(ĐSPL) - Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày khiến hàng nghìn ngôi nhà ở Thừa Thiên - Huế bị ngập sâu, nhiều hecta hoa màu ở các huyện trên địa bàn cũng bị ngập úng.
Tin tức trên báo Dân trí cho biết, tính đến ngày 4/12, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 1.314 hộ vùng trũng bị nước ngập vào nhà từ 0,4 - 0,5m; trong đó xã Lộc Trì có 600 hộ, ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc có 700 hộ.
Ngoài ra, khoảng 90ha hoa màu ở các địa phương vùng trũng như Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền đều bị ngập úng.
Mưa lớn gây ngập nặng một số khu dân cư ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Công an nhân dân. |
Đến chiều tối 4/12, mưa lớn vẫn còn diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhiều tuyến đường tại thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang vẫn bị nước lũ chia cắt, có đoạn ngập sâu đến hơn 0,5m.
Trên tỉnh lộ 4 có đoạn ngập sâu gần 1m làm giao thông bị chia cắt trong nhiều giờ liền. Người dân phải dùng ghe, xuồng để đi lại và di chuyển đồ đạc.
Theo báo Công an nhân dân, các tuyến tỉnh lộ 2 và 10C, 10A qua địa bàn huyện Phú Vang bị ngập một số đoạn sâu từ 0,3 đến 0,5m; tỉnh lộ 8 và 10 qua các xã Hương Toàn, Hương Phong, phường Hương Xuân và Hương Văn, thị xã Hương Trà ngập gần 0,5m... gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Đường vào nhà dẫn ngập nặng, phải dùng thuyền để di chuyển. Ảnh: Dân trí. |
Mưa lớn còn làm sạt lở thêm nhiều điểm ở sông Bồ, sông Hương với tổng chiều dài hơn 4,4km. Riêng bờ sông Hương đoạn qua phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 500m, nhiều điểm ăn sâu vào vườn nhà dân, hàng trăm khối đất cùng bờ tre bị nước sông cuốn trôi...
Ông Phan Thanh Hùng - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: "Sau khi nhận được tin báo sạt lở, đơn vị đã phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, triển khai nhanh các phương án bảo vệ an toàn cho khu dân cư, di dời các hộ dân nằm trong vùng sạt lở đến nơi an toàn...".
Báo Tri thức trực tuyến đưa tin, mưa lũ lớn tại miền Trung từ 29/11 đến 3/12 gây tổn thất nặng nề cho các địa phương về người và tài sản với 13 người chết.
Trong đó, Bình Định 6 người, Quảng Ngãi 4 người, Quảng Nam 3 người; 1 người mất tích ở Quảng Ngãi và 3 người bị thương ở Bình Định.
3 trường hợp tử vong liên quan đến lũ, xảy ra trong ngày 3/12 tại Quảng Nam gồm: bé Nguyễn Huy Hoàng (4 tuổi, ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) ngạt nước khi mẹ điều khiển xe máy qua cầu thôn Tây Yên bị ngã, nước cuốn cả hai xuống suối. Em Lê Thị Hồng Hạnh (13 tuổi, ở xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành) bị lũ cuốn và đuối nước trên đường đi học. Tương tự, em Phùng Quốc Dũng (13 tuổi, ở xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn) cũng bị trượt chân té ngã tại khu vực đồng Nà, xã Sơn Viên (cùng huyện).
Thông tin trên báo Quảng Ngãi cho biết, tính đến cuối ngày 3/12, mưa lũ đã khiến 4 người chết, 1 người mất tích. Hơn 1.200 ngôi nhà bị ngập và nhiều thiệt hại đáng kể khác.
4 người chết là: Ông Nguyễn Tấn Hoanh ở thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn) bị điện giật và ngã xuống nước tử vong lúc 14h30 ngày 2/12; em Võ Tiến Dũng ở thôn Nga Mân và em Hồ Tuấn Đạt ở thôn Bàn, xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ) bị đuối nước lúc 17h ngày 2/12; em Phạm Văn Phiên ở thôn Nước Chạch, xã Ba Xa (huyện Ba Tơ) bơi qua sông Re bị nước cuốn trôi vào chiều cùng ngày.
Quảng Ngãi cũng ghi nhận một trường hợp mất tích là ông Nguyễn Đức Trọng ở Đội 7, thôn Long Bàn, xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi. Ông Trọng là công nhân thủy điện ĐăkRe, bị nước cuốn trôi khi lội qua suối Nước Chạch, xã Ba Xa (huyện Ba Tơ).
Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau: "1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm: a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân; b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả; c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất; d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường; đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai; e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai. 2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau: a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền; b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này; c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu; d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai". Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(Tổng hợp)