(ĐSPL) - Ngày 16/12, Bưu điện Việt Nam chính thức khai trương dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Chiều 7/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng chủ trì buổi họp triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ban hành ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, ngày 16/12, Bưu điện Việt Nam chính thức khai trương dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Người dân chỉ cần đến điểm giao dịch bưu điện gần nhất để nộp hồ sơ và đăng ký nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo địa chỉ yêu cầu.
Hiện Bộ Thông tin và truyền thông, Vụ Bưu chính, Vụ Pháp chế, Bưu điện Việt Nam, Cục Quản lý giá (Bộ tài chính) phối hợp để rà soát, kiến nghị ban hành theo thẩm quyền giá cước và chính sách miễn giảm cước đối với những đối tượng được miễn giảm khi sử dụng dịch vụ.
Theo kế hoạch, đến tháng 6/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổng hợp các ý kiến về biểu giá dịch vụ.
Người dân đến làm thủ tục hành chính “một cửa” điện tử tại Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền, Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) |
Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện là phương thức mới, thuận tiện và đặc biệt đảm bảo độ tin cậy, chính xác, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Infonet cho biết thêm, tại cuộc họp, đại diện Vụ Bưu chính báo cáo những nội dung triển khai Quyết định số 45 mà Bộ TT&TT đã thực hiện, và dự kiến những nội dung cần triển khai trong Quyết định số 45.
Theo đó, dự kiến các nội dung công việc cần triển khai gồm: Thống nhất với Bộ Tư pháp (Cục Kiểm soát thủ tục hành chính), Văn phòng Chính phủ (Vụ Thủ tục hành chính và công vụ) kế hoạch triển khai Quyết định 45;
Thành lập Ban Chỉ đạo của Bộ TT&TT để triển khai Quyết định số 45 với thành phần gồm lãnh đạo Bộ TT&TT làm trưởng ban, và các ủy viên gồm đại diện các đơn vị như Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ...;
Chủ trì xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các quy định về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích (cụ thể là dịch vụ của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam)
Cũng theo Thông tấn xã Việt Nam, với mạng lưới gần 13.000 điểm giao dịch đến tận cấp xã, 40.000 cán bộ công nhân viên, hơn chục triệu người dân đăng ký sử dụng các dịch vụ hành chính công của bưu điện, việc triển khai dịch vụ này sẽ tiết kiệm được hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, việc giao dịch qua dịch vụ bưu chính cũng góp phần giảm thiểu chi phí, áp lực đối với các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Phương thức mới này cũng đồng thời làm giảm cơ hội phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực của một số công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Dịch vụ này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cải cách hành chính công trong thời gian tới.
Tổng hợp