Bối cảnh chung của thị trường dệt may
Cùng với thuỷ sản, dệt may là ngành đóng vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Sau giai đoạn tăng trưởng đầy lạc quan, lĩnh vực xuất khẩu chứng kiến sự chùng xuống kéo dài từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Đây là hệ quả do ảnh hưởng từ hàng loạt yếu tố như xung đột Nga - Ukraine kéo dài, căng thẳng địa chính trị, lạm phát, sức tiêu thụ giảm...
Mặc dù bối cảnh chung của thị trường dệt may và kinh tế thế giới vẫn đặt ra những thách thức cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, nhưng về cuối năm những đơn hàng bắt đầu quay trở lại cho thấy tín hiệu tích cực.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết chưa năm nào Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường như năm nay, tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua thống kê từ Vitas (Hiệp hội Dệt may Việt Nam), 9 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất khẩu 36 loại mặt hàng đi khắp thế giới, trong đó jacket vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với 4,385 tỷ USD, quần áo các loại 3,853 tỷ USD, áo thun 3,85 tỷ USD, sơ mi 1,879 tỷ USD, quần áo trẻ em 1,7 tỷ USD, vải các loại 1,7 tỷ USD… Đặc biệt, mặt hàng Veston đã khôi phục đáng kể trong năm nay.
Dù cuối năm có sự cải thiện, tuy nhiên nhìn lại trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt trên 33 tỷ USD, cả năm nay đạt khoảng hơn 40 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022. Theo đó, bức tranh ngành dệt may trong quý III/2023 rất trầm lắng. 29 các doanh nghiệp ngành dệt may cho thấy chỉ có 3 doanh nghiệp tăng lãi, 8 doanh nghiệp lỗ và 18 doanh nghiệp giảm lãi. Từ đó, thị trường lao động - việc làm dệt may chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tình trạng giảm thu nhập, thậm chí mất việc xuất hiện phổ biến tại hầu hết các doanh nghiệp dệt may.
Bức tranh ngành dệt may trong quý III/2023 trầm lắng
Điển hình nhất là Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn (Mã: GMC) - doanh nghiệp xuất khẩu dệt may ở TPHCM với doanh thu trong quý III/2023, Garmex Sài Gòn chỉ đạt vỏn vẹn 73 triệu đồng doanh thu thuần, giảm đến 99% so với mức 11 tỷ đồng cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế 11 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 5 liên tiếp báo lỗ.
Luỹ kế 9 tháng 2023, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 8,2 tỷ đồng (giảm 97%) và lỗ sau thuế 44,1 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế lên xấp xỉ 66 tỷ đồng. Garmex Sài Gòn hiện không có đơn hàng, do vậy, Công ty đã cân đối lại nhân sự, thu hẹp hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, thực hiện tiết giảm chi phí để giảm thiểu thiệt hại.
Chung số phận lợi nhuận "âm", CTCP Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Mã: GIL) thông báo lỗ 19,7 tỷ đồng trong quý 3 năm nay, giảm hơn 110% so với cùng kỳ là 128,2 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp lỗ tại GIL. Ngoài ra, GIL đã cũng cắt giảm gần 530 lao động trong 9 tháng qua.
Nguyên nhân dẫn đến biến động lợi nhuận, công ty nêu, hoạt động sản xuất quý 3 gặp khó khăn khi đơn hàng sụt giảm khiến doanh thu sụt giảm; đồng thời, hoạt động bất động sản vẫn đang trong quá trình xây dựng hạ tầng, do vậy chi phí cho mảng này tăng mạnh.
Không nối gót thua lỗ như GMC và GIL, nhưng CTCP Everpia (Mã: EVE) lại dẫn đầu nhóm "lao dốc" mạnh nhất khi giảm tới 91% lãi so với cùng kỳ. Lợi nhuận chưa tới 4 tỷ đồng, cụ thể là 3,7 tỷ đồng, đây là mức thấp nhất trong 14 quý trở lại.
CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH) ghi nhận doanh thu giảm 26,7% so với cùng kỳ. Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm đáng kể, lần lượt là 36%, 28,2% nhưng chi phí tài chính lại tăng khoảng 2,5 lần. Kết quả, so với cùng kỳ, lợi nhuận giảm mạnh từ 111,3 tỷ đồng còn 51,2 tỷ đồng. Về mặt nhân sự, so với thời điểm đầu năm, doanh nghiệp có 11.533 lao động sau khi cắt giảm còn 470 người.
Tín hiệu từ 3 "điểm sáng" trong ngành dệt may
"Điểm sáng" xuất hiện tại 3 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng, đa số đều từ việc cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp.
Tổng công ty Việt Thắng – Vicotex (Mã: TVT) có cú bật mạnh khi tăng 160% lợi nhuận trong quý so với cùng, lên gần 2,6 tỷ đồng. Con số này nhờ vào việc doanh nghiệp đã mạnh tay cắt giảm chi phí nhân viên.
Tổng công ty May 10 (Mã: M10) cũng đã giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, cụ thể, chi phí cho nhân viên quản lý và nhân viên bán hàng đã giảm lần lượt 33% và 12,6% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận tăng 27%, đạt gần 32 tỷ đồng, mức cao thứ hai trong lịch sử.
Còn tại Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (Mã: AAT) lợi nhuận tăng trưởng 7,2% dù doanh thu giảm, cán mốc 654,6 tỷ đồng nhờ vào cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp. Trong đó, chi phí tiền lương cho nhân viên giảm 38,5%.
Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ hồi phục trong quý 4 do nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng cao và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, song các dấu hiệu mới chỉ ở biên độ hẹp và còn nhiều thách thức cần đối mặt.