Hàng loạt ngân hàng thương mại bắt đầu nhập cuộc giảm lãi suất; việc điều chỉnh lãi suất diễn ra ở hầu hết các kỳ hạn, trong đó giảm mạnh nhất ở kỳ hạn dài trên 1 năm.
Ngày 19/11, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất với các khoản huy động tiền gửi từ người dân ở nhiều kỳ hạn, sau động thái mới của NHNN.
Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên bằng VND.
Theo đó, ngân hàng điều chỉnh lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,8%/năm. Cùng với đó, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Tương tự, mức lãi suất tối đa của tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô sẽ giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm. Với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng trở lên, NHNN vẫn cho phép các tổ chức tín dụng tự do niêm yết lãi suất tiền gửi trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất sau động thái của NHNN, điều chỉnh mạnh nhất ở kỳ hạn dài trên 1 năm. Ảnh minh họa |
Trước động thái này, ngay sáng 19/11, hàng loạt ngân hàng thương mại bắt đầu nhập cuộc giảm lãi suất.
Việc điều chỉnh lãi suất diễn ra ở hầu hết các kỳ hạn, trong đó giảm mạnh nhất ở kỳ hạn dài trên 1 năm. Cụ thể, Vietcombank giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất với các kỳ hạn 1, 3 và 6 tháng, hiện dao động từ 4,3%/năm đến 5,3%/năm.
MBBank cũng điều chỉnh giảm lãi suất ở hầu hết kỳ hạn 0,1 điểm phần trăm. Trong đó, kỳ hạn 1 tháng ngân hàng giảm xuống còn 4,8%/năm; 6 tháng và 9 tháng giảm xuống 6,4%/năm. Các kỳ hạn dài hơn cũng đều bị giảm lãi suất xuống khoảng 7,2%/năm.
Trước đó, VPBank công bố biểu lãi suất mới, giảm mạnh ở hàng loạt kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của nhà băng này giảm tới 0,4 điểm phần trăm, từ mức 8%/năm trước đó. Đây là mức lãi suất áp dụng cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, 36 tháng, khi gửi từ 5 tỷ trở lên. Ngoài ra, tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại VPBank cũng giảm 0,2 điểm phần trăm, hiện còn 6,95%-7,15%/năm tùy số dư tiền gửi; lãi suất tiền gửi 9 tháng giảm 0,3 điểm %...
Tại VietinBank, lãi suất cao nhất hiện chỉ còn 6,8%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước đó. Mức lãi suất này áp dụng cho các kỳ hạn từ 24 tháng đến trên 36 tháng.
TPBank cũng thay đổi lãi suất huy động, mức lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của ngân hàng này từ 8,6%/năm xuống còn 7,6%/năm. Cụ thể, tại kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cao nhất hiện chỉ còn 7,6%/năm.
Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) giảm tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh; giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi… nông nghiệp.
Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng khác như ACB, Eximbank, ABBank, OCB, SCB, Vietcapitalbank... cũng giảm lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn khác nhau. Mức giảm phổ biến tại các ngân hàng này là từ 0,1-0,4%/năm.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, đại diện một ngân hàng thương mại lớn không tiết lộ nguyên nhân cụ thể khiến ngân hàng phải giảm lãi suất tiền gửi. Tuy nhiên vị này cho biết, đây là xu hướng của thị trường và không chỉ ngân hàng này mà nhiều ngân hàng lớn khác cũng sẽ phải giảm lãi suất.
Đại diện một ngân hàng thương mại khác giải thích, việc hạ lãi suất tiền gửi đợt này có liên quan tới việc mục tiêu giảm lãi suất cho vay của Chính phủ.
Cụ thể, thời gian qua hệ thống ngân hàng đã chứng kiến cuộc đua lãi suất huy động của các ngân hàng nên cơ quan quản lý đã có động thái yêu cầu dừng để tránh lãi suất huy động gây áp lực lên lãi suất cho vay.
Tất cả ngân hàng khác trong hệ thống đều nhận được chỉ đạo giảm lãi suất huy động và phải cân đối trong thời gian tới.
Vũ Đậu(T/h)