(ĐSPL) - Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết sẽ lấy ý kiến người dân về phương án kiến trúc của nhà ga hành khách - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Báo Vnexpress dẫn lời ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, đơn vị này sẽ tổ chức lấy ý kiến người dân về phương án kiến trúc nhà ga hành khách, sân bay Long Thành tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, Hà Nội. Thời gian lấy ý kiến từ 28/11 đến 12/12.
Sau đó, ACV tiếp tục lấy ý kiến người dân tại Đà Nẵng (16-25/12), Đồng Nai (28/12-11/1/2017) và tại TP HCM (13/1-23/1/2017).
Theo ông Bình, Ban tổ chức sẽ trưng bày 9 mô hình nhà ga hành khách để người dân góp ý. Trong phiếu trưng cầu có nội dung "bạn thích phương án thiết kế nào nhất, tại sao và các ý kiến góp ý chỉnh sửa"...
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành dự kiến được khởi công vào năm 2019 - Ảnh: báo Dân trí |
Theo báo Dân trí, cùng đó, ACV sẽ gửi phương án kiến trúc và lấy ý kiến của các hội nghề nghiệp như Hội kiến trúc sư, Hội quy hoạch đô thị, Tổng hội xây dựng, Hội khoa học kỹ thuật hàng không; đăng tải trên trang web của Bộ Giao thông vận tải để nhận ý kiến đóng góp của người dân cả nước.
Được biết, ngày 18/10, Hội đồng đánh giá xếp hạng phương án kiến trúc Nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã chọn được 3 đồ án thiết kế đạt yêu cầu trong tổng số 9 đồ án tham gia thi tuyển.
Trước đó, Hội Kiến trúc sư đã bày tỏ ý kiến về yêu cầu mà ACV đưa ra trong thể lệ dự thi giải thưởng kiến trúc nhà ga hành khách sân bay Long Thành và cho rằng giá trị giải thưởng 15.000 giải Nhất, 12.000 USD giải Nhì và 10.000 USD giải Ba của ACV là quá thấp so với kinh phí đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và chưa tương xứng với lao động sáng tạo của kiến trúc sư.
Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến khởi công vào năm 2019 tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Công trình có diện tích 5.000 ha. Dự án chia thành 3 giai đoạn với khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn một gần 8 tỷ USD, tương đương gần 165.000 tỷ đồng.
Điều 3 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP Nguyên tắc đầu tư phát triển đô thị: 1. Bảo đảm phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia, tuân thủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, kế hoạch triển khai khu vực phát triển đô thị, pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan. 2. Bảo đảm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan trong đô thị, gắn với an ninh quốc phòng. 3. Bảo đảm khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai nhằm mục tiêu phát triển bền vững. 4. Tạo ra môi trường sống tốt cho cư dân đô thị; bảo đảm lợi ích của cộng đồng hài hoà với lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư. 5. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử hiện có. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
LINH CHI (Tổng hợp)
Xem thêm video tại đây:
[mecloud]lMhfNjeA5z[/mecloud]