Tại kho hóa chất Pueblo ở bang Colorado (Mỹ), các robot đang bận rộn tháo dỡ và vô hiệu hóa các vũ khí hóa học cuối của quân đội. Những quả đạn pháo chứa chất độc Sarin đã được cất giữ tại đây trong hơn 70 năm.
Theo đó, để có thể tiêu hủy hoàn toàn loại vũ khí trên, robot phải chọc thủng vỏ đạn, làm khô, rửa sạch từng vỏ rồi đem nung chúng ở nhiệt độ hơn 800 độ C. Những mảnh vỏ đạn này sau đó được đưa ra ngoài, rời khỏi băng chuyền và rơi xuống một thùng rác, tạo ra các âm thanh lạch cạch vang dội.
“Đó là âm thanh của vũ khí hóa học đang bị xóa sổ”, ông Kingston Reif - Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về giảm thiểu đe dọa và kiểm soát vũ khí nói.
Tờ New York Times đưa tin, các kho hóa chất ở hai bang Kentucky và Colorado là kho chứa vũ khí hóa học cuối cùng của Mỹ. Quân đội Mỹ cho biết họ đã phải mất hàng thập niên để phá hủy các loại vũ khí hóa học và công việc này sắp hoàn thành.
Các kho vũ khí hóa học của Mỹ được xây dựng trong nhiều năm với quy mô và mức độ nguy hiểm vô cùng lớn. Các kho này chứa nhiều bom chùm, địa lôi với chất độc thần kinh cực mạnh nên việc tiêu hủy chúng không hề dễ dàng.
“Chúng tôi đã phải chiến đấu và mất nhiều thời gian, nhưng tôi nghĩ chúng tôi nên tự hào về điều đó”, ông Reif nói.
Vũ khí hóa học lần đầu tiên được sử dụng trong Thế chiến I và đã lấy đi mạng sống của ít nhất 100.000 người. Mặc dù việc sử dụng chúng sau đó đã bị cấm theo Công ước Geneva nhưng các quốc gia sau đó vẫn tiếp tục dự trữ vũ khí cho đến khi được kêu gọi phải tiêu hủy chúng.
Đến nay, các cường quốc từng sở hữu vũ khí hóa học đều đã tiêu hủy các loại vũ khí nguy hiểm này. Cụ thể, Vương Quốc Anh hoàn thành tiêu hủy kho vũ khí hóa học vào năm 2007, Ấn Độ tiêu hủy vào năm 2009 và Nga tiêu hủy vào năm 2017.
Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo vũ khí hóa học vẫn chưa bị loại bỏ hoàn toàn. Lý do được đưa ra là một số quốc gia chưa ký hiệp ước cũng như không công khai về kho vũ khí của họ.
Phương Uyên(Theo New York Times)