Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có ngày tri ân thầy cô giáo. Tuy nhiên, quà tặng và hoạt động trong ngày này ở mỗi nước lại khác nhau.
Nga
Ngày Nhà giáo của “xứ sở Bạch Dương” vốn được ấn định vào Chủ nhật đầu tiên của tháng 10 nhưng từ năm 1994, ngày này được tổ chức trùng với ngày Quốc tế giáo viên 5/10. Vào dịp này, các học sinh thường tặng hoa cho giáo viên nhưng rất chú ý tới số lượng hoa.
Theo tập tục, số lượng hoa được tặng sẽ là một số lẻ vì người Nga quan niệm số chẵn chỉ dành khi trong nhà có người mất hoặc đi viếng mộ. Tuy nhiên, người Nga thường tránh tặng 1 bông hoa. Đặc biệt, học sinh sẽ tặng các thầy cô hoa màu trắng vì theo quan niệm của người Nga, màu trắng tượng trưng cho sự trong trắng và thuần khiết.
Thái Lan
Ngày Nhà giáo ở Thái Lan được tổ chức 2 lần, lần đầu tiên vào ngày 16/1 hàng năm và lần thứ hai vào tháng 6 hàng năm nhưng thời gian cụ thể sẽ do các trường tự quyết định, thường là vào thứ Năm. Bởi lẽ, người Thái Lan quan niệm thứ Năm là ngày của trí tuệ vá các giáo viên.
Học sinh Thái Lan quỳ gối, cúi đầu và dâng khay hoa với nến để bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô của mình. |
Trong ngày này, Thủ tướng hoặc một nhà thơ nổi tiếng sẽ tạo ra một châm ngôn cho giáo viên. Các trường học đều cho học sinh nghỉ học, đồng thời tổ chức buổi lễ và văn nghệ chào mừng, thậm chí có trường còn mời các nhà sư tới để cầu nguyện cho các giáo viên. Về phía học sinh, các em sẽ quỳ gối, cúi đầu và dâng khay hoa với nến để bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô của mình.
Mỹ
Ngày thứ Ba trong tuần đầu tiên của tháng 5 được coi là ngày Nhà giáo ở Mỹ. Trong ngày Nhà giáo, học sinh thường sẽ tự tay làm những món quà nhỏ để dành tặng thầy cô giáo của mình. Các giáo viên cũng rất hạnh phúc và cảm động khi nhận được món quà do chính học sinh của mình làm. Với họ, những món quà bỏ tiền ra mua không thể sánh bằng. Trong khi đó, phần lớn các phụ huynh vào ngày này thường gửi lời chúc mừng giáo viên qua email.
Nhật Bản
“Xứ sở hoa anh đào” không có ngày Nhà giáo nhưng người dân nơi đây luôn coi nghề giáo là một nghề thiêng liêng và cao quý. Người Nhật quan điểm các thầy cô giáo đã hy sinh rất nhiều.
Giáo viên ở Nhật có địa vị rất cao. Khi nhìn thấy một người có huy hiệu nhà giáo trên ngực, hành khách sẽ đứng dậy nhường ghế, ngay cả khi hành khách đó đã lớn tuổi. Các cửa hàng và siêu thị đều có sản phẩm giảm giá dành riêng cho giáo viên. Chính bởi vậy, nhiều người thường nói ngày nào ở Nhật cũng là ngày Nhà giáo.
Ấn Độ và Litva
Ngày 5/9 hàng năm được coi là ngày Nhà giáo ở Ấn Độ. Khác với nhiều quốc gia khác, học sinh ở một số trường học sẽ được giao nhiệm vụ thay các giáo viên giảng dạy cho các học sinh lớp dưới.
Ngày 5/9 được chọn làm ngày tôn vinh thầy cô giáo ở Ấn Độ. |
Tương tự như vậy, vào ngày Nhà giáo 5/10, giáo viên ở Litva sẽ không giảng dạy. Thay vào đó, các học sinh cuối cấp sẽ là người đứng lớp và truyền đạt kiến thức cho các em khóa dưới.
Đức
Ngày tôn vinh các giáo viên ở Đức được ấn định vào ngày 12/6 hàng năm, có nhiều hoạt động để bày tỏ sự kính trọng và biết ơn với thầy cô giáo. Giáo viên ở Đức không quá để tâm tới giá trị của món quà, thay vào đó, họ muốn xem thành ý của học sinh.
Trong ngày này, đa số học sinh đều tặng một thanh sô-cô-la cho giáo viên. Dù vậy, các thầy cô giáo vẫn rất vui và sẽ viết thư cám ơn học sinh sau khi nhận được quà.
Hàn Quốc
Người Hàn Quốc chọn ngày 15/5 hàng năm để tri ân các thầy cô giáo. Đây cũng là ngày sinh nhật của vua Sejong, người có công sáng tạo ra bảng chữ cái tiếng Hàn. Vào ngày này, các học sinh thường tự mình làm thiệp và viết lời nhắn đầy ý nghĩa gửi tới các thầy cô. Nếu tặng hoa, học sinh thường chọn hoa cẩm chướng.
Học sinh Hàn Quốc vào ngày Nhà giáo thường tự làm thiệp và viết lời ý nghĩa dành tặng thầy cô. |
Với các trường cao đẳng và đại học có ngân sách dồi dào, nhà trường thường chuẩn bị nhiều tiết mục độc đáo, món ăn hấp dẫn kèm theo giải thưởng cho các giáo viên. Nhiều trường cho giáo viên nghỉ nửa ngày hoặc cả ngày, thậm chí tổ chức các chuyến đi chơi cho giáo viên.
Được biết, Hàn Quốc còn có một lễ rất đặc biệt gọi là “lễ rửa chân”. Trong lễ này, giáo viên sẽ là người rửa chân cho học sinh để tăng cường quan hệ thầy trò.
Đinh Kim(T/h)