Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Trần Bá Huấn được nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/10, vì vậy, sau khi ông Huấn nghỉ hưu, ban điều hành VDB khuyết vị trí Tổng Giám đốc.
Theo nội dung được đăng tải trên VTC, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định nghỉ hưu theo chế độ đối với một số cán bộ ngành ngân hàng từ đầu tháng 10/2017.
Trong danh sách đó có ông Trần Bá Huấn, Ủy viên hội đồng quản lý, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/10. Sau khi ông Huấn nghỉ hưu, ban điều hành VDB khuyết vị trí tổng giám đốc.
Hiện, VDB có 4 Phó Tổng Giám đốc là các ông: Nguyễn Chi Trang, Đào Văn Chiến, Trần Phú Minh và Đào Quang Trường. VDB vẫn chưa ra quyết định bổ nhiệm ai nắm giữ vị trí thay ông Huấn.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam khuyết ghế Tổng giám đốc từ sau ngày 1/10. Ảnh: báo Chính phủ |
Trước đó, hồi tháng 6, báo Chính phủ đăng tải, theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam là ngân hàng chính sách do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nhằm thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách của Nhà nước và các nhiệm vụ khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam được miễn các loại thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%; được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay tái cấp; được tham gia thị trường liên ngân hàng; tham gia thị trường mở; tổ chức thanh toán nội bộ; cung cấp các dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngoại hối và các dịch vụ ngân hàng khác cho khách hàng; thực hiện hoạt động ngoại hối, tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đối với hoạt động tín dụng chính sách của Nhà nước và các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định của pháp luật, quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và quy định tại Quy chế này.
Còn theo Dân trí, kết quả thanh tra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trong năm 2011 được Thanh tra Chính phủ công bố 10/1/2013, những năm gần đây, ngân hàng này mắc phải một số vi phạm, khuyết điểm.
Cụ thể, năm 2008 - 2010, VDB chưa thực hiện đúng nguyên tắc chỉ huy động các nguồn vốn với lãi suất thị trường để cho vay khi đã sử dụng tối đa các nguồn vốn không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp; chưa có giải pháp chủ động trong việc cân đối giữa huy động vốn, dẫn đến tình trạng vốn đã huy động nhưng chưa sử dụng, còn tồn lớn, khiến việc sử dụng kém hiệu quả, tăng chi phí nghiệp vụ ngân hàng.
VDB cũng ban hành quy định và cho vay thí điểm không đúng thẩm quyền, chưa phù hợp với quy định của Chính phủ. Nợ xấu từ việc cho vay thí điểm hiện còn 238 tỷ đồng và rất khó thu hồi.
Một loạt vi phạm trong cho vay tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu đã khiến nguy cơ mất vốn cao. Trong đó, tháng 6/2011, việc cho vay 35 dự án đóng mới tàu sông, tàu biển đã có tổng dư nợ hơn 2.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, VDB còn cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) vay tiền khi chưa đủ thủ tục quy định chỉ định thầu đối với gói thầu vay vốn; không kiểm tra việc sử dụng vốn vay dẫn tới sai mục đích. Trong 1.000 tỷ đồng tạm ứng từ Kho bạc Nhà nước để giải phóng mặt bằng, Vidifi đã sử dụng hơn 334 tỷ đồng trả nợ vay tại ngân hàng khác để kinh doanh thép...
Cũng theo cơ quan thanh tra, những khuyết điểm, vi phạm và tình trạng nợ xấu tăng cao có nguyên nhân khách quan là khủng hoảng kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế trong nước liên tục từ 2008 đến nay khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng trả nợ cho hệ thống ngân hàng. Nhiều đối tượng cho vay của VDB thuộc vùng khó khăn, thời gian đầu tư của dự án dài, tài sản thế chấp thấp... nên dễ xảy ra rủi ro tín dụng.
(Tổng hợp)