Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời lãnh đạo Ban quản lý (BQL) Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống cho biết, điều tra và giám sát đa dạng sinh học là yêu cầu bắt buộc trong các hoạt động bảo tồn, đặc biệt tại các Khu Bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.
Việc sử dụng bẫy ảnh và thiết bị ghi âm tự động để ghi lại hình ảnh, âm thanh của các loài động vật hoang dã giúp nâng cao chất lượng thông tin đầu vào.
"Kết quả từ phương pháp này rất tích cực trong công tác điều tra và giám sát đa dạng sinh học tại khu vực. Đây là phương pháp điều tra hiện đại hiệu quả, đặc biệt đối với các loài có quần thể nhỏ, quý hiếm, những khu vực có địa hình hiểm trở, khó tiếp cận. Phương pháp này hoạt động bằng cách ghi lại hình ảnh của động vật khi chúng đi vào khu vực cảm biến hồng ngoại, kích hoạt mạch điện để máy ảnh tự động chụp", lãnh đạo BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống cho biết.
Các thiết bị này có khả năng tự động ghi lại hình ảnh của tất cả các loài động vật có trọng lượng lớn hơn 500g khi di chuyển trước cảm biến của bẫy ảnh. Vì vậy, rất phù hợp để giám sát về đặc điểm của các loài động vật có vú hoang dã, các loài chim lớn sống trên mặt đất, đặc biệt những loài khó theo dõi.
Kết quả từ việc sử dụng bẫy ảnh của BQL ghi nhận sự xuất hiện của nhiều loài động vật, trong đó có các loài quý hiếm như các loài thú móng guốc, gà tiền mặt vàng, gà lôi trắng, rùa núi viền, chim Đớp ruồi xanh gáy đen và khỉ cộc (khỉ mặt đỏ)…. Trong số đó, gà lôi trắng và gà tiền mặt vàng là những loài quý hiếm cần được bảo tồn.
Vẻ đẹp tuyệt mỹ của những loài vật quý hiếm tưởng tuyệt chủng được phát hiện ở Nghệ An qua các hình ảnh:
Ảnh: Sức khỏe & Đời sống, VietNamPlus, Gia đình & Xã hội