhiều nhất:

    [mecloud]fAdBOTz1ri[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-thi-hanh-cong-vu-gay-thiet-hai-phai-co-trach-nhiem-boi-thuong-a166452.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan