Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết trên Dân trí, để chủ động phát hiện, ngăn ngừa từ sớm, từ xa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đổi mới.
Cùng với đó, kết hợp thanh tra truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả, chất lượng, giảm nhân lực, thời gian thanh tra, kiểm tra.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng với thời gian dài; kiểm tra chuyên đề, đột xuất các cơ sở khám chữa bệnh có tỷ lệ chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cao, gia tăng chi phí bất hợp lý.
Đặc biệt, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm pháp luật đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 18,42 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi; 14,8 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, diện bao phủ bảo hiểm y tế tiếp tục phát triển bền vững với gần 93,63 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ 93,35%.
Trong 9 tháng đầu năm, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, lần lượt đạt trên 19,02 triệu người (tăng 9,9%); 93,45 triệu người (tăng 2,18%); 15,31 triệu người (tăng 8,02%).
Theo VnEconomy, cũng trong 9 tháng đầu năm nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu truy thu tiền đóng của 5.746 lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa tham gia với số tiền 25,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng yêu cầu truy thu tiền đóng của 21.376 lao động đóng thiếu thời gian với số tiền là 59 tỷ đồng.
Đến hết ngày 30/9, tổng số tiền chậm đóng các đơn vị được thanh tra kiểm tra đã nộp theo kiến nghị là 991,7 tỷ đồng. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính về đóng bảo hiểm xã hội đã nộp Ngân sách Nhà nước là 15,2 tỷ đồng.