Vào năm 2001, sau một trận mưa lớn bất thường tại vùng núi Lạc Xương, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc người dân địa phương đã tình cờ phát hiện rất nhiều thỏi vàng bạc gần một ngôi chùa cổ.
Tin tức về phát hiện này lan truyền nhanh chóng. Người dân lập tức báo cáo cho chính quyền địa phương, và các chuyên gia khảo cổ nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
Ngay khi đến nơi, các chuyên gia đã xác định được các thỏi vàng bạc này là một phần kho báu của Sấm Vương Lý Tự Thành (1606-1645) nhờ dòng chữ "Đại Thuận" được khắc trên chúng.
Phát hiện này khiến các chuyên gia khảo cổ tỉnh Quảng Đông vô cùng phấn khích. Họ nhanh chóng thành lập một đội ngũ chuyên trách để tiến hành thăm dò và khai quật khu vực.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày làm việc miệt mài, chỉ một lượng bạc đáng kể được tìm thấy. Điều này khiến đội tìm kiếm thất vọng nặng nề, vì họ sớm kết luận rằng đây không phải là nơi chôn giấu kho báu 30 tỷ NDT (hơn 100.000 tỷ VND theo tỷ giá hiện đại) của Lý Tự Thành.
Thấy vậy, chuyên gia khảo cổ dẫn đầu tức giận hét lớn: "Có còn hơn không!"
Từ lâu, giới khảo cổ Trung Quốc đã không ngừng tìm kiếm kho báu của Lý Tự Thành. Ngoài vùng núi Lạc Xương (Quảng Đông), còn có nhiều câu chuyện dân gian khác liên quan đến kho báu khổng lồ này của Sấm Vương, trải dài khắp Sơn Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Thiểm Tây và nhiều nơi khác ở Trung Quốc.
Mặc dù tất cả những phát hiện khảo cổ cho đến nay chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm", nhưng chúng đã chứng minh rằng kho báu của Lý Tự Thành thực sự tồn tại.
Trước đó, vào năm 1996, một thanh niên có tên là Trần Phong ở Mai Huyện, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi đã cầm cuốc làm việc như mọi ngày. Mới được vài nhát cuốc, Trần Phong bỗng thấy tay rung lên vì đập phải một vật cứng.
Trần Phong không quan tâm, anh ta cho rằng dưới đất chỉ có thể là đá. Anh ta định nhặt chúng vứt đi thì cảm nhận được sự bất thường của những "hòn đá". "Thứ gì mà kỳ quái thế này?", Trần Phong nhìn kỹ lại, hình như trong đám đất đen xì kia có chút ánh kim loại.
Trần Phong đặt cuốc xuống, dùng tay quệt mạnh lớp bùn đất, cuối cùng "cục đá" đã lộ diện. Nó thực sự là một thỏi bạc với kích thước to đáng ngạc nhiên. Trần Phong vô cùng vui mừng, anh ta phải mất một hồi lâu mới định thần được sự việc mình đã tìm thấy kho báu.
Sau đó, Trần Phong đã dành cả buổi chiều đào bới trên ruộng và tìm được thêm 2 thỏi bạc khác nữa. Trở về nhà, Trần Phong liền đưa 3 thỏi bạc cho ông nội xem nhưng ông cũng không biết chúng từ đâu tới. Rồi tin tức Trần Phong làm ruộng đào trúng kho báu lan truyền trong cả thôn. Nhiều người cũng quyết định thử vận may trên ruộng nhà mình nhưng đáng tiếc không tìm được gì.
Khi Sở Di tích Văn hóa địa phương tới nơi để xác định thực hư thì lai lịch của 3 thỏi bạc mới được tiết lộ. Theo chia sẻ của các chuyên gia khảo cổ, dưới đáy của 3 thỏi bạc đều khắc chữ "Đại Thuận". Đại Thuận là một chính quyền do Sấm vương Lý Tự Thành thành lập trong và sau khi nhà Minh sụp đổ.
Vào thời điểm Lý Tự Thành công phá thành Bắc Kinh, ông đã tịch thu toàn bộ vàng bạc châu báu của triều đình, quý tộc và quan chức tại đây. Đồng thời nấu chảy chúng và đúc thành những thỏi bạc "Đại thuận". Tuy nhiên, sau này khi Lý Tự Thành bị đánh bại, ông đã chạy trốn khắp nơi.
Mỗi lần đi tới đâu, ông lại ra lệnh chôn vàng, bạc của mình tại địa phương để sau này thuận tiện thu hồi và chiêu mộ binh lính khởi nghĩa. Vì thế, những thỏi bạc mà Trần Phong tìm thấy tại Quảng Đông cũng là một trong số những vàng bạc châu báu mà Lý Tự Thành rải rác trên đường thoát thân.