Để đẩy được hàng tồn, hàng lỗi nhằm thu hồi vốn, nhiều doanh nghiệp tìm đến các website mua theo nhóm, thông qua đó bán rẻ thậm chí “bán thống bán tháo” cho mau hết hàng. Đó là lý do nhiều khách hàng sau một lần mua theo nhóm bị “dính” hàng chất lượng thấp thì thẳng thừng tuyên bố “cạch” hẳn hình thức mua bán này.
Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến nhiều doanh nghiệp dù đã tung đủ các chiêu thức quảng cáo, khuyến mãi, tri ân… song vẫn chưa thể đẩy mạnh doanh số bán hàng. Lượng hàng tồn kho càng cao, đồng nghĩa với việc đọng vốn, khó có thể xoay vòng để kinh doanh. Đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng thời khó khăn, các doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ lẻ liền tìm đến các website mua theo nhóm để bán ra các voucher giảm giá mạnh từ 10 - 80\% cho các sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp.
Chọn bán sản phẩm trên các website mua theo nhóm đôi khi chỉ là cách để đẩy hàng tồn. Ảnh minh họa |
Về bản chất, việc giảm giá mạnh là làm lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều đó chỉ có lợi khi sản phẩm mà khách hàng nhận được là hàng tốt, đảm bảo chất lượng được bán ra với giá ưu đãi. Còn thực tế, nhiều doanh nghiệp lại gian lận theo kiểu đúng là bán hàng với giá ưu đãi nhưng món hàng đó thực chất là hàng tồn kho, hàng có lỗi, họ chấp nhận xả hàng giá bèo, thậm chí bán thấp hơn giá thành để thu hồi vốn.
Chất lượng các sản phẩm, dịch vụ rao bán trên các website mua theo nhóm phụ thuộc vào bản thân nhà cung cấp, sau đó là đến cửa “kiểm duyệt” của các website làm vai trò trung gian. Tuy nhiên, do lợi nhuận, không phải nhà cung cấp, website nào cũng đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu. Đó cũng là lý do nhiều mặt hàng tồn kho, kém chất lượng, sắp hết hạn vẫn tràn lan trên hàng chục các website mua theo nhóm. Đối tượng chịu thiệt hại không phải ai khác mà chính là khách hàng.
Trước đây, chị Thanh Thủy ở Cầu Giấy (Hà Nội) thường có thói quen săn các voucher giảm giá trên mạng để có được những mặt hàng, bữa ăn giá rẻ. Một lần, thấy lọ nước dưỡng tóc mình hay dùng được bán với giá rẻ phân nửa so với giá bình thường chị bỏ ra để mua, chị liền hào hứng đặt mua. Nào ngờ đến khi nhận hàng về, chị phát hiện ra lọ nước dưỡng chỉ còn chừng 1 tháng là hết hạn sử dụng. Từ đó đến giờ, chị “cạch” hẳn trò mua bán này.
“Giờ cứ thấy mấy trò quảng cáo giảm nửa giá thành trên mấy trang mua theo nhóm là tôi lắc đầu, sau vố ấy, lúc nào tôi cũng nghĩ mấy món giảm giá kia là hàng kém chất lượng hoặc gần hết “đát”, người ta bán vội đi để thu hồi vốn”, chị chia sẻ.
Có thể thấy, hiện nay các công ty bán hàng theo nhóm đông, nhưng vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ, giá thành của người bán chưa được quan tâm đúng mức. Theo Điều 6 Nghị định 37/2006/NĐ-CP, quy định: "Mức giảm giá tối đa với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mãi không vượt quá 50\% giá hàng hoá, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mãi". Khoản 4, điều 9 Nghị định 37/2006/NĐ-CP, quy định: "Một chương trình khuyến mãi không vượt quá 45 ngày"... vi phạm sẽ bị xử phạt tối đa 10 triệu đồng cho mỗi hành vi vi phạm.
Thế nhưng, chỉ cần quan sát một vài trang web mua theo nhóm, thật dễ dàng nhận ra có không ít sản phẩm có mức giảm từ 60 – 80\%, cao gấp nhiều lần mức giảm giá tối đa được quy định trong luật. Nhiều đơn vị còn dùng chiêu “thổi giá” sản phẩm “lên trời” rồi đưa ra mức giảm sâu để câu khách. Đó là còn chưa kể vấn nạn hàng trên mạng là hàng giả, hàng nhái hoặc hình ảnh món hàng trên ảnh khác xa với chất lượng món đồ khách nhận được.
Linh Chi(theo VietQ)