(ĐSPL) - Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả đang là mối lo lắng của nhiều người tiêu dùng Việt. Dưới đây là những mẹo đơn giản giúp người mua chọn đúng hàng "chuẩn".
Nhận biết thực phẩm chức năng ngoại thật-giả
Trên thực tế, nhu cầu về thực phẩm chức năng (TPCN) của người tiêu dùng tăng cao, đã và đang mở ra cơ hội cho việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt hàng xách tay…“trà trộn” vào thị trường tiềm năng này, vấn nạn hàng nhái hàng giả còn leo thang ở cả những kênh bán hàng được cho là nghiêm ngặt và an toàn nhất hiện nay.Theo một cán bộ Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng nhái đã và đang có mặt ở hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị từ mặt hàng bình dân cho tới cao cấp.
Người tiêu dùng vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất, với việc dùng phải hàng giả, hàng nhái, có thể dẫn đến nhiều biểu hiện bất thường khác như tiêu chảy, ngộ độc, nôn ói hoặc nặng nữa là trụy tim mạch, giảm huyết áp hoặc khó thở, dị ứng…
Bởi vậy, người tiêu dùng nên tỉnh táo để tìm hiểu thông tin về các công ty phân phối uy tín tại thị trường Việt Nam của sản phẩm TPCN có nguồn gốc từ nước ngoài, trong trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu công ty phân phối xuất trình các giấy tờ chứng minh sản phẩm đang bán là hàng chính hãng từ Nhật Bản.
Trên thực tế, nhu cầu về thực phẩm chức năng (TPCN) của người tiêu dùng tăng cao, đã và đang mở ra cơ hội cho việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt hàng xách tay…“trà trộn”. |
Dưới đây là những cách để nhận biết TPCN ngoại :
Mã vạch: Mã vạch được đăng ký thông tin quốc tế. Mỗi nước có ký hiệu mã vạch riêng. Có những nước việc có mã vạch cho sản phẩm là bắt buộc. Ngoại trừ hàng Việt Nam, thì khi mua hàng nước ngoài người tiêu dùng nên sử dụng phần mềm đọc mã vạch (Barcode Scaner) để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ. Với phần mềm đọc mã vạch bạn chỉ cần quét mã UPC của một sản phẩm để tìm ra sản phẩm đó trên Google Product Search. Nếu như mã vạch sản phẩm chưa đăng ký thì sẽ không hiện lên khi soi bằng phần mềm này.
Thông tin cụ thể, rõ ràng: Khi lựa chọn TPCN có nguồn gốc từ nước ngoài, người tiêu dùng cần quan sát kỹ bao bì sản phẩm. Trên sản phẩm bắt buộc phải có thông tin nhà sản xuất một cách cụ thể, rõ ràng ví dụ sản phẩm được sản xuất ở số bao nhiêu, đường nào, quận nào... Người tiêu dùng cần tránh những sản phẩm chỉ ghi Made in...
Màu sắc sắc nét: sản phẩm TPCN làm nhái thường có màu sắc nhạt hơn và không được chăm chút. Các chi tiết trên sản phẩm in không sắc nét do tiết kiệm chi phí, thậm chí có nhiều sản phẩm sai lỗi chính tả. Đây là những lỗi có thể nhận biết bằng mắt thường vì vậy khi mua hàng người tiêu dùng nên chú ý quan sát.
Kiểm tra trên web nước ngoài: Người tiêu dùng có thể xem hàng trên các trang web nước ngoài mẫu mã, giá cả thế nào để so sánh với sản phẩm mà mình sẽ mua. Đối với TPCN có nguồn gốc từ Mỹ, người tiêu dùng có thể xem giá qua amazon.com; tại Nhật có thể tìm tại rakuten.co.jp... Sau khi tìm hiểu về thông tin sản phẩm người tiêu dùng có thể cộng các chi phí xách tay, thuế tại nước ngoài, ship nước ngoài để áng chừng giá sản phẩm mà mình sẽ mua. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng mua TPCN với giá cả phù hợp.
Giá bán quá rẻ: Giá bán TPCN nhập ngoại quá rẻ cũng là vấn đề. Thường thì phí hải quan và phí vận chuyển TPCN về Việt Nam khá cao. Nếu xách tay theo đường du lịch hoặc người đi công tác mang theo hành lý xách tay thì chi phí có thể giảm xuống. Nhưng nếu gửi từ nước ngoài về thì TPCN ngoại không thể có giá rẻ được. Vì vậy, người tiêu dùng cần lưu ý với những sản phẩm ngoại có giá bán quá rẻ.
Nhận biết mỹ phẩm thật-giả
Bác sĩ Trần Thế Viện - Khoa Lâm sàng, BV Da liễu TP.HCM, cảnh báo: những thành phần độc hại thường có trong mỹ phẩm giả là corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, hương liệu tổng hợp, chất màu tổng hợp... Những chất này ngoài gây tàn phá làn da, dị ứng da, còn có thể gây bệnh cho các cơ quan khác: phổi, thần kinh, ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi, có thể gây ung thư...
