+Aa-
    Zalo

    Nghĩa tình đồng đội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng cứ đến ngày giỗ đồng đội, những cựu binh Trường Sa lại quây quần, sum họp bên nhau.

    Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng cứ đến ngày giỗ đồng đội, những cựu binh Trường Sa lại quây quần, sum họp bên nhau.

    Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày kỷ niệm sự kiện Gạc Ma (14/3), những cựu binh Trường Sa ở 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đều tổ chức giỗ cho 2 liệt sĩ quê Phú Yên, đã hy sinh trong “vòng tròn bất tử” ở Gạc Ma năm 1988. Đó là liệt sĩ Trương Văn Thịnh, phường 9, TP Tuy Hòa (Phú Yên) và liệt sĩ Phan Tấn Dư (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa (Phú Yên). Ngày giỗ anh Thịnh, thường được tổ chức vào ngày 11/3, còn giỗ anh Dư là ngày 13/3.

    Mấy hôm nay, anh Đào Thái Thi, trưởng Ban Liên lạc Cựu binh Trường Sa ở Phú Yên, cứ chạy ngược chạy xuôi, hết nhà liệt sĩ Trương Văn Thịnh lại đến nhà liệt sĩ Phan Tấn Dư để chuẩn bị ngày giỗ cho 2 anh. Cuộc trò chuyện với anh liên tục bị ngắt quãng, bởi các cuộc điện thoại của đồng đội gọi đến hỏi thăm, nói gửi ít quà lo đám giỗ. “Anh em chúng tôi là vậy, có gì góp nấy để lo đám giỗ cho đồng đội. Có đứa nghèo quá không góp được gì, chỉ đến thắp nén nhang nhưng cũng thấy ấm áp rồi”, anh Thi bộc bạch.

    Có mặt tại đám giỗ liệt sĩ Dư, chúng tôi thấy một thương binh lúi húi hết lau bàn thờ, dâng trái cây lại ôm di ảnh anh Dư ra ngắm. Đó là cựu binh Nguyễn Văn Dũng. Trước giỗ anh Dư 4 ngày, anh gửi lại cái quán nhỏ trên đường Trần Phú (TP Nha Trang) cho người quen trông coi để ra Tuy Hòa lo giỗ cho anh Thịnh và anh Dư. Dũng là bạn thân anh Dư, ở cùng đơn vị thông tin của Lữ đoàn 146, đóng tại Cam Ranh ngày ấy. “Lẽ ra, đi chuyến đó là tôi chứ không phải Dư. Chiều trước ngày lên đường, thủ trưởng gọi tôi lên, tôi dõng dạc nói đã sẵn sàng. Nhưng cái giọng khàn đặc vì viêm họng của tôi đã bị thủ trưởng phát hiện. Tôi bị đuổi về phòng và yêu cầu gọi Dư lên. Rồi Dư đi và vĩnh viễn nằm lại ở đảo”, anh Dũng xúc động nói. Xuất ngũ, anh Dũng tìm đến nhà Dư và quỳ sụp dưới chân mẹ Niệm xin làm con nuôi để thay thế đồng đội chăm sóc mẹ.

    Nghĩa tình đồng đội
    Cựu binh Trường Sa thăm hỏi mẹ Lê Thị Niệm. Ảnh: H.A

    Căn nhà nhỏ của 2 liệt sĩ trong ngày giỗ đầy những cựu binh Trường Sa. Những túi trái cây từ vườn nhà, những gói quà nhỏ thể hiện tình đồng đội bày kín cả bàn thờ. “Anh em lại về đông đủ nè Dư! Con về mà chơi với anh em”, nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo của bà Lê Thị Niệm, 86 tuổi, mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư khi thắp hương lên bàn thờ con. Bàn ăn giỗ ở nhà liệt sĩ Thịnh cũng như liệt sĩ Dư bao giờ cũng để trống 2 chỗ với đầy đủ chén đũa, ly cho 2 đồng đội đã hy sinh.

    Năm nào đến ngày giỗ của 2 liệt sĩ Thịnh và Dư, người ta cũng thấy một thương binh chống nạng vì bị mất chân phải, lặng nhìn rất lâu trên bàn thờ. Đấy là thương binh 2/4 Nguyễn Văn Hùng, ở phường 9, TP Tuy Hòa. “Tôi đã mất 2 người bạn thân nhất chỉ trong 1 ngày. Cả 2 thằng đều hiền như cục đất. Vậy mà…”, giọng của người thương binh ấy đứt quãng khi nhắc lại 2 đồng đội cũ.

    Ngày ấy, anh được điều ra đảo Trường Sa Lớn, còn 2 anh Thịnh và Dư lên tàu bảo vệ Gạc Ma. Sau khi bị thương, anh được đưa về đất liền mới nghe tin 2 người bạn của mình đã hy sinh. “Nằm ở bệnh viện, đồng đội kể với tôi rằng lúc ấy Thịnh và Dư  đang ở trên tàu, nhưng khi thấy Gạc Ma bị tấn công, cả hai cùng đồng đội nhảy xuống bảo vệ đảo. Nhưng không ngờ, quân thù tàn ác đã hạ sát đồng đội tôi”, đôi mắt người cựu binh đỏ hoe. Ngày giỗ của liệt sĩ Thịnh, được các cựu binh Trường Sa tổ chức tại nhà của người anh ruột Trương Văn Cảnh. “Sau ngày 14/3/1988, gia đình chỉ nhận giấy báo Thịnh mất tích. Cha tôi không cho giỗ vì ông tin nó sẽ về. Đợi mãi không thấy Thịnh về, tôi lén gia đình đến ngày giỗ cúng nó mâm cơm. Sau này, cha tôi biết nhưng ông không quở mắng, chỉ lặng lẽ khóc. Hơn 5 năm sau gia đình mới có giấy báo tử. Đồng đội Thịnh thành quen, cứ đến đây để làm giỗ”, anh Cảnh cho biết. Nghe tin con mất tích, bà Nguyễn Thị Đảo, ốm liệt giường. Nỗi nhớ con dần rồi nguôi ngoai khi mẹ Đảo luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của bạn bè Thịnh. 

    N.H(theo NLĐ)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghia-tinh-dong-doi-a25484.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Câu chuyện thú vị về ánh điện lấp lánh ở Trường Sa

    Câu chuyện thú vị về ánh điện lấp lánh ở Trường Sa

    (ĐSPL) - Ngày trước, khi nhắc đến Trường Sa, người ta nhớ ngay tới cái nắng, cái gió khắc nghiệt ở vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc. Thì ngày hôm nay đây, cũng cái nắng, cái gió đó nhưng nó đã được chuyển hóa thành năng lượng điện sạch, mang lại cho Trường Sa một diện mạo mới

    Tấm lòng người cựu chiến binh với Trường Sa

    Tấm lòng người cựu chiến binh với Trường Sa

    Đại tá Đỗ Hoài Nam (88 tuổi) nguyên Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) đã ủng hộ "Quỹ vì Trường Sa thân yêu" 50 triệu đồng bằng tiền lương hưu tích cóp, tiết kiệm.