(ĐSPL) - Thấp thoáng trong tiết trời trở lạnh và làn mưa bụi đặc sản của xứ Bắc, một mùa xuân nữa đang về. Trên vòm trời giá lạnh phía bên kia mùa đông đã thấy xao xác những cánh én đầu tiên trở về với đất mẹ xứ Đoài, quê hương tôi. Phải chăng, hơi ấm từ những cánh chim mỏng manh ấy đã làm tươi lại sắc trời đông giá, để sớm nay sắc hoa đào ửng hồng lên từ phía chân trời những đốm lửa nhỏ, báo hiệu một mùa ấm áp sẽ về trên Xuân quê hương.
Đấy là lúc mùa của sinh sôi đang trào lên nhựa sống trong từng mạch cây, thớ đất. Đấy cũng là thời khắc mùa của hy vọng đang thắp lên những chồi búp non xanh mơn mởn trên những ruộng vườn, đồng bãi phì nhiêu của quê hương chúng ta từ Bắc vào Nam. Và, đấy còn là mùa của mơ ước đang mong được đơm hoa kết trái trong hồn người mỗi độ xuân sang. Mùa lại về như nhịp chảy hồn nhiên yên lành nơi dòng sông quê đã qua mùa bão lũ dữ dằn, sông đã phải vượt qua bao nhiêu ghềnh, thác để trở lại với phù sa bồi đắp cho những vùng đất nguồn cội yêu thương.
Tranh phố cổ Bùi Xuân Phái. |
Và, trong làn mưa bụi lan tỏa như sương, như khói của mùa xuân kia, ta bắt gặp những dáng phố thân thuộc, những nếp nhà rêu phong cổ kính của khu phố cổ hiện lên trong lãng đãng khói sương kỷ niệm. Một Hà Nội ngàn xưa tinh tế và lãng mạn không có lẽ bây giờ chỉ còn gặp lại trong hư ảo những bức tranh phố của danh họa Bùi Xuân Phái, hoặc chỉ còn lại thấp thoáng trong những bức ảnh của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng của thế kỷ trước. Những khung cảnh cổ xưa ấy, những góc phố cũ kỹ ấy, những dáng người xa xưa ấy, những nếp nhà thân quen ấy, những dáng cây như chỉ có trong tranh thủy mặc ấy... bỗng sớm nay hiện về trong làn mưa bụi mơ màng của mùa xuân ngay trước mắt chúng ta.
Vâng, mùa xuân đã hoàn thành bức vẽ kiệt tác của mình! Với chút gió lạnh se sắt và làn mưa bụi như khói sương kia, mùa xuân đã xóa bớt đi, đã làm dịu đi những nét góc cạnh thô ráp, vô cảm, lạnh lẽo của những dáng phố, dáng nhà thời đô thị công nghiệp hiện đại. Và, mùa xuân đã phủ lên phố phường một làn áo mong manh, gợi cảm để cho cái đẹp hiện hữu trên từng con phố như những người thiếu nữ thấp thoáng, ẩn hiện trong màu tranh lụa đầy quyến rũ của các danh họa xưa.
Hôm nay, bức tranh thủy mặc ấy chỉ còn xuất hiện vào mùa xuân với nét chấm phá của sắc hoa đào trong các phiên chợ Tết.
Ảnh minh họa. |
Có lẽ ngoài hoa đào, không có loại hoa nào lại mang trong mình hình tượng của sự hồi sinh nồng nàn đến thế. Trên những thân cành khô héo, bạc nhược, cỗi cằn của mùa đông cũ kỹ, chợt bật sáng lên những chồi, những nụ tươi tắn của mùa xuân trẻ trung. Trong phất phơ gió lạnh, trong huyền ảo mưa bụi, sắc đào đã gợi lên trong ta nỗi nhớ về quê hương, nỗi nhớ về mẹ ta. Mẹ đã tần tảo nắng mưa, mẹ đã trải qua bao nghèo khó, nhọc nhằn năm tháng để nuôi nấng chúng ta thành người. Mẹ như thân đào khô héo, dồn chút nhựa sống cuối cùng của đời cây để nuôi dưỡng những nụ xuân, những chồi xuân cho quê hương.
Và, trong tiết xuân thanh tao thi vị ấy, tôi lại nhớ tới hình ảnh ngày xưa, mẹ tôi và mấy em gái của tôi đi lễ chùa vào những ngày tháng Giêng. Tiếng chuông từ bi nơi cửa Phật ngân lên trong mưa bụi tháng Giêng như đang cầu phúc an lành cho chúng sinh và vạn vật. Cách đây hơn hai chục năm, tôi đã từng đắm mình theo tôi, đây là bài thơ hay nhất của ông cho đến thời điểm này. Ông cứ tin tôi đi, sau mọi ồn ào của thời gian, Mưa tháng giêng sẽ là bài thơ còn lại và tôi rất thích ca khúc phổ bài thơ này, tuyệt vời đấy!”. Bài thơ này tôi viết đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 1994, Mưa tháng giêng được nhạc sĩ Việt Hùng ở TP.HCM phổ nhạc. Khổ thơ thứ hai có nguyên bản thơ như sau: “Tháng giêng ngày mỏng quá/ Nỗi buồn nghe cũ rồi/ Mà bên kia tờ lịch/ Nỗi niềm mưa xót rơi” thì, lời thơ trong ca khúc ở câu thơ cuối được đổi thành: “Nỗi niềm mưa xuân rơi”.
Trong khổ thơ này, nhà thơ muốn chuyển tải một nỗi niềm nhớ thương, xa vắng trong ngày xuân mỏng mảnh đang về, khi nỗi buồn con người bên kia năm tháng đã trở nên cũ kỹ trước tờ lịch thời gian mỗi ngày phải bóc đi thì những giọt mưa kia cứ thấm về xa xót trong lòng người như một nỗi niềm khôn nguôi. Đặc biệt, ở khổ thứ bốn: “Tháng giêng mưa dưới bến/ Mỏng mai cô lái đò/ Mắt mưa em lúng liếng/ Trói tôi bằng vu vơ”. Theo tôi, chữ "mỏng mai" nói về một người con gái đẹp và tinh tế, ý nhị như khi nói: "Mắt mưa em lúng liếng" chứ không phải thô vụng. Hôm nay, ngồi nghe lại bài hát Mưa tháng giêng qua giọng hát tinh tế, điêu luyện của ca sĩ Trần Thu Hà, tôi bất giác nhớ lại chặng đường gần hai chục năm kể từ khi tôi viết bài thơ này. Đã có bao nhiêu thăng trầm, buồn vui, biến đổi qua thời gian mà con người phải nếm trải. Và, tôi vẫn nghe thấy trong tâm tưởng mình, tiếng chuông chùa từ một nơi thẳm sâu nào đó vọng về, gợi lại hình ảnh của mẹ tôi và các em gái tôi ngày xưa ấy: “Tháng giêng mưa trên tóc/ Những người đi lễ chùa/ Theo giọt mưa cầu phúc/ Tiếng chuông từ bi mơ...”.
Tùy bút của Nguyễn Việt Chiến