Vào thời điểm giao mùa, nguy cơ bị đột quỵ cao hơn, nhất là ở những người già yếu hoặc mắc bệnh tim mạch, tiểu đường.
Chuyển mùa là sự giao thời giữa nóng và lạnh, khô và ẩm, mưa và nắng là quy luật tất nhiên khi chuyển cuối thu sang đầu đông. Nhiệt độ đột ngột khiến cho cơ thể không kịp thích nghi, các mạch máu bị co lại, dẫn đến huyết áp tăng nhanh và bị đột quỵ.
Không những thế, nhiệt độ lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu. Khi đó lượng enzyme tiêu hủy sợi huyết giảm, lòng mạch bị thu hẹp, máu hay bị vón cục và lưu lượng máu qua não giảm, dẫn đến tai biến.
Đột quỵ là bệnh có liên quan trực tiếp đến lưu lượng máu chảy qua não, bệnh đột quỵ được coi là nguyên nhân tử vong hàng thứ hai trên thế giới sau ung thư và đứng hàng đầu về tàn phế ở người trưởng thành. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh đột quỵ đối với người có bệnh lý tim mạch là rất quan trọng, nhất là khi thời tiết giao mùa.
Người Nhật luôn có ý thức chủ động chăm sóc sức khỏe, biết cách dự phòng tốt, từ đó nâng cao chất lượng sống và theo đuổi mục tiêu sống khỏe. Do đó, dưới đây là một số biện pháp người Nhật chăm sóc sức khỏe phòng bệnh đột quỵ khi thời tiết giao mùa.
Cung cấp nhiều chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh có thể giúp giảm cholesterol gây hại và giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Omega-3 - một loại chất béo tốt cho cơ thể, chất béo lành mạnh này có thể làm giảm chất béo trung tính trong máu, từ đó giảm thiểu các bệnh béo phì, tim mạch. Thực phẩm giàu chất béo tốt bao gồm các loại hạt, dầu cá, ô-liu và trái bơ.
Tăng cường thịt trắng trong các bữa ăn thay vì lạm dụng ăn thịt đỏ cũng là một trong những bí quyết bảo vệ sức khỏe của người Nhật; Đậu nành được dùng trong rất nhiều món ăn ở Nhật Bản, đậu nành có nhiều amino axit, sắt, canxi, protein và nhiều vi chất khác rất tốt để phòng bệnh; Natto - Món ăn được làm từ đậu nành lên men rất tốt cho sức khỏe được đa số người Nhật tin dùng.
Nhiều người Nhật tin rằng, ăn sáng bằng natto là cách tốt nhất để dồi dào sinh lực cho cả ngày, tốt cho sức khỏe, ngăn chặn việc hình thành cục máu đông, nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tai biến, đột quỵ.
Hạn chế uống rượu
Nhiều người cho rằng uống rượu vào thời gian này sẽ ấm bụng tuy nhiên mùa đông, khi uống rượu chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm, dẫn tới tăng huyết áp, nhịp tim, tăng lưu lượng máu và làm giảm độ kết dính của máu.
Thay đổi nếp sống
Hãy cố gắng duy trì đời sống tình cảm tâm lý ổn định, tránh những xúc động hay chấn thương quá mức. Việc làm này không những giúp cơ thể khỏe mạnh, lưu thông, tuần hoàn tốt mà còn giảm hẳn stress và các bệnh về tâm lý nên cũng giảm tải áp lực cho não.
Luyện tập thể dục đều đặn
Một chương trình tập thể dục toàn diện, bao gồm cả bài tập sức mạnh, bài tập cốt lõi, kéo giãn cơ thể cũng như cường độ cao... sẽ giúp tuần hoàn máu trong cơ thể thuận lợi hơn, nhịp tim ổn định, nhờ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch dẫn đến đột quỵ.
Tuân thủ rất tốt việc lựa chọn thực phẩm theo mùa
Vào mùa xuân và mùa hạ, thân nhiệt nóng hơn, họ sẽ ăn rau xanh nhiều hơn. Nhưng vào mùa thu và mùa đông, khi cơ thể cần nhiều năng lượng để tỏa nhiệt ấm áp, người Nhật sẽ bổ sung nhiều thịt, cá, các thực phẩm chứa protein để có một cơ thể khỏe mạnh, chống chọi lại thời tiết giao mùa hay cái lạnh buốt mùa đông.
Với người Nhật, ăn cũng là nghệ thuật cân bằng dinh dưỡng, mang đến chất lượng cuộc sống tốt. Chú trọng ăn nhiều ăn rau củ vì chúng rất giàu chất chống ôxy hoá, vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe như bông cải xanh, giá đỗ, bắp cải,…
Để tăng cường vitamin và khoáng chất, người Nhật không thể thiếu rong biển trong các món ăn; Không ăn quá no, không uống quá chén; duy trì chế độ ăn nhạt, tránh ăn đồ ăn quá mặn là những nguyên tắc luôn được áp dụng để tránh nguy cơ mắc huyết áp, tim mạch.
Đa số người Nhật đều có sở thích tắm nước nóng để giúp cải thiện lưu thông máu, thư giãn cơ thể và giảm căng thẳng; Uống trà đạo là một trong những nét truyền thống nổi tiếng của người Nhật.
Họ thường uống trà mỗi ngày vì trong trà xanh và trà đen có chứa nhiều chất chống ôxy hóa, ngăn chặn ung thư, chống lão hóa, làm giảm cholesterol, ngừa béo phì.
Thăm khám sức khỏe định kỳ
Bạn nên đi khám ít nhất 1-2 lần 1 năm để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những nguy cơ gây đột quỵ.
Nguyễn Hà(T/h)