+Aa-
    Zalo

    Người lính nổ quả bộc phá đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đúng 17h ngày 13/3/1954, nhận được lệnh, anh lính Hoàng Minh Châu ngày ấy đã nhanh chóng lao lên quãng đường 30m tiếp cận hàng rào đặt ống bộc phá giật nụ xòe, mặc cho mưa bom, bão đạn của quân thù ào ào tấn công...

    Đúng 17h ngày 13/3/1954, nhận được lệnh, anh lính Hoàng Minh Châu ngày ấy đã nhanh chóng lao lên quãng đường 30m tiếp cận hàng rào đặt ống bộc phá giật nụ xòe, mặc cho mưa bom, bão đạn của quân thù ào ào tấn công...

    Những người lính Điện Biên ngày ấy bây giờ đều đã ngoài 80 tuổi. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trôi qua 6 thập kỷ nhưng mỗi lần nhắc lại quá khứ hào hùng ấy, các cựu chiến minh lại thấy tươi mới như vừa mới hôm qua.

    Cụ Hoàng Minh Châu, ở xã Hoằng Lương, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) nay tuổi đã cao, mang nhiều căn bệnh do di chứng từ chiến tranh để lại, sức khỏe yếu, đôi tai đã không còn nghe rõ, đôi mắt cũng mờ, trí nhớ cũng bị đứt quãng, nhưng vẫn bừng tỉnh khi nhắc lại ký ức về Điện Biên. Cụ bảo: "Thời gian có thể khiến tôi quên đi điều gì đó, chứ riêng những kỷ niệm về Điện Biên thì quên làm sao được". Rồi cụ lật đật mở chiếc hòm cũ kỹ, bên trong với những tấm hình chân dung những người đồng đội. Cụ đưa tay chỉ rồi đọc tên từng người một. Một đôi lần cụ lặng đi, trầm ngâm trước hình ảnh người lính đã hy sinh. Với cụ, đó là báu vật của cuộc đời.

    Người lính nổ quả bộc phá đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên

    Cụ Châu ngậm ngùi khi nhắc về đồng đội của mình người còn người đã hy sinh. Ảnh: N.T

    Cụ còn nhớ ngày xin được đi đánh giặc, cụ phải năn nỉ cán bộ mãi mới được đi. Lúc đó, cụ bảo nhà neo người, mẹ lại mất sớm, bản thân cụ không đầy 40 kg nên cán bộ không cho đi nhưng cụ nói với cán bộ “thằng Tây nó đánh nhân dân mình, thanh niên chúng tôi có sức khỏe thì phải đi mà trả thù cho dân chứ”. Được đi đánh giặc cụ mừng lắm, cụ bảo ngày đó gầy vì đói ăn nhưng được cái khỏe và nhanh lắm.

    Vào bộ đội, được biên chế về Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 142, Đại đoàn 312 (sau đổi thành Sư đoàn 312), bắt đầu tham gia nhiều trận đánh ở vùng Tây Bắc. Cụ Châu được tham gia liên tiếp các trận đánh. Trận đầu tiên là chiến dịch Hòa Bình sau đến chiến dịch Tây Bắc cho đến tháng 2/1954, cụ Châu được tăng cường về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và giữ chức vụ tiểu đội trưởng.

    Trước khi trận đánh diễn ra, cụ cùng đồng đội của mình ngày đêm đào hầm pháo, giao thông hào. Trên trời, địch ngày đêm thả bom bắn phá. Gian khổ là vậy những mỗi bữa ăn, mỗi người lính cũng chỉ được một bát cơm nếp chấm với muối tiêu. “Ngày đó ăn đói, mặc rét nhưng hình như sống trong cái khổ người ta quen đi hay sao mà anh em vẫn lạc quan, động viên nhau và tin vào ngày chiến thắng”, cụ Châu tâm sự.

    Người lính nổ quả bộc phá đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên

    Người lính Hoàng Minh Châu hồi còn trẻ. Ảnh: N.T

    Thực hiện lệnh chiến đấu của trên, đại đoàn cùng một số đơn vị bộ đội chủ lực nhận nhiệm vụ trong đợt tiến công thứ nhất là tiêu diệt cả 3 trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo, phá vỡ thế trận phòng ngự từ Tây Bắc sang Đông Bắc tập đoàn cứ điểm, đánh chiếm các vị trí vành ngoài, tạo điều kiện để ta thắt chặt vòng vây và tiến công vào khu trung tâm.

