Theo Straits Times, sau vài ngày bị đau dữ dội trong miệng, Toh Yi Lin đã đến Trung tâm Nha khoa Quốc gia Singapore (NDCS) kiểm tra. Tại đây, nha sĩ kết luận nguyên nhân dẫn đến cơn đau có thể là do một chiếc răng khôn bị lệch và mọc ngầm.
Kiểm tra kỹ lưỡng hơn, nha sĩ phát hiện 3 chiếc răng khôn khác của Toh Yi Lin cũng bị ảnh hưởng. Người phụ nữ được chỉ định làm phẫu thuật gây mê toàn thân để loại bỏ cả 4 chiếc răng. Tuy nhiên, Toh Yi Lin qua đời không lâu sau ca phẫu thuật.
Ngày 30/9, nhân viên điều tra Kamala Ponnampalam kết luận cái chết của Toh Yi Lin là sự cố y khoa không may. Nguyên nhân tử vong được xác nhận là tương đồng với chứng tăng thân nhiệt ác tính – phản ứng nghiêm trong đe dọa tính mạng với một số tác nhân gây mê được sử dụng trong quá trình gây mê toàn thân.
Tài liệu của tòa án cho biết người phụ nữ này có tiền sử mỡ máu cao và được kiểm soát bằng thuốc. Toh Yi Lin không bị dị ứng với thuốc, đã trải qua 2 ca phẫu thuật vào năm 2011 và 2013 với phương pháp gây mê toàn thân. Cô hoàn toàn không gặp biến chứng nào sau hai cuộc phẫu thuật.
Ngày 8/5/2019, Toh Yi Lin đã đến NDCS để phẫu thuật nha khoa. Thời điểm đó, tình trạng trung và các dấu hiệu sinh tồn của cô được đánh giá là ổn. Trước ca phẫu thuật, người phụ nữ trải qua một cuộc đánh giá với bác sĩ Diana Chan Xin Hui – nhà tư vấn tại SingHealth. Sau đó, cô đồng ý tiến hành gây mê toàn thân và được đưa tới phòng mổ.
Sau khi các dấu hiệu sinh tồn của Toh Yi Lin một lần nữa được đánh giá là bình thường, bác sĩ Diana đã tiến hành gây mê, rồi đặt nội khí quản qua đường mũi cho người bệnh – một quy trình tiêu chuẩn của phẫu thuật nha khoa.
Ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ trong 90 phút đầu tiên nhưng trước khi ca mổ kết thúc, nồng độ carbon dioxide (CO2) trong máu của Toh Yi Lin tăng nhẹ. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn sau phẫu thuật và độ bão hòa oxy của người phụ nữ cũng được ghi nhận giảm. Ngay lập tức, cô được thở oxy, tạm thời cải thiện tình trạng.
Mặc dù đã ngừng truyền khí gây mê nhưng Toh Yi Lin vẫn không tỉnh lại. Cô sốt cao tới 42 độ C, phải chườm đá và truyền paracetamol vào tĩnh mạch. Sau đó, người phụ nữ được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Singapore. Tuy được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng cô qua đời vào khoảng 13h30 cùng ngày.
Trong cuộc điều tra, gia đình Toh Yi Lin đặt ra câu hỏi về việc kiểm tra trước khi phẫu thuật và tầm soát nguy cơ tăng thân nhiệt ác tính.
Theo bác sĩ Jody Hong – nhân viên của NDCS, người xem xét tình hình của bệnh nhân trước khi phẫu thuật, bà đã nói với người bệnh và mẹ cô rằng có thể lựa chọn gây tê cục bộ hoặc toàn thân khi phẫu thuật. Sau khi thảo luận với mẹ về các phương án, Toh Yi Lin quyết định nhổ bỏ cả 4 chiếc răng khôn bằng phương pháp gây mê toàn thân.
Trong khi đó, bác sĩ Diana chia sẻ, chỉ số nghi ngờ về nguy cơ tăng thân nhiệt ác tính của Toh Yi Lin được xác định là thấp. Lý do là vì Toh Yi Lin không gặp bất cứ phản ứng phụ nào trong các ca phẫu thuật trước đó, thêm nữa, gia đình cô cũng không có tiền sử phản ứng nghiêm trọng với thuốc gây mê.
Bác sĩ Diana cho biết thêm, chứng tăng thân nhiệt ác tính là một tình trạng di truyền rất hiếm gặp, tỷ lệ mắc ở người phương Tây là 1/50.000 người, đối với người châu Á thì càng hiếm hơn. Tuy hiếm gặp nhưng tỷ lệ tử vong cao do mức độ nghiêm trọng của phản ứng với các chất gây mê.
Một chuyên gia y tế độc lập nhận thấy phản ứng đối với các biến chứng phát sinh vào ca phẫu thuật là phù hợp. Thông thường nếu người bệnh hoặc người nhà có phản ứng bất lợi trước đó cho thấy chứng tăng thân nhiệt ác tính, các xét nghiệm chuyên khoa sẽ được khuyến nghị.
Tuy nhiên, do bệnh hiếm gặp và chi phí xét nghiệm cao, người bệnh sẽ không được làm xét nghiệm này nếu họ hoặc bất kỳ thành viên nào trong gia đình không có tiền sử phản ứng bất lợi với thuốc gây mê.
Chuyên gia lưu ý rằng, Toh Yi Lin đã được hỏi về phản ứng của cô và các thành viên trong gia đình với thuốc gây mê trước đây và bác sĩ Diana đã thực hiện quy trình kiểm tra đúng.
Đinh Kim(Theo Straits Times)