Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp Quốc (UNICEF), 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch.
Ước tính rằng mỗi năm trên thế giới có 1,1 triệu trẻ em tử vong do tiêu chảy và 1,2 triệu trẻ em mất đi sự sống do các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Ngoài ra, vệ sinh kém cũng làm gia tăng các bệnh như tay chân miệng, bệnh ngoài da, bệnh giun sán…
Vệ sinh kém, tiêu chảy và bệnh giun sán cũng là các nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và khả năng học tập của trẻ em.
Biểu hiện và nguyên nhân tiêu chảy ở trẻ
Khi trẻ đi ngoài phân lỏng hơn bình thường, đi nhiều lần (trên 3 lần mỗi ngày) là đã bị tiêu chảy. Tiêu chảy cấp thường diễn ra dưới 5 ngày, nếu xảy ra trên 2 tuần là tiêu chảy kéo dài.
Bệnh thường xảy ra khi dùng phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc với phân của người mắc bệnh, ăn uống thiếu khoa học hoặc do dùng thuốc.
Một số nguyên nhân thường gây tiêu chảy ở trẻ như: Nhiễm Virus, nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, do dùng thuốc (thường gặp là tiêu chảy do trẻ uống kháng sinh), do dị ứng thức ăn, do không dung nạp được thức ăn, do ngộ độc,…
Hậu quả của bệnh tiêu chảy ở trẻ
Tiêu chảy kéo dài thường bắt đầu bằng một đợt tiêu chảy cấp và kéo dài. Hậu quả của bệnh thường dẫn đến suy dinh dưỡng nặng và dễ tử vong.
Trẻ nhỏ có nguy cơ mắc tiêu chảy kéo dài cao hơn trẻ lớn. Nguy cơ tiêu chảy cấp chuyển sang tiêu chảy kéo dài ở trẻ trong năm đầu là 22%, giảm xuống 10% ở năm thứ hai và 3% ở năm thứ ba.
Mối nguy hiểm lớn nhất đe dọa tới sức khoẻ khi trẻ bị tiêu chảy là tình trạng mất nước. Do vậy khi bị tiêu chảy, trước hết cần bù ngay nước và chất điện giải, sử dụng men vi sinh để cân bằng vi sinh vật đường ruột.
Tiêu chảy cấp nếu không được điều trị đúng cách có thể gây rối loạn tiêu hóa dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch, thậm chí có thể gây tử vong.
Xử trí khi trẻ bị tiêu chảy
Bước 1: Ngay khi trẻ bị tiêu chảy cần cho trẻ uống bù nước, tốt nhất là uống oresol (nhớ pha theo đúng chỉ định trên bao bì). Cho trẻ uống từ từ từng muỗng cho tới khi hết khát. Nếu trong 24 giờ không uống hết lượng dung dịch đã pha thì đổ đi pha đợt khác vì dung dịch đã pha sẽ bị hỏng
Bước 2: Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị tiêu chảy. Việc cung cấp dinh dưỡng hợp lý sẽ có tác dụng thúc đẩy hồi phục sớm tổn thương niêm mạc ruột, giúp chức năng tiêu hóa hấp thu của ruột nhanh chóng trở về bình thường, rút ngắn thời gian tiêu chảy, cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ.
Vì vậy, nên tránh sử dụng đồ ăn chứa nhiều lactose, giảm dị ứng prô-tê-in sữa bò và tránh những thức ăn, nước uống có nồng độ đường, muối quá cao làm tăng nồng độ thẩm thấu dễ gây tiêu chảy.
Vì vậy, cần tiếp tục cho trẻ ăn và bú bình thường (nếu trẻ còn bú), chú ý dùng thức ăn dễ tiêu: cháo thịt nạc, thịt gà nấu với carot, khoai tây. Nếu trẻ dùng sữa hộp thì nên pha loãng gấp đôi mức bình thường.
Bước 3: Bổ sung ngay men vi sinh cho trẻ: Men vi sinh giúp cung cấp hệ vi khuẩn có lợi với các lợi ích sau:
Các vi khuẩn có lợi sẽ nhanh chóng thiết lập sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột, giúp tăng sức đề kháng của hệ tiêu hóa, đấu tranh để kìm hãm sự phát triển của các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,…. Điều này giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh.
Nếu trẻ bị tiêu chảy đến ngày thứ 3 sẽ gây ra tình trạng bất dung nạp đường Lactose thứ phát. Điều này thường làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy và là một trong những lý do gây ra tình trạng tiêu chảy kéo dài ở trẻ. Bổ sung sớm men vi sinh có chức năng tiêu hóa đường Lactose sẽ giúp trẻ tránh được tình trạng này.
Bước 4: Tìm ra nguyên nhân gây bệnh và định hướng điều trị hoặc đến bác sĩ để được khám, điều trị.
Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ khi có những triệu chứng như:
- Tiêu chảy kéo dài trên 2 ngày mà không thuyên giảm.
- Phân bé có lẫn máu. Máu có thể màu đỏ tươi, hồng, hoặc nâu đen lẫn nhầy như mũi.
- Bụng đau khi sờ ấn.
- Nôn ói nhiều, không thể cho ăn uống được.
- Có dấu hiệu mất nước nặng như da nhăn, mắt lõm, khóc không có nước mắt, thóp lõm, tiểu ít, bé lừ đừ, da nổi bông...
- Trẻ kèm theo sốt cao.
Phòng tránh
Để hạn chế tình trạng tiêu chảy cho trẻ, cần lưu ý đến giữ gìn vệ sinh trong ăn uống: ăn thực phẩm sạch và nấu chín, không ăn thức ăn bán ngoài đường,
Sử dụng nguồn nước sạch, rửa kỹ tay trước khi chăm sóc và cho trẻ ăn; tránh để trẻ tiếp xúc với người bệnh; tránh sử dụng kháng sinh bừa bãi.
Rèn cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng như trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh có thể ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh. Rửa tay với xà phòng làm giảm tới 50% các trường hợp mắc tiêu chảy, 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Rửa tay với xà phòng và sử dụng nước ăn uống sạch làm giảm 15% các trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhóm trẻ này. Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm…
Nam Anh (T/h)