    Vào một ngày giữa tháng 2/1954, đồng chí Trần Độ, Chính ủy sư đoàn trực tiếp xuống đơn vị tôi giao nhiệm vụ đánh chiếm đồn Him Lam, mở màn chiến dịch. Khi đó, đơn vị tôi được chọn làm nhiệm vụ quan trọng là đánh những quả bộc phá đầu tiên mở hàng rào đột phá khẩu. Đồng chí Trần Độ có nói về tầm quan trọng của người đánh quả bộc phá đầu tiên rằng “trận chiến thắng hay bại là do những ốc bộc phá đầu tiên của các đồng chí quyết định”.

    Nhận biết được tầm quan trọng của nhiệm vụ, tôi cùng cán bộ trong tiểu đội trực tiếp đi trinh sát địa hình, nghiên cứu hướng. Cuối cùng tôi nhận mình sẽ chịu trách nhiệm sẽ đánh bộc phá đầu tiên”.

    Nhấp chén trà cụ kể tiếp “6 thập kỷ rồi, nhanh thật nhưng cái cảm giác nhận nhiệm vụ cao cả ấy giờ tôi vẫn còn thấy nhớ như in. Vừa lo lắng, hồi hộp, tất cả cảm xúc lẫn lộn khiến tôi không chợp mắt được, đêm nằm vẫn tự nhủ mình phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, mình phải làm được. Dù có chết cũng phải quyết tâm làm cho được...”.

    Đúng 17h ngày 13/3/1954, nhận được lệnh, anh lính Hoàng Minh Châu ngày ấy đã nhanh chóng lao lên quãng đường 30m tiếp cận hàng rào đặt ống bộc phá giật nụ xòe mặc cho mưa bom, bão đạn của quân thù ào ào tấn công.

    Người lính nổ quả bộc phá đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên

    Người lính già năm xưa sống vui vẻ bên vợ và con cháu. Ảnh: N.T

    Quả bộc phá đầu tiên nổ giòn giã, một đồng đội của cụ Châu tiếp tục lao lên, nhưng chưa đến nơi thì bị dính đạn của địch, không chần chừ, cụ Châu nhanh chóng giật ống bộc phá từ tay đồng đội tiếp tục lao lên ném quả bộc phá thứ 2. Một tiếng nổ đanh thép đã phá tung hàng rào của địch chừng 5m. Quay lại nơi đồng đội của mình bị thương, cụ vừa dìu đồng đội vừa băng tạm vết thương cho họ thì bị một mảnh đạn của địch găm vào hông. Vết thương khá nặng khiến cụ phải nghỉ mất một thời gian.

    Chỉ vào nơi mảnh đạn găm vào cụ bảo, nó găm vào tận xương nên sau này về cứ trái gió trở trời là đau không đi được. “Tiếc là tôi bị thương nên nghỉ mất mấy trận đánh sau đó, nhưng vẫn mừng vì mình đã hoàn thành được nhiệm vụ ném thành công những quả bộc phá đầu tiên mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi biết tin trận đó ta thắng lớn, đồn Him Lam cùng với đồn Độc Lập đã do ta kiểm soát, tôi mừng quá nhảy cẫng lên hô to: hoan hô Bác Hồ, hoan hô Tướng Giáp, quên cả cả đau đớn”, ánh mắt cụ Châu sáng rực lên niềm tự hào.

    Sau lần bị thương đó, cụ nghỉ cho đến trận đánh cuối cùng. “Vết thương chưa hoàn toàn được lành nhưng vì nằm một chỗ sốt ruột nên tôi xin được tham gia. Sáng ngày 7/5, anh em trong đơn vị đã chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công. Thế nhưng không ngờ, đến khoảng 4h chiều cùng ngày thì chúng kéo cờ trắng ra đầu hàng. Nhân dân ta vui sướng quá reo hò vang vọng cả núi rừng Điện Biên”.

    Sau trận đánh ở Điện Biên Phủ, cụ được tặng Huân chương chiến sĩ hạng nhất và được bầu làm chiến sĩ thi đua của sư đoàn. Những năm sau này theo yêu cầu của cách mạng miền Nam, cụ lại được điều vào quân khu 8... Gần 30 năm cống hiến cho cách mạng, lặn lội trên khắp các chiến trường từ Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên đến quân khu 4, giới tuyến, quân khu 8, sang cả nước bạn Lào, Campuchia, cụ trở về quê với cấp bậc Đại úy.

    Do ảnh hưởng của chiến tranh khiến tuổi già cụ càng mang nhiều căn bệnh, thế nhưng cụ vẫn luôn tự hào và hạnh phúc vì được cống hiến sức mình cho Đảng, cho cách mạng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-linh-no-qua-boc-pha-dau-tien-mo-man-chien-dich-dien-bien-a31406.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan