Vào mùa mưa bão, dịch bệnh dễ bùng phát và xảy ra nhiều tai nạn thương tích như đuối nước, giật điện,...Do vậy, nắm được những quy tắc cơ bản có thể giúp phần nào tránh được các tai nạn đáng tiếc.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, trong những ngày qua tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200 đến 300 mm, một số nơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh từ 400 đến 600 mm đã gây ngập úng, cô lập một số khu dân cư tại các vùng thấp trũng, ven sông suối.
Vì vậy, để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho bản thân và gia đình, dưới đây là một số kỹ năng giúp xử trí đúng và phòng tránh tai nạn thương tích hay gặp trong mưa lũ.
Không đứng dưới cây to
Các phương tiện không đi vào những tuyến phố có nhiều cây xanh lớn; không dùng điện thoại di động khi đang di chuyển trên đường.
Bên cạnh đó, mưa bão, gió giật thường đi kèm hiện tượng sét, bạn nên nhớ - tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây, tránh các khu vực cao hơn xung quanh. Những loại cây dễ đổ là loại cây có rễ chùm như xà cừ, muồng...
Đuối nước
Trong mùa mưa bão, nước sông, suối, ao, hồ dâng cao, chảy xiết, làm thay đổi dòng chảy bình thường nên người qua lại các khu vực này rất dễ bị tai nạn. Để phòng chống đuối nước, người dân cần lưu ý không đi qua các khu vực ngập nước, nước chảy xiết. Nếu phải vượt qua các khu vực ngập nước phải có phao cứu sinh, đi nhiều người (để tương trợ nhau lúc cần thiết); tại những vùng nguy hiểm phải có biển báo hoặc cử người túc trực để báo cho người dân biết các đoạn nguy hiểm.
Tai nạn điện
Mùa bão, lũ, hệ thống hạ tầng cơ sở, trong đó có hệ thống điện thường bị ảnh hưởng: đứt dây dẫn điện, nghiêng và ngã trụ, cháy nổ các thiết bị điện, nước lũ hoặc sạt lở đất cuốn trôi các trụ điện,… Bên cạnh đó, còn nhiều sự cố như cây ngã vào lưới điện; gió bão cuốn các biển quảng cáo, mái tôn, rơm, rạ vào dây dẫn điện; nước dâng làm ngập và sạt lỡ công trình điện,… gây ra không ít mối hiểm họa, nguy hiểm cho người dân.
Để phòng tai nạn điện trong mùa mưa bão, nhằm đảm bảo tài sản cũng như tính mạng và sức khỏe, người sử dụng điện cần tuân thủ các nguyên tắc sau: không nên máng dây điện trên cành cây, vách lá, mái nhà… dễ gây chạm chập, cháy nổ; không dựng ăng ten, thả diều gần đường dây điện. Không dùng điện để chống trộm, bẫy chuột, rà cá…
Điện có thể giật chết người khi truyền qua nước. Vì vậy, trong mùa mưa lũ, người sử dụng cần kiểm tra hệ thống dây và các thiết bị điện trong nhà, tránh để dột và ẩm ướt ở những nơi có điện; cẩn thận khi dùng máy bơm nước, đèn chiếu sáng ao cá, chuồng trại,…; không đào ao, mương gần cột điện.
Không treo, phơi quần áo hoặc các vật dụng khác trên đường dây dẫn điện. Không dùng ngón tay để thử xem có điện hay không mà phải dùng bút thử điện để thử. Khi xây dựng nhà gần đường dây điện, phải chú ý giữ khoảng cách an toàn và phải che chắn, đảm bảo khi kéo vật liệu lên xuống không vi phạm khoảng cách an toàn điện. Bên cạnh đó, người sử dụng nên thường xuyên kiểm tra dây dẫn từ nhà ra cột điện. Nếu phát hiện có những điểm không đảm bảo an toàn, nên báo ngay cho bên Điện lực.
Đặc biệt, người bị điện giật trong tình trạng hôn mê, ngừng thở, tim ngừng đập vẫn có thể cứu sống nếu được hô hấp nhân tạo đúng cách và kịp thời. Không nên đắp bùn đất hoặc tạt nước vì có thể dẫn đến tử vong
Các tai nạn thương tích
Các thương tích thường gặp trong mùa mưa bão là gãy xương, vết thương phần mềm, các thương tích này thường do nhà đổ, cây ngã đè vào người, thậm chí do té ngã khi sữa chữa nhà ở, chống bão cho nhà ở…
Để phòng chống các thương tích này chúng ta cần chú ý: không đi ra ngoài khi mưa to gió lớn; không trèo lên sửa chữa nhà khi chưa chắc chắn an toàn; chủ động phòng chống bão trước khi bão đổ bộ vào khu vực sinh sống.
Chú ý, khi gặp một nạn nhân nghi ngờ có gãy xương, người sơ cứu nên bình tĩnh, phán đoán xem nạn nhân bị gãy xương ở chi nào, có các thương tổn kèm theo không, có gãy xương, xương hở không và bệnh nhân mê hay tỉnh.
Tuyệt đối không di chuyển bệnh nhân khi chưa được cố định xương gãy. Cần cố định chi gãy theo tư thế cơ năng (chi ở tư thế nào nên cố định ở tư thế đó), không kéo, nắn hay chỉnh sửa tư thế chi; cố định đúng kỹ thuật, bất động được các khớp trên và dưới chỗ gãy một khớp); dùng nẹp đúng cỡ, có chèn gạc hoặc giẻ ở những nơi nẹp ép sát vào da của nạn nhân (tránh xây xát, rách da).
Trong trường hợp nạn nhân mê, cho đầu nghiêng về một bên (để tránh tụt lưỡi lấp đường hô hấp). Sau khi đã cố định được gãy xương, di chuyển nạn nhân nhẹ nhàng đến cơ sở y tế gần nhất đủ điều kiện để điều trị tốt hơn.
Rắn cắn
Rắn cắn thường gặp ở vùng nông thôn, ở những nơi bị ngập lụt, rắn tìm lên các chỗ cao ráo để trốn nên hay gặp người và cắn. Vì vậy, ở các vùng ngập lụt người dân cần chú ý để phòng tai nạn này. Khi bị rắn cắn thì nhanh chóng buộc ga rô trên vết cắn 1-1,5cm và đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Sập hố ga
Tình trạng hố ga mất nắp hiện này cũng đang là mối quan nguy hiểm rình rập khi mùa mưa bão về. Đường phố ngập trắng nước, người tham gia giao thông không biết đâu là đường, đâu là hố ga để tránh.
Có lẽ để tránh được những nguy hiểm đang rình dập trên, biện pháp an toàn nhất là mọi người nên hạn chế ra đường trong mùa mưa bão ngập lụt này.
Nguyễn Hà(T/h)