Theo Thông tư 02/2017 của bộ Y tế, từ 1/10, tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM (gồm 322 trạm y tế tại các phường, xã, 70 bệnh viện và trung tâm Y tế) đồng loạt áp dụng giá viện phí mới dành cho người không có thẻ bảo hiểm y tế. Theo đó, người khám chữa bệnh phải thanh toán 100% mức tối đa khung giá dịch vụ. Nhiều bệnh nhân hiểm nghèo không mua bảo hiểm y tế đang lâm cơn bĩ cực.
Theo ghi nhận của PV, tại một số BV trên địa bàn TP.HCM, người khám bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế chịu thiệt thòi rất nhiều, nhất là những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Anh T.N.A. (31 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) có anh trai nằm viện điều trị tại BV Chợ Rẫy vì đột quỵ, phải điều trị bằng kỹ thuật ECMO (dùng trong hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân nguy kịch - PV), mức chi phí cao, gia đình anh vô cùng lo lắng.
Người dân khám và điều trị tại bệnh viện Ung Bướu. |
Trước đó, bệnh nhân là công nhân tự do, không có bảo hiểm y tế, gia đình khó khăn. Khi đưa đến bệnh viện, chi phí điều trị hơn 300 triệu đồng. Việc không đóng bảo hiểm y tế (BHYT) đã gây thiệt thòi lớn cho anh trai của anh. Gia đình anh nghèo, ngoài vay mượn anh em, họ hàng, anh còn phải mượn tiền nặng lãi, có khi lên tới 5%/tháng để trang trải cho anh trai.
Cùng hoàn cảnh, bệnh nhân N.V.K. (52 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) bị ung thư dạ dày, đang điều trị tại BV Ung Bướu TP.HCM cũng phải chi hàng chục triệu đồng để khám và chữa bệnh. Bệnh nhân K. cho biết, ông làm nghề chạy xe ôm nên không tham gia BHYT, gia đình phải vay mượn khắp nơi để đóng viện phí.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy chia sẻ: “Tại khoa Hồi sức cấp cứu, nhiều trường hợp bệnh nguy kịch, chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhưng họ không có BHYT, phải thanh toán 100% chi phí, khiến cho kinh tế gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Có khoảng 20 - 30% bệnh nhân ở khoa không có BHYT. Một số trường hợp hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện đã linh động giúp đỡ, vận động các mạnh thường quân giúp họ vượt qua. Chúng tôi mong rằng, người dân cần nâng cao ý thức, tự nguyện tham gia BHYT để có quyền lợi cho mình khi khám chữa bệnh”.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Hiện nay, 100% người nghèo và khoảng 95% người cận nghèo có BHYT (5% còn lại do chưa lập danh sách nên chậm), đương nhiên những đối tượng này không bị ảnh hưởng gì trước chính sách TP.HCM tăng viện phí với người không tham gia BHYT.
Thời điểm hiện tại, 84% dân số có BHYT nghĩa là chỉ còn gần 16% không có thẻ BHYT tập trung ở hai nhóm đối tượng.
Một là những người không nghèo, không cận nghèo thậm chí là những người có mức sống trung bình khá và cao, đặc biệt những công dân Việt Nam đang làm ở văn phòng đại diện nước ngoài, họ không quan tâm tới BHYT xã hội, mà tham gia vào những loại hình BHYT thương mại. Điều đó đáng trách vì BHYT xã hội của mình là bắt buộc toàn dân. Đối với họ tác động không lớn.
Nhóm đối tượng thứ 2 là những hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có thu nhập theo mùa vụ. Theo luật, họ được hỗ trợ 30% nếu có mức sống trung bình trở lên. Hiện nay họ chưa được hỗ trợ nhiều vì việc phân định, xác định mức sống và việc lập danh sách có một số hạn chế nhất định ở một số địa phương. Nhóm đối tượng này nếu chưa có thẻ BHYT sẽ gặp khó khăn ban đầu khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế của người chưa có BHYT lên ngang bằng giá của người có BHYT.
Tự chủ tài chính, bệnh viện phải tự chuyển mình Cũng từ ngày 1/10, có 51 BV công lập của TP không còn nhận ngân sách Nhà nước, chính thức tự chủ nguồn kinh phí (trừ BV Phong Bến Sắn và BV Nhân Ái), đồng nghĩa với việc BV phải “tự bơi” để giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính như trả lương cho bác sĩ, mua sắm thiết bị y tế... Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM, khi áp dụng cơ chế thực hiện tự chủ tài chính, nguồn thu của các BV sẽ phải phụ thuộc vào số lượng bệnh nhân đến khám. Chính vì thế, các BV phải tự chuyển mình, thay đổi từ nhận thức đến hành động. Đội ngũ lãnh đạo, tập thể y bác sĩ, nhân viên các BV phải thay đổi suy nghĩ, xem người bệnh chính là khách hàng. Phải làm sao để người bệnh thực sự muốn đến khám và điều trị tại BV của mình. Đặc biệt, phải đáp ứng đồng thời 3 yếu tố: Phát triển về chuyên môn kỹ thuật; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng khám chữa bệnh; luôn tuân thủ pháp luật. |
Lành Nguyễn - Nguyễn Huệ