Xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã có điện lưới quốc gia, nhưng do địa hình đồi núi, dân cư phân bố không đồng đều nên một số nơi chưa có đường dây trung và hạ thế. Để có điện sử dụng, người dân phải bỏ tiền tự kéo đường dây tạm bợ từ xóm khác về nhà. Nhiều người lo sợ chập điện, nhất là trong mùa mưa bão.
Hò nhau đi gỡ dây điện ngày mưa
Sau những ngày mưa bão, người dân xóm Tân Bình và Đồng Lau (xã Đồng Văn) lại hối hả ra dựng lại cột điện tự chế vừa mới bị sập. Chị Đặng Thị Vân (SN 1982, xóm Tân Bình) ngán ngẩm chia sẻ, từ nhà ra đến trạm điện gần nhất cũng phải mấy cây số, cần hơn chục cột, tốn không biết bao nhiêu tiền.
Trước, gia đình chờ hỗ trợ của Nhà nước nên đã ra xóm bên cạnh xin mắc tạm bằng loại dây rẻ tiền, rồi dùng gỗ, tre chống đỡ. Nhưng hơn 10 năm trôi qua vẫn không thấy cơ quan nào lắp điện cho dân, vì vậy gia đình mới quyết định bỏ tiền túi ra để làm cột kiên cố. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện làm như gia đình chị Vân, rất nhiều nhà vẫn phải dùng cọc tre chống dây điện.
Theo thống kê, xóm Tân Bình có 97 hộ sử dụng hệ thống đường dây, cột tự kéo không an toàn; xóm Đồng Lau là 67 hộ, 3 hộ vẫn chưa có điện sử dụng. Biết nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác. Hôm nào trời mưa là cả xóm phải gọi nhau ngắt cầu dao và gỡ dây điện.
Ảnh minh họa |
Anh Nguyễn Văn Hoàng, trú xóm Đồng Lau chia sẻ với PV: “Nhà nào may mắn ở gần cũng phải mất ít nhất 5 triệu đồng, còn nhà nào xa thì 9 – 10 triệu tiền cọc điện, dây điện. Trong khi người dân ở đây chỉ sống bằng nghề nông, lại là vùng khó khăn 135 thì lấy tiền đâu mà kéo điện về”.
“Sống trong sợ hãi” đến bao giờ?
Trao đổi với PV, ông Phan Đức Quang, Chủ tịch xã Đồng Văn xác nhận có sự việc trên. Chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị ngành điện khảo sát, có kế hoạch đầu tư xây dựng đường dây hạ thế tại xóm Tân Bình và Đồng Lau nhưng đến nay, kiến nghị này vẫn không được ngành điện lực đáp ứng.
“Chúng tôi đã gửi văn bản cho UBND huyện và Điện lực huyện Tân Kỳ nhiều lần rồi, trong nhiều cuộc họp với đại biểu Quốc hội chúng tôi cũng đã đề đạt yêu cầu này, thế nhưng vẫn không có kết quả. Kinh phí của xã cũng không có nên không thể giúp người dân làm cọc bê tông được. Điều đáng lo là mùa mưa bão đang đến, người dân thì vi phạm hành lang lưới điện, bây giờ chưa xảy ra việc gì nhưng nếu không kịp thời khắc phục, rất dễ xảy ra tai nạn bị điện giật”, ông Quang lo lắng.
Liên quan đến việc này, ông Trần Đình Tú, Giám đốc Điện lực huyện Tân Kỳ cho biết, có nhiều nguyên nhân chưa thể xây dựng đường dây tại các xóm này. Trong đó quan trọng nhất là không có nguồn vốn.
“Chúng tôi rất ủng hộ người dân, rất muốn mọi người có điện sử dụng an toàn. Nhưng ở xã Đồng Văn chỉ có một hệ thống điện ở trục ngoài đường chính, bây giờ cần phải có vài tỷ đồng thì mới xây dựng được hệ thống trung áp đi sâu vào từng các xóm. Số tiền này điện lực huyện Tân Kỳ không thể có để làm được”, ông Tú nói.
Việc người dân sử dụng cọc tre tạm bợ kéo điện về sử dụng, điện lực Tân Kỳ cũng biết.
Tuy nhiên, không có cách nào khác để khắc phục ngoài việc vận động người dân kéo dây cao để đảm bảo an toàn. Ông Giám đốc cho biết thêm: “Những nơi nào thuộc quản lý của ngành điện lực chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, tu bổ, bảo dưỡng, đảm bảo điện cho người dân. Những nơi chưa có kế hoạch đầu tư như một số xóm ở xã Đồng Văn, chúng tôi đã lập dự án trình lên xin cấp trên phê duyệt”.
Theo ông Tú, sau khi trình lên công ty Điện lực Nghệ An, dự kiến giai đoạn 2017 - 2020 sẽ nâng cấp nguồn điện cho người dân. Nhà nước sẽ đầu tư cho mỗi hộ 1 công tơ riêng, còn các hộ dân phải mua dây đúng tiêu chuẩn đảm bảo an toàn.
Anh Ngọc