(ĐSPL) - Có lẽ trong lịch sử pháo binh thế giới tự cổ chí kim, chưa có một người nào có thể tự vận hành 1 khẩu sơn pháo 75 ly bắn hạ pháo 105 ly trong chiến trường đầy lửa đạn như anh hùng Phùng Văn Khầu (Sơn Lộc, Sơn Tây, Hà Nội) trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đã 60 năm trôi qua, trong ký ức người anh hùng ấy, khoảnh khắc làm nên lịch sử đó sẽ mãi không quên.
Chiến công đầu tiên của anh nuôi mù chữ
Sinh năm 1929 trong một gia đình nghèo người dân tộc Nùng, mẹ đã mất sớm, 3 tuổi ông phải đi ở nhờ, đến năm 16 tuổi ông bỏ nhà đi theo Việt Minh. Tuy tuổi nhỏ nhưng nhờ thông minh sáng dạ nên ông được biên chế vào binh chủng pháo binh.
Những ngày đầu, do thể trạng gầy yếu không thể vác voi (cách gọi của bộ đội ta về pháo), ông được biên chế làm anh nuôi. Tuy nhiên, do không biết chữ, anh nuôi Khầu khi đó đã sáng tạo ra cách chi tiêu độc nhất vô nhị là tính tiền bằng các viên sỏi.
Anh chia sỏi theo mệnh giá đồng tiền, loại to giá trị 1 đồng; loại vừa 5 hào, những viên nhỏ nhất có giá trị 5 xu. Cách tính độc nhất vô nhị này đã làm lợi cho đơn vị 200 đồng tiền Đông Dương. Sau chiến công đó anh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, anh nuôi Khầu được cấp trên chuyển hẳn về làm một chiến sỹ pháo thủ, trung đoàn sơn pháo 675, vị trí pháo thủ số 2. Vị trí pháo thủ số 2 cũng đã đặt anh Khầu vào một tình huống khó xử bởi anh không biết chữ nên không thể sử dụng được máy ngắm.
Cũng do đặc thù sơn pháo 75 là tầm bắn gần, do vậy anh quyết định ngắm bắn trực tiếp qua nòng súng. Có lẽ đây là cách sáng tạo độc đáo nhất trong lịch sử pháo binh Việt Nam. Đặc biệt, cách ngắm bắn này vô cùng chính xác.
|
Anh hùng, Đại tá Phùng Văn Khầu giản dị giữa đời thường. |
Ký ức E1 và giọt nước mắt làm nên kỳ tích
Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, Đại đội Sơn pháo 755 của Phùng Văn Khầu vẫn đang đóng quân tại Đồn Vàng (Phú Thọ). Sau khi quân ta giành thắng lợi đợt 1, ngày 14/3/1954, Đại đội 755 nhận lệnh tiến thẳng vào chiến dịch.
Trong những ngày đầu tham gia chiến dich, đơn vị của Phùng Văn Khầu được giao nhiệm vụ bắn phá cứ điểm đồi E1. Trước giờ khai hỏa, cấp trên lệnh cho Trung đội của ông với 30 quả đạn pháo phải tiêu diệt 4 lô cốt địch trên đồi E1, mở đường cho bộ binh xông lên chiếm lĩnh trận địa.
Trong Trung đội ai cũng hiểu quân ta còn rất khó khăn, nhất định phải bắn cho thật hiệu quả. Tuy nhiên, do bộ đội ta lúc đó trình độ văn hóa còn kém, hầu như không ai biết sử dụng máy ngắm. Sau loạt đạn đầu không hiệu quả, anh pháo thủ Phùng Văn Khầu như đứng trên đống lửa.
Ngay sau đó, Phùng Văn Khầu đã áp dụng việc ngắm trực tiếp từ nòng pháo đến lô cốt địch, hướng nòng pháo dưới mép lỗ châu mai của địch. Ầm! một tiếng nổ rung lên, loạt đạn thứ 2 chui tọt vào lỗ châu mai địch. Tất cả mọi người sung sướng reo lên. Áp dụng cách bắn của anh, tất cả 22 quả đạn tiếp theo của ta đã hạ gục 4 lô cốt kiên cố trên đồi E1, ngay sau trận đánh, Phùng Văn Khầu được nhận huy hiệu của Bác Hồ.
Sau chiến công đánh chiếm đồi E1, đơn vị của Phùng Văn Khầu lại tiếp tục được giao nhiệm vụ "cõng voi" lên phòng ngự đồi E1. Đây có lẽ là nhiệm vụ đặc biệt nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi lần đầu tiên pháo binh được giao nhiệm vụ phòng ngự 1 cứ điểm. 36 ngày đêm chiến cuộc ác liệt, hầu hết các đồng đội của ông đều hy sinh và bị thương.
|
Sơn pháo 75 mm tiêu diệt 5 khẩu pháo của địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự VN (Ảnh: thanhnien.com.vn).
|
Ngày 24/4/1954 khi bộ binh ta đánh vào cắt đứt sân bay Mường Thanh, quân Pháp đã dùng 2 tiểu đoàn bộ binh, xe tăng, pháo binh, phòng không hòng đánh đuổi bộ binh ta ra khỏi sân bay nhưng chúng đã thất bại thảm hại, người chiến binh xưa tự hào nhớ lại.
Trong trận ngày hôm đó, 2 khẩu sơn pháo trong đại đội đều bị quân Pháp bắn hỏng, các chiến sỹ bị thương và hy sinh gần hết. Đơn vị 755 chỉ duy nhất khẩu đội Phùng Văn Khầu là còn chiến đấu được. Tuy nhiên, do địch tăng cường xe tăng và súng máy nên khẩu đội của ông cũng bị trúng đạn, nhiều đồng đội bị thương, chỉ còn lại Phùng Văn Khầu và khẩu đội phó Lý Văn Pao.
Trong lúc khẩu đội phó Lý Văn Pao đưa đồng đội xuống trạm cứu thương thì Phùng Văn Khầu ở lại chiến đấu. Thông thường, để điều khiển một khẩu sơn pháo cần có 7 người, nhưng lo sợ khẩu pháo còn lại sẽ bị đạn địch bắn trúng, Phùng Văn Khầu quyết định một mình tiếp tục chiến đấu.
Cựu chiến binh Phùng Văn Khầu nhớ lại: "Một mình tôi với khẩu pháo không biết bắn thế nào, cũng chưa hề được dạy bắn pháo một mình. Bởi pháo binh phải có 7 người, cả khẩu đội trưởng mới bắn được. Trong lúc hoảng sợ, cộng với sự non nớt của tuổi trẻ, tôi đã khóc xót thương đồng đội. Thế nhưng, đang khóc tự nhiên nhìn xuống ngực đeo huy hiệu của Bác Hồ. Nhớ lời kêu gọi của Bác "Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm", nghĩ trong tay có khẩu sơn pháo, tại sao không làm được. Vậy là một mình tôi làm nhiệm vu của 7 ngườiồ, ngắm bắn chính xác, tiệu diệt nhiều mục tiêu quan trọng của địch.
Chỉ tính riêng thời gian phòng ngự ở đồi E1, với một khẩu pháo 75 ly, Phùng Văn Khầu đã bắn, phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm lính địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu thắng lợi.
|
Trong cuộc sống thường nhật, gia đình ông Phùng Văn Khầu luôn là gia đình văn hóa tiêu biểu. |
Anh hùng giữa đời thường
Hơn 40 năm cuộc đời binh nghiệp, anh hùng, Đại tá Phùng Văn Khầu đã trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong thời bình, ông là người đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực ở địa phương. Đặc biệt là từ năm 1986, ông được về nghỉ hưu tại khu phố 8, phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây (Hà Tây cũ).
Thấy việc làm chướng tai gai mắt của một số cán bộ địa phương, ông Khầu quyết định tham gia trận chiến đấu mới này. Trong số hàng chục vụ tiêu cực điển hình mà người hùng Phùng Văn Khầu trực tiếp "phá án", có hai vụ nổi đình đám được dư luận cả nước biết đến.
Đó là vụ một số cán bộ xã C, thị xã Sơn Tây từ năm 2002 - 2004 lợi dụng quyền hạn đã cho thuê và xác nhận trái phép quyền sử dụng hơn 300.000m2 đất, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng; Vụ chính quyền sở tại lén lút cho người quen thuê hàng nghìn mét vuông đất mặt phố với giá rẻ gần như cho, khi ấy ông và một số người quyết liệt đấu tranh, buộc chính quyền phải đưa ra đấu giá, thu về cho ngân sách 16 tỷ đồng...
Cụ bà Hà Thị Cay, vợ ông Khầu, là Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1955 cho biết, những năm chiến tranh, ông Khầu cứ đi biền biệt. Về hưu, ông ấy thường "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", đấu tranh với các tệ nạn, tiêu cực ở địa phương.
Giờ đây, khi đã rời xa chiến cuộc Điện Biên Phủ 60 năm, anh hùng, Đại tá Phùng Văn Khầu vẫn luôn tự hào về cuộc đời binh lửa của mình và đồng đội. Những giọt nước mắt giữa trận chiến năm xưa nay đã biến thành nụ cười, nụ cười chiến thắng vẫn vẹn nguyên sau 60 năm.
Anh hùng từ trong đạn lửa
Đồi E1 nằm trong cụm (Dominique), là một trong 5 cao điểm phòng lực phía đông, thuộc phân khu trung tâm, có nhiệm vụ ngăn chặn quân ta tấn công ở hướng Đông-Bắc vào Điện Biên Phủ. Vì vậy, thực dân Pháp coi đồi E1 là vị trí chiến lược bảo vệ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Do vậy, chúng tìm cách giữ bằng được cao điểm quan trọng này.
Vào đúng 17h ngày 30/3/1954 đợt tấn công thứ hai của bộ đội ta vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Pháo ta tập kích dữ dội bắn đồng loạt vào dãy đồi phía Đông, trong đó có Đồi E1. Trận chiến diễn ra tại cao điểm đồi E1 hết sức quyết liệt, pháo của ta liên tục nã vào các vị trí chiến lược của thực dân Pháp trên đồi E1.
Sau 1h45’ xung phong áp đảo quân địch, bộ đội ta chiếm toàn bộ cứ điểm. Bị mất E1, địch dồn mọi nỗ lực hòng chiếm lại ngọn đồi này. Hỏa lực của chúng vô cùng mạnh khiến quân ta thương vong nhiều. Nhưng cũng chính trong trận chiến ác liệt này đã xuất hiện gương chiến đấu anh hùng Phùng Văn Khầu.
Sau hơn 20 ngày đêm chiến đấu một mất, một còn với địch ta đã giải phóng đồi E1, làm bàn đạp cho bộ đội tấn công và tiêu diệt các cứ điểm tiếp theo, góp phần vào thắng lợi chung của toàn chiến dịch, tiến tới tổng công kích giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-dien-bien-nu-cuoi-cua-chien-binh-mot-minh-ban-son-phao-a29103.html