Chúng tôi vừa đồng hành cùng nhóm từ thiện Cánh Én tiền trạm tới xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai để tìm hiểu về cuộc sống của các em.
Sàng Ma Sáo là một xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của Lào Cai. Khí hậu rất khắc nghiệt, về mùa mưa thường xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Mùa hanh thì hạn hán kéo dài, còn mùa đông thường xảy ra rét đậm rét hại, mưa mù kéo dài và nhiệt độ thường xuyên thấp dưới 6 độ C.
Ẩn sâu trong vẻ đẹp bất tận của mảnh đất vùng cao Sàng Ma Sáo là sự khó khăn, thiếu thốn của thầy cô và học sinh trên hành trình truyền trao con chữ. |
Sàng Ma Sáo theo tiếng Mông có nghĩa là dãy núi Mào Gà. Đây chính là tên bản người Mông nằm heo hút dưới chân núi, nơi địa hình được chia cắt rất mạnh với nhiều vực sâu, tạo thành những thung lũng được bao bọc bởi các ngọn núi cao hùng vĩ. Là một trong những địa phương khó khăn nhất huyện Bát Xát, nguồn thu nhập chính của người dân địa phương chủ yếu dựa vào việc làm nương rẫy.
Những điểm trường bản được dựng lên “kiên cố” để có chỗ cho các em đi học, toàn bộ các điểm trường mầm non, tiểu học tại các bản đều chưa có điện. |
Để đến được các điểm bản, con đường mà chúng tôi bám núi còn cao hơn cả những đám mây mù bao quanh, không khí dần loãng hơn, tai mọi người trong đoàn bắt đầu ù dần. Đúng là có đi mới có hiểu, mà có hiểu rồi mới có thương... ngoài các điểm trường chính mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được xây dựng cơ bản và có điện lưới thì hiện nay 10 điểm trường tiểu học và 9 điểm trường mầm non ở các bản đều chưa có điện sinh hoạt tối thiểu, đời sống của các cô giáo cắm bản và học sinh vùng cao nơi đây vô cùng khó khăn và thiếu thốn, nhất là khi trời tối.
Những đứa trẻ đi học mang theo củi đến điểm trường chính để “góp củi”. Khoản học phí cần phải đóng góp để đến trường. |
Đưa chúng tôi đi thực nghiệm về đời sống và điều kiện sinh hoạt, học tập của các em, cô giáo Hoa người dân tộc Dáy là giáo viên mầm non cắm bản ở Nậm Pẻn 1 tâm sự: “Chúng em bỏ cuộc thì học sinh biết dựa vào ai...? Trong hoàn cảnh khó khăn, chúng em không hề sờn lòng nản chí mà vẫn từng bước khắc phục, sớm ổn định để mang đến cho các em học sinh một môi trường giáo dục tốt nhất…”. Những lời bộc bạch bằng sự nhiệt huyết xuất phát từ những người trẻ vùng cao làm công tác giáo dục khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng và vô cùng xúc động.
Ước mơ được đến lớp mỗi ngày vì ngày mai tươi sáng hơn. |
Khi được hỏi, điều gì cô giáo mong muốn nhất khi được đoàn từ thiện giúp đỡ? Cô Hoa trả lời “Chúng em muốn có điện các anh chị ạ”. Ở Nậm Pẻn 1 và Ki Quan San là 2 bản gần với trung tâm xã nhất khi chỉ cách điểm trường chính 6 km. Còn đối với các bản xa hơn như Trà Phà, Nhìu Cù San, Tung Quan Lìn.. thì thật khó có thể tưởng tượng.
Những khó khăn, thiếu thốn của cô trò vùng cao luôn hiện hữu là thế hàng nhiều năm nay...
Những tấm chăn ấm đắp không thành hình. Nhưng với các em, có mà giữ ấm còn hơn không. |
Chia sẻ với chúng tôi, anh Khả Anh - Đại diện Nhóm từ thiện Cánh Én cho biết, sau khi tiếp xúc và trải nghiệm thực tế để tìm hiểu đời sống của học sinh vùng cao và các cô giáo mầm non, tiểu học đang cắm bản ở Sàng Ma Sáo. Nhóm sẽ trở về và lên kế hoạch hỗ trợ theo từng giai đoạn trong khoản thời gian ngắn nhất để trước khi thời tiết khắc nghiệt của mùa đông về. Hy vọng rằng qua sự giúp đỡ nhỏ bé đó của nhóm sẽ giúp các học sinh và thầy cô giáo ấm lòng hơn, vui hơn khi đến trường.
Những tấm lòng, những con người tuy cách xa về khoảng cách địa lý nhưng rất gần gũi và đồng điệu về tâm hồn giữa màn sương dày đặc, giá lạnh nơi vùng cao Tây Bắc.
Đầu tháng 10/2017 Quỹ từ thiện Cánh Én sẽ hỗ trợ lắp đặt 20 tấm Pin năng lượng mặt trời để “thắp sáng” 20 điểm trường mầm non, tiểu học giúp các giáo viên điểm bản có điện sinh hoạt tối thiểu. Hỗ trợ và lắp đặt tối thiểu 1.000m đường ống nước để kéo nước từ suối về một số điểm trường mầm non xa suối chưa có nước sinh hoạt. Trong khoảng thời gian từ ngày 24/11 đến 26/11/2017 sẽ tổ chức chương trình “Cánh Én Chở Ước Mơ” trao tặng trực tiếp 1.400 chiếc áo ấm ở độ tuổi học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở xã Sàng Ma Sáo và các nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, dụng cụ học tập cho đến với các học sinh vùng cao nơi đây. |