Giám đốc NASA Jim Bridenstine cho biết việc Ấn Độ thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh đã tạo ra 400 mảnh vỡ trong quỹ đạo, trong đó có khoảng 60 mảnh lớn.
NASA lên án vụ thử vũ khí chống vệ tinh của Ấn Độ. Ảnh minh hoạ: Space |
Theo đó, động thái của Ấn Độ bị cáo buộc đe dọa các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Cụ thể, tại văn phòng của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), ông Bridenstine đã chỉ trích gay gắt cuộc thử nghiệm của Ấn Độ, nói rằng việc gây ra loại rủi ro này cho con người trong không gian và các hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất thấp là không thể chấp nhận được.
“Đây là điều cực kỳ kinh khủng, không thể chấp nhận được và có nguy cơ đe dọa sự an toàn của các phi hành gia trên ISS”, giám đốc NASA cảnh báo trong cuộc họp được phát trực tiếp trên TV NASA."Và loại hoạt động đó không phù hợp với các chuyến bay vào vũ trụ mà nhân loại tiếp tục tiến hành trong tương lai".
"Chúng tôi (NASA) thậm chí còn bị buộc tội thương mại hóa quỹ đạo Trái Đất thấp nhưng chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm thực hiện nhiều hoạt động trong không gian hơn trước đây với mục đích mang lại lợi ích cho con người, cho dù là nghiên cứu dược phẩm hay in nội tạng người 3D", ông nói thêm. "Tất cả những điều đó đều có nguy cơ bị phá hoại khi những loại sự kiện này xảy ra (dùng vũ khí chống vệ tinh). Bên cạnh đó, khi một quốc gia làm điều đó thì các quốc gia khác cũng cảm thấy như là họ cũng phải làm điều tương tự".
Bridenstine nói rằng NASA đã xác định được 400 mảnh vỡ quỹ đạo từ sự kiện này, bao gồm 60 mảnh lớn có kích thước hơn 10 cm mà cơ quan này có thể theo dõi và 24 mảnh di chuyển qua chiều cao quỹ đạo của trạm vũ trụ. Tính đến tuần trước, cơ quan này cùng với Trung tâm điều hành không gian kết hợp (một bộ phận của Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ), đã ước tính rằng rủi ro đối với ISS đã tăng 44% trong khoảng thời gian 10 ngày.
Hiện quân đội Mỹ theo dõi 23.000 vật thể lớn 10 cm trong không gian, trong đó có khoảng 10.000 mảnh vỡ. Trong số 10.000 mảnh vỡ này có 3.000 vật thể được tạo ra sau cuộc thử nghiệm diệt vệ tinh của Trung Quốc hồi năm 2007 ở độ cao 852 km.
Ngoài ra, ông Bridenstine bổ sung rằng mặc dù có nguy cơ bị đe doạ nhưng các phi hành gia vẫn an toàn và ISS dự kiến sẽ được điều chỉnh nếu cần để tránh các mảnh vỡ.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Space)