+Aa-
    Zalo

    Nghệ An: Tận diệt cây dược liệu bán cho thương lái Trung Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những ngày vừa qua, tại các huyện Nghệ An lại “sốt” trước tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom dược liệu quý

    Những ngày vừa qua, tại các huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong (Nghệ An) lại “sốt” trước tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom dược liệu chủ yếu lá chua ke.

    Hàng trăm người đổ xô vào rừng, tận diệt loài cây quý này khiến khu dự trữ sinh quyển có vành đai xanh lớn nhất Đông Nam Á (tức Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát) bị đe dọa nghiêm trọng.

    Tận diệt thu mua cây dược liệu

    Từ nhiều tháng qua, có 3 điểm thu gom cây chua ke (một loại cây chứa dược liệu lại có khả năng che chắn, chống xói mòn, sạt lở đất), hoạt động nhộn nhịp ngày đêm, với hàng chục tấn lá chua ke được thu mua mỗi ngày. Một số trọng điểm như: thôn Tiến Thành, xã Chi Khê (huyện Con Cuông), bản Lũng, xã Tam Thái (huyện Tương Dương), bản Hốc, xã Diên Lãm (huyện Quỳ Châu).

    Nghệ An: Tận diệt cây dược liệu bán cho thương lái Trung Quốc

    Tại điểm thu mua lá cây chua ke tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An). Ảnh: P.S – T.K

    Những người đi khai thác và tận diệt loài cây rừng này cho hay: từ đầu tháng 8, khi thương lái Trung Quốc lên đặt vấn đề thu mua lá cây chua ke, người dân không biết họ thu mua làm gì, chỉ biết thương phẩm thu về được họ thu mua, trả tiền ngay và cho xe đến chở đi, đi đâu và để làm gì chẳng ai quan tâm.

    1 kg lá chua ke khô, thương lái mua với giá 7.000 – 8.000 đồng, nếu lá tươi sẽ có giá khoảng 2.000 đồng. Mỗi ngày, một người vào rừng cũng kiếm được 100.000 đồng – 150.000 đồng. Đến nay, sau hơn 4 tháng tận diệt, loài cây này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

    Để khai thác, người dân bản địa phải đi sâu vào rừng từ 4 – 5km. Chủ thu mua Hồng Phiêng ở thôn Tiến Thành, xã Chi Khê kể: trước đây mỗi ngày chị thu mua được khoảng 15 tấn lá chua ke tươi, nay giảm còn khoảng 7 tấn vì nguồn cạn dần, sau đó phơi khô để nhập cho thương lái.

    Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, muốn xử lý nạn khai thác lâm sản phụ đang diễn ra tràn lan ở các huyện miền núi như hiện nay phải chờ nghị định mới ra đời khi đó có thể xử lý; còn Nghị định 99 trước đây không có chế tài để xử phạt nạn khai thác lâm sản phụ. Đây là kẽ hở để đầu nậu về các huyện miền núi thu mua cây dược liệu, dẫn đến nguồn dược liệu quý đang bị cạn kiệt, đe dọa đến sự cân bằng trong môi trường sinh thái rừng.

    Trước đó, cũng tại huyện Anh Sơn và Con Cuông, thương lái đến thu mua cây chè cỏ khiến loài cây này bị triệt hạ không thương tiếc, và chỉ trong thời gian ngắn, loài cây này từ chỗ mọc rất nhiều trong rừng, nay đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt.

    Tại huyện Anh Sơn, chỉ tính riêng một điểm tại xã Đỉnh Sơn, mỗi ngày lượng cây chè cỏ đã được thu mua tại đây ước tính khoảng 20 tấn cây tươi, được thương lái thu mua với giá 800 đồng/kg. Khi chúng tôi hỏi có biết người ta thu mua cây chè cỏ về làm gì không, anh Sơn, người đứng ra thu mua tại xã này nói “hoàn toàn không biết”.

    Kiểm lâm bó tay

    Một cán bộ lâm nghiệp ở Con Cuông cho biết, tình trạng người dân bản địa đổ xô vào vườn quốc gia này để khai thác dược liệu bắt đầu từ khoảng 3 năm trở lại đây. “Ban đầu, bà con khai thác ở vùng đệm, chủ yếu trên nương rẫy, khi nguồn dược liệu cạn dần, không ít người tràn sang khu vực bảo vệ nghiêm ngặt để tìm. Dù kiểm lâm ngày đêm tuần tra nhưng do lực lượng mỏng nên không thể kiểm soát hết người dân địa phương vào rừng đào, chặt. Nhiều loại cây dược liệu, trong đó chủ yếu dây máu chó, hoằng đằng, quả bo bo, củ thiên niên kiện, hạt sa nhân… trước đây mọc khắp nơi, chẳng ai để ý. Nhưng trước sự khai thác ồ ạt của người dân để bán cho thương lái Trung Quốc, những loại cây này đang có nguy cơ bị xóa sổ”.

    Ông Lê Quang Hợp, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Con Cuông cho biết, việc người dân khai thác các loại cây dược liệu trên địa bàn để bán lại cho thương lái diễn ra trong thời gian qua là có thật.

    “Chúng tôi cũng muốn kiềm chế tình trạng này, nhưng về mặt pháp lý, đây là lâm sản phụ, do chưa có chế tài nào xử phạt nạn khai thác loại lâm sản này nên nếu có bắt về cũng phải thả”, Ông Hợp nói. Theo ông, dù biết đây là hiểm họa khó lường, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái nhưng ngành kiểm lâm cũng đành để người dân tận diệt và thương lái tận thu.

    Theo TPO

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-an-tan-diet-cay-duoc-lieu-ban-cho-thuong-lai-trung-quoc-a26419.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.