Người bố dũng cảm tên Lin (40 tuổi) - doanh nhân người Singapore.
Theo lời kể của Lin, anh đưa vợ và 2 con đi xem một xưởng sản xuất mới của mình tại thành phố Johor Bahru (Malaysia). Ban đầu anh nghĩ đây sẽ là trải nghiệm thú vị cho các con nhưng không ngờ đó lại là một ngày kinh hoàng với gia đình mình.
Khoảng 19h30, ngày 12/12, khi cả gia đình đến xưởng sản xuất, anh Lin và vợ vào trong tòa nhà để xem xét, còn cậu con trai 7 tuổi, con gái 12 tuổi chơi ở bên ngoài.
Qua hình ảnh trích xuất camera cho thấy, trong khi 2 chị em đang chơi ở vỉa hè thì một chiếc xe sedan màu vàng cát dừng lại bên đường. Hai người đàn ông bước ra khỏi xe, 1 người đi về phía cậu bé rồi bế cậu lên xe rất nhanh.
Cô chị gái 12 tuổi chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Nhưng khi xe vừa phóng đi, bé gái vội chạy vào báo với bố mẹ.
"Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng con gái kêu cứu. Ngay lập tức, tôi lao ra ngoài và thấy con trai không còn ở đó nữa", Lin kể.
Anh vội vàng lái xe của mình đuổi theo chiếc xe của kẻ bắt cóc được con gái mô tả là không có biển số. Một lúc sau, Lin đuổi kịp chiếc xe và lái lên phía trước để chặn đầu. Những kẻ bắt cóc cố tình đâm vào đuôi xe của Lin. Anh vội lao ra khỏi xe, cố gắng mở cửa của chúng nhưng các cửa đều đã bị khóa.
Không giữ được bình tĩnh, anh dùng tay đấm vỡ cửa kính xe và thấy con trai 7 tuổi đang bị 3 kẻ lạ mặt khống chế. Những kẻ bắt cóc lùi xe để chạy trốn nhưng Lin đã bám chặt vào cánh cửa không buông. Anh bị chiếc xe lôi đi trên đường, xây xước nhiều chỗ trên mặt, tay chân và bị gãy 2 chiếc răng.
Sau đó, Lin quay lại xe của mình và tiếp tục đuổi theo bọn bắt cóc nhưng bị mất dấu sau khi chiếc xe này rẽ ở chỗ cột đèn giao thông. Cuối cùng, anh tìm thấy chiếc xe bị bỏ lại bên đường, cách cột đèn giao thông này khoảng 3km. Bên trong xe là cậu con trai 7 tuổi của anh.
Lin chia sẻ với tờ Mothership rằng may mắn thay, con trai anh bình an vô sự và không bị thương.
Sau khi cứu được con trai, Lin đã đến đồn cảnh sát ở Johor Bahru để trình báo. Hình ảnh từ camera ghi lại cho thấy những kẻ bắt cóc đã rình rập ở gần nhà anh từ trước, đợi thời cơ mới hành động.
Theo điều tra, kẻ chủ mưu trong vụ bắt cóc chính là đối tác làm ăn của anh Lin. Lin cho biết, họ không hề có tranh chấp gì trước đó và anh tin rằng kẻ này chỉ thực hiện phi vụ bắt cóc vì tiền. 3 kẻ bắt cóc và chiếc xe chính là được hắn thuê.
Ít ngày sau đó, cảnh sát Malaysia đã bắt được kẻ chủ mưu, song 3 người đàn ông kia vẫn đang lẩn trốn.
Khi trở về Singapore, anh Lin cũng tới đồn cảnh sát ở Ang Mo Kio South để trình báo.
"Tôi muốn công khai vụ việc này để những kẻ liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bởi rõ ràng đây là vụ việc có tính toán rất kỹ", anh Lin chia sẻ đồng thời cho biết đang băn khoăn về việc có nên tiếp tục đầu tư làm ăn ở Malaysia nữa hay không.
Từ câu chuyện của gia đình anh Lin cho thấy, việc dạy trẻ kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc và cách đối phó khi gặp tình huống này là điều cần thiết mà bố mẹ nào cũng cần phải làm.
Một số kỹ năng bạn có thể dạy con:
Không bắt chuyện với người lạ
Đây cũng là kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc đầu tiên và quan trọng nhất, mục đích là ngăn sự tiếp xúc giữa trẻ và kẻ bắt cóc. Hãy dặn con bạn nếu có người lạ tìm đến và cố bắt chuyện khi con ở một mình, hãy chạy ngay đi tìm cha mẹ hoặc tới chỗ đông người để tìm những người đáng tin cậy như nhân viên cửa hàng, bảo vệ tòa nhà, cảnh sát hoặc người qua đường để xin sự giúp đỡ.
Không nhận quà từ người lạ
Để dụ dỗ một đứa trẻ đi theo mình, kẻ bắt cóc thường dùng quà như đồ chơi, đồ ăn để thu hút trẻ, sau đó hứa hẹn sẽ cho những món quà lớn hơn, đáng mơ ước hơn nếu trẻ đi theo chúng. Sau khi dụ được trẻ đến chỗ vắng vẻ, chúng sẽ thực hiện hành vi bắt có. Vì vậy, cha mẹ nên dạy con tuyệt đối không nhận quà từ người lạ, nói với trẻ rằng bất kỳ món quà nào được người lạ trao khi không có bố mẹ, người thân bên cạnh thì đều vì mục đích xấu.
