Ngày nay, khi chứng kiến quá nhiều cuộc tình chóng vánh của lớp trẻ, nhiều người có xu hướng chiêm nghiệm lại những mối tình vượt thời gian của thế hệ ông bà ta để hiểu vì sao tình yêu có thể viên mãn đến vậy. Trong dòng chảy ngược xuôi của phố phường Hà Nội một ngày tháng Năm, tôi tìm đến tiệm vẽ truyền thần 47 phố Hàng Ngang với kỳ vọng tìm thấy câu trả lời...
Ở tuổi 86, lão họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên vẫn miệt mài sáng tác bên khung vẽ. |
Người “gọi quá khứ về qua nét tài hoa”
Con phố Hàng Ngang nằm ở trung tâm “Hà Nội 36 phố phường” xưa, bán buôn sầm uất bậc nhất Hà Thành. Nào là cửa hiệu quần áo thời trang, đồng hồ kính mắt sang trọng, giầy dép mỹ phẩm cao cấp... Tại đó, căn nhà số 47 không những không bị “nuốt chửng” bởi những mảng màu đa sắc ken dày mà vẫn nổi bật như một bức tranh thủy mặc đầy hồn cốt và tao nhã.
Và, hơn 60 năm qua, người ta vẫn thấy ông ngồi đó, trầm tĩnh bên giá vẽ. Ngày nắng cũng như ngày mưa. Đó là ông Nguyễn Bảo Nguyên (SN 1934), người họa sĩ già có vóc dáng nhỏ bé, mái tóc bạc trắng chỉ còn lơ thơ nhúm nhỏ sau gáy – được biết đến như một chứng nhân lịch sử của đất Hà Thành.
Bên tách trà mạn, ông Bảo Nguyên kể cho tôi nghe về cái nghiệp “thợ vẽ” của mình. Ông lẽ ra đã là một nhà khoa học ngành Điện tử Viễn thông, nhưng một trận ốm đã khiến ông bỏ lỡ kỳ thi tốt nghiệp và bén duyên với truyền thần.
Bắt đầu vào nghề năm 1960, ông mở một cửa hàng nhỏ ở 41 Hàng Bài, rồi sau đó vào Hợp tác xã Truyền thần Hà Nội. Khi hợp tác xã giải thể, ông Nguyên gom vốn mở cửa hàng tại 47 Hàng Ngang và tồn tại cho đến tận bây giờ.
“Hồi những năm 60 của thế kỷ trước, Hà Nội hầu như nhà nào cũng có ít nhất một vài bức vẽ truyền thần tổ tiên để thờ cúng. Sau này khi nhiếp ảnh phát triển, có thời gian người ta sử dụng ảnh màu, nhưng rồi lại quay lại với truyền thần bởi tâm niệm tranh truyền thần nhìn tôn nghiêm trầm mặc hơn và “linh” hơn khi thờ cúng” – ông Nguyên nói.
Ngày nay, nhiều người đã bỏ quan niệm vẽ truyền thần chỉ dành cho người đã khuất. Người ta còn thuê ông vẽ cả ảnh chân dung, ảnh cưới, ảnh gia đình như một thú chơi nghệ thuật. Rất đông khách nước ngoài yêu mến nét văn hoá phố cổ của Việt Nam này nên đã đặt vẽ cả những bức ảnh du lịch khi họ ghé thăm Hà Nội.
Nói về cái đặc sắc của tranh truyền thần, người họa sĩ già trầm ngâm chia sẻ, bức vẽ phải toát lên được cái thần thái của nhân vật, và phải đẹp. Truyền thần chỉ có 2 mầu đen, trắng tượng trưng cho vũ trụ âm - dương.
Chất liệu màu của truyền thần chính là muội than. Bút vẽ thì dùng những chiếc đũa tre rồi một đầu chẻ làm tư, gim những cái tăm hoăc chân hương được thít chặt bằng sợi dây đồng nhỏ, làm đầu bút. Đầu kia chẻ làm đôi, buộc một chiếc tẩy nhỏ hình tam giác, hoặc miếng bông để tẩy sửa.
Cả đời người chuyên tâm theo nghề, đến nay họa sĩ Nguyễn bảo Nguyên có hơn 100 bức tranh truyền thần nổi tiếng, trong đó có bức họa vua Duy Tân lúc nhỏ (ảnh trên), chân dung ông nghè Tự tháp Vũ Tông Phan, nhà sử học Ngô Sỹ Liên, nhà văn Lan Khai- Nguyễn Đình Khả…
Tranh truyền thần của họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên từng được triển lãm ở Nhật, Mỹ, Anh…, trong đó năm 2000, ông có tới 14 bức được trưng bày tại một cuộc triển lãm lớn ở Nhật Bản.
Trong một lần ghé thăm ông, nhạc sỹ Cát Vận đã tặng người nghệ nhân già mấy câu thơ: “Ông ngồi đó như bức truyền thần theo vào phố cổ/ Mái tóc bay bạc nắng gió thời gian/ Ông ngồi đó như ông Đồ phố cũ/ Gọi quá khứ về qua nét tài hoa”.