"Trong quá trình thực hành tại BV Da liễu và BV Đại học Y Dược, tôi đã gặp khá nhiều trường hợp bị tổn thương da do dùng mỹ phẩm giả. Những triệu chứng lâm sàng hay gặp từ nhẹ đến nặng: đỏ da, ngứa, rát phỏng da, nổi sần, bong vảy, nổi mụn trứng cá, viêm da tiếp xúc dị ứng, nếu nặng có thể gây hội chứng Stevens-Johnson (Hội chứng Stevens-Johnson là phản ứng có hại trên da, hiếm gặp nhưng nguy hiểm của thuốc. Ðặc trưng của hội chứng Stevens–Johnson là loét các hốc tự nhiên (thường gặp ở mắt và miệng) và có nhiều dạng tổn thương da: bọng nước, diện tích da tổn thương <10\% diện tích da cơ thể, có thể kèm theo tổn thương gan thận, thể nặng có thể gây tử vong- PV). NTD nên dùng mỹ phẩm của hãng lớn, đáng tin cậy, có nhiều người sử dụng. Không nên dùng SP lạ, trôi nổi, hàng xách tay không rõ nguồn gốc. Xem kỹ thành phần, hạn dùng của SP và thử dùng trước ở mặt trong cánh tay (ba-bảy ngày) xem có phản ứng gì không (đỏ, ngứa, vẩy...). Nếu có tác dụng phụ, ngưng ngay và khám ngay bác sĩ da liễu để tránh biến chứng”, bác sĩ Viện khuyên.
Lực lượng chức năng thu lượng lớn mỹ phẩm không hóa đơn chứng từ hợp lệ. |
Dưới đây là cách nhận biết mỹ phẩm thật-giả
Nhận biết qua hình thức
Về hình thức, trên bao bì có in trực tiếp mã code (có tác dụng truy nguồn gốc từ nước sản xuất, hồ sơ nhập hàng qua hải quan, nước đến). Một số sản phẩm bằng tuýp, ở phần đuôi có đóng nổi hạn sử dụng và mã code. Còn mã code của sản phẩm giả được in trên giấy rồi dán lên bao bì.
Ở trên bao bì của hàng giả, có thể nhìn thấy nhiều kiểu trình bày in ấn không rõ ràng nổi bật, ví dụ những câu chữ quá nhỏ hoặc quá mập mờ. Phải nắm rõ sản phẩm mình định mua, đừng để bị lừa bởi các sản phẩm nhái thường biến đổi một số chữ trên tên sản phẩm như: Lamcome thay vì Lancome; Kenzzo thay vì Kenzo; Lokasta hay vì Lacoste...
Những câu viết trên hàng thật thì luôn rõ ràng và ngắn gọn, súc tích. Bao bì phải chắc chắn, được làm từ bìa cứng hoặc giấy có chất lượng tốt. Những lọ nước hoa hay mỹ phẩm đắt tiền không chỉ là cách thể hiện và thu hút sự chú ý của khách hàng mà còn là sự bảo đảm về tính chất xác thực của sản phẩm, và một sản phẩm nhái khó lòng có thể bắt chước y hệt toàn bộ sản phẩm thật...
Phân biệt bằng cảm quan
Về mặt cảm quan, son, phấn mắt và phấn má hồng khi trang điểm trên da có cảm giác nhẹ, mùi thơm nhẹ và dễ chịu, độ phủ mịn, đều. Thoa thử lên tay sẽ thấy độ bóng, mịn. Còn sản phẩm giả gây cảm giác bì và nặng da, mùi thơm nồng. Dầu thơm thật có mùi thoảng nhẹ nhưng thời gian giữ mùi lâu đến 12 giờ. Còn dầu thơm giả do có độ cồn nhiều nên ngay khi xịt, mùi khuếch tán mạnh có thể gây nhức đầu và chỉ giữ mùi trong 1 giờ.
Lưu ý trước khi có quyết định mua mỹ phẩm, bạn nên đến gặp các chuyên viên tư vấn soi da để xác định loại mỹ phẩm phù hợp và dùng thử sản phẩm tặng để biết da có bị kích ứng hay không. Nên đọc kỹ nhãn, mác, chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc, tìm có nguồn gốc, chọn những mỹ phẩm có uy tín, được chiết xuất từ thiên nhiên đảm bảo an toàn cho da.
Chỉ căn cứ vào mã số mã vạch để nhận biết mỹ phẩm thật giả?
Nhiều người tin rằng có thể nhận biết mỹ phẩm thật - giả chỉ bằng mã số mã vạch (MSMV). Tuy nhiên, người tiêu dùng cần biết rằng MSMV chỉ là chìa khóa dẫn đến kho dữ liệu tương ứng (mô tả thông tin về sản phẩm) chứ không thể chỉ dùng MSMV để phân biệt hàng giả và hàng thật. Để phân biệt hàng thật – giả, người tiêu dùng cần căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau của sản phẩm cũng như cảm quan của chính mình.
Ngọc Anh(Tổng hợp)