Chỉ trong vòng một quý, công ty Thuỷ sản Hùng Vương do "vua cá tra" Dương Ngọc Minh cầm lái đã báo lỗ 272 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Hùng Vương (HoSE: HVG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II (tính từ 1/1/2018 đến 31/3/2018) niên độ 2017-2018 ( từ 1/10/2017 đến 30/9/2018).
Theo đó, doanh thu trong quý của HVG đạt xấp xỉ 2.620 tỷ đồng, chỉ bằng 45% so với doanh thu quý II năm ngoái. Doanh thu lũy kế tính từ 1/10/2017 đến 31/3/2018 đạt 5.366 tỷ đồng, bằng 61% mức đạt được cùng kỳ 2017.
So với quý I/2018, mức doanh thu này chỉ bị giảm sút khoảng 5%, song trong khi quý I doanh nghiệp vẫn ghi dương lợi nhuận 7,3 tỷ đồng thì đến quý này con số lỗ sau thuế đã lên tới 272 tỷ đồng. Trung bình, mỗi ngày doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước - từng được mệnh danh là "vua cá tra" phải chịu lỗ 3 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp làm ăn bết bát là do trong cơ cấu doanh thu, giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng gần như áp đảo trong khi chi phí cao, lãi vay lớn. Ở quý II năm nay, giá vốn hàng bán chiếm đến 2.464 tỷ đồng trên tổng số 2.620 tỷ đồng doanh thu (chiếm 94%).
Thêm vào đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm hơn 73 tỷ đồng, lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết giảm 15 tỷ đồng, trong khi đó vẫn phải gánh mức chi phí bán hàng 108 tỷ đồng và trả lãi vay 102 tỷ đồng khiến cho trước và sau thuế lần lượt âm 233 tỷ đồng và âm 272 tỷ đồng, kéo theo lỗ lũy kế 6 tháng là 265 tỷ đồng.
"Vua cá tra" Dương Ngọc Minh. |
Cổ phiếu HVG đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 4/6/2018 sau khi liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin tại HoSE.
Trước đó, trong năm tài chính 2016-2017 (tính từ 1/10/2016 – 30/9/2017), HVG lỗ 705 tỷ đồng trong khi năm trước đó vẫn lãi 10 tỷ đồng. Nguyên nhân vẫn là do giá vốn hàng bán cao: 14.435 tỷ đồng, trong khi doanh thu cả năm chỉ đạt 15.514 tỷ đồng, mặt khác chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 756 tỷ đồng (do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hơn 566 tỷ đồng trong năm)
Đáng lưu ý, gánh nặng nợ nần đã khiến HVG ngày càng rơi vào khủng hoảng. Kết thúc năm 2017, nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 10.678 tỷ đồng, vượt quá cả tài sản ngắn hạn (9.868 tỷ đồng).
Trong năm 2017, công ty tự lập báo cáo tài chính với doanh thu 15.864 tỷ đồng, lỗ gần 63 tỷ đồng. Tuy nhiên sau kiểm toán, số doanh thu được ghi nhận là 15.514 tỷ đồng (giảm 350 tỷ đồng), lỗ 705 tỷ đồng (tăng 642 tỷ đồng sau kiểm toán).
Hùng Vương từng được mệnh danh là “vua cá tra”, “vua thủy sản” với việc sở hữu 11 nhà máy chế biến cá, công suất lên tới 400.000 tấn/năm nhưng đến nay rơi vào tình trạng khó khăn do tính sai nước cờ.
Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam chỉ rõ trong báo cáo tài chính kiểm toán của doanh nghiệp như sau: “Hùng Vương đã dùng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Khi thị trường biến động tiêu cực, dự án không sinh lời thì không thể gánh các khoản nợ nần. Nói cách khác, Hùng Vương rơi vào chính bẫy nợ từ cuộc chơi đòn bẩy tài chính”.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2018 tổ chức ngày 20/4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Dương Ngọc Minh cho biết ông cảm thấy xấu hổ khi không hoàn thành các cam kết với cổ đông và từng nghĩ đến chuyện trong trường hợp xấu nhất sẽ bán toàn bộ tài sản để tất toán hết nợ nần và để có nguồn tiền trả lại cho cổ đông.
“Nói thực với cổ đông tôi vô cùng mệt mỏi, chiến lược không như kỳ vọng. Ban lãnh đạo đã rất mất ăn mất ngủ với tình trạng hiện nay của HVG" ông Minh chia sẻ.