Mối tình thầy trò 60 năm “già đi cùng nhau”
Cho đến giờ đã có hàng trăm bài báo viết về họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên, nhưng ít ai biết rằng, ngoài thành công trong sự nghiệp, “ông đồ cũ” tài hoa đất Hà thành còn có cuộc hôn nhân viên mãn với người học trò xuất sắc nhất của mình. Đó là người con gái Hà Nội xưa có cái tên mỹ miều Cát Thị Ngọc Vân.
Bao nhiêu năm nay, tại căn phòng 10m2 của tiệm vẽ truyền thần Bảo Nguyên ở 47 phố Hàng Ngang, giữa ngổn ngang giá vẽ, giấy bút, bà Ngọc Vân luôn sát cánh bên chồng. Khi thì bà chiêu cho ông ấm trà lúc đầu buổi, khi thì giúp ông trao đổi với khách hàng, lúc lại kiên trì ngồi cạnh góp ý cho ông từng nét vẽ...
Ông kể, năm 27 tuổi khi bắt đầu có chút tiếng tăm, nhiều người đam mê tìm đến xin học nghề. Trong số đó có một người con gái Hà Thành xinh đẹp với đôi mắt đăm chiêu, cứ thầm lặng đứng bên ông quan sát, không nói, không cười.
Ngày bà xin nhận ông làm thầy, ban đầu ông từ chối. Bà cũng không vì thế mà rời đi, cứ ngày này qua ngày khác kiên trì đến học khiến người họa sĩ mủi lòng. Ông chia sẻ: “Những lúc bên nhau cầm tay chỉ vẽ, khi trò chuyện vui buồn, tôi đã yêu cô ấy lúc nào không hay. Đó là mối tình đầu ở tuổi 27”.
Họ không chỉ là một cặp vợ chồng hòa hợp mà còn là những đồng nghiệp ăn ý. “Bà ấy vẽ tốt, lại đam mê học hỏi, là học trò nổi trội nhất trong số ít người tôi nhận kèm cặp”, ông Bảo Nguyên nói.
Nghề vẽ truyền thần từ xưa đến nay vẫn là cái nghề làm ra tiền nên cuộc sống của người họa sĩ cũng khá phong lưu. Song chính nhờ có bà Ngọc Vân chăm lo chu toàn gia đình mà ông Nguyên được thoát ly hoàn toàn khỏi nỗi lo cơm áo để chuyên tâm sáng tác.
Cũng có thời kì khó khăn, ít khách, ông đã định đóng cửa hàng tìm việc khác để lo cho cuộc sống gia đình nhưng bà chọn cách mở quán hàng ăn kiếm tiền hỗ trợ chồng chứ nhất định không cho ông đóng tiệm vẽ.
Nói về người vợ hiền thảo, đức hạnh của mình, ông Nguyên kể cho tôi nghe kỷ niệm sâu sắc khi vẽ danh nhân văn hóa Vũ Tông Phan (1800- 1851). Thời đó chưa có ảnh, người nhà chỉ đưa cho ông mấy dòng tiểu sử và mấy bài thơ của cụ Phan để ông tưởng tượng mà vẽ ra. Quả là một đề tài hóc búa.
Cuối cùng, từ vài lời kể của người nhà, ông Nguyên ban ngày nghiền ngẫm tiểu sử nhân vật, ban đêm nhờ vợ đọc thơ cụ Vũ Tông Phan để cảm nhận được cái phong thái, khí chất bậc hiền sĩ xưa.
Bằng cách ấy, cái “thần” của cụ Phan như cứ thế hiện về trong ông, ông vớ lấy bút phác thảo những nét chính, rồi bức họa ra đời. Con cháu cụ Vũ Tông Phan đến xem, thốt lên “Tôi chưa từng thấy mặt cụ Tổ, nhưng thần thái người trong ảnh giống thần thái dòng họ Vũ Tông nhà tôi”. Lúc đó ông Nguyên như muống khóc òa lên vì biết mình đã thành công.
Cứ như vậy, 60 năm vợ chồng người họa sĩ già bình dị sống bên nhau. Ba người con trai lần lượt ra đời và trưởng thành. Khi thời gian đã đi qua gần thế kỷ, giờ đây họ vẫn cùng nhau vẽ tranh, làm thơ và... yêu.
Chia sẻ về cuộc hôn nhân sau 60 năm vẫn bền chặt, bà Ngọc Vân nói: “Ông ấy vốn không phải là người biết chăm sóc gia đình vì thời gian ông ấy dành cho việc vẽ tranh. Nhưng ông ấy cho tôi cảm giác an toàn và ấm áp. Và điều đặc biệt thú vị là, chúng tôi đang già đi cùng nhau...”
Nói về tình cảm với người vợ thảo hiền, “ông đồ cũ” trải lòng: “Ở tuổi này mà còn nói chuyện tình yêu thì nghe có vẻ phi lý, nhưng thực sự có những tình cảm, cảm giác hạnh phúc theo ta trọn đời, thậm chí theo sang cả kiếp khác. Tình yêu là thứ không thể lý giải được”.
Bảo Yến
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số 82