Giữ khoảng cách 3m với người lạ
Để tránh tình huống kẻ bắt cóc dùng thuốc mê hay "thuật thôi miên" - những cách chỉ có thể áp dụng ở khoảng cách gần, khiến trẻ dù biết đó là kẻ xấu cũng không có khả năng phản kháng, cha mẹ cần dặn con giữ khoảng cách với người lạ, tốt nhất là khoảng 3 mét. Nếu người lạ cố gắng tiến lại gần, hãy chạy thật nhanh tới chỗ đông người để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Nhiều kẻ bắt cóc khi không dụ dỗ được trẻ thì xoay sang đánh vào lòng tốt của các em như nhờ xách đồ hộ mình, hay nhờ dẫn đường để trẻ đi theo chúng. Hãy giúp con bạn ghi nhớ rằng khi có người lạ nhờ những việc đó, nên khéo léo từ chối; có thể tìm người lớn khác đến giúp nếu người đó thật sự cần giúp đỡ, tuyệt đối không đi theo người lạ.
Không cho người lạ vào nhà
Đây là kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc cơ bản mà mọi đứa trẻ đều phải biết. Những lúc người lớn đi vắng, nhiều tên bắt cóc mạo nhận là người quen của gia đình, thợ sửa đồ, nhân viên thu tiền dịch vụ…. để dụ dỗ trẻ mở cửa. Do đó bạn cần dặn trẻ nếu ở nhà một mình tuyệt đối không được đến gần, tiếp chuyện hay mở cửa cho người lạ. Khi có ai đó ở ngoài gọi vào, hãy đứng ở khoảng cách xa và nói vọng ra. Nếu kẻ xấu cố tìm mọi cách để vào nhà, trẻ cần hô hoán và gọi ngay 113 để báo công an, sau đó gọi cho cha mẹ.
Không "chat" với người lạ
Nhiều trẻ tiếp xúc sớm với internet và bị kẻ xấu dụ dỗ qua kênh này. Trẻ có thể kết bạn qua mạng với kẻ xấu mà không biết. Chúng thường lợi dụng thông tin trẻ đăng tải trên mạng để khéo léo tiếp cận, làm quen rồi dụ gặp mặt bên ngoài. Vì vậy tốt nhất cha mẹ hạn chế con sử dụng các thiết bị điện tử, trẻ còn nhỏ không được mở tài khoản mạng xã hội, trẻ lớn hơn nếu được phép dùng mạng xã hội cũng cần có sự kiểm soát và không đăng công khai thông tin cá nhân, không kết bạn hay trò chuyện với người lạ.
Nhớ số điện thoại của bố mẹ
Số điện thoại của bố mẹ giúp trẻ cầu cứu khi bị lạc hay đang bị kẻ xấu tìm cách tiếp cận. Đây là con số mà trẻ phải học thuộc lòng.
Đeo đồng hồ có định vị
Chiếc đồng hồ thông minh có tính năng định vị sẽ giúp bố mẹ, cơ quan chức năng xác định được vị trí của trẻ chừng nào kẻ xấu chưa phát hiện và vô hiệu hóa nó. Bạn có thể sắm cho con một chiếc có thiết kế không bắt mắt để ít bị kẻ xấu chú ý.
Dạy con cách đối phó với kẻ bắt cóc
Trong trường hợp cảm thấy kẻ đang tiếp cận mình chính là kẻ xấu, đang có ý định bắt cóc, con bạn cần đối phó theo những cách sau.
Hét lên
Cha mẹ hãy dặn trẻ rằng trong tình huống nguy hiểm khi kẻ xấu đang tiếp cận hoặc bị chúng kéo đi, bị dàn dựng kịch bản để công khai bắt cóc, hãy hét lên thật to, thu hút sự chú ý của người đi đường. Có những khi kẻ bắt cóc giả danh người thân để kéo, bế trẻ đi, khiến người ngoài ngại can thiệp. Trong trường hợp này, trẻ cần hét to nói rõ đó không phải bố cháu, mẹ hay ông bà cháu, buộc kẻ xấu phải e ngại và người ngoài mạnh dan can thiệp.
Chống trả bằng thể lực
Ngoài việc gào thét kêu cứu, trẻ cũng nên phản kháng bằng thể lực như cào, cắn, đá. Nhiều kẻ bắt bóc vì bị cắn đau mà đã phải buông nạn nhân ra, khiến đứa trẻ có cơ hội bỏ chạy.
Ngoài ra, việc chống trả, tấn công này cũng là thông điệp để những người xung quang đó nghi ngờ rằng kẻ đó không phải thân nhân đứa trẻ và đang thực hiện hành vi bắt cóc, họ sẽ để ý và can thiệp. Tên bắt cóc nhiều khi chịu buông tha đứa trẻ khi bị cắn, đá không phải vì quá đau mà vì biết mình đã gây chú ý, nên đành bỏ cuộc.
Thùy Dung(T